Bạn đọc viết

Chứng thực chữ ký trong giấy bán, cho, tặng xe của cá nhân có phù hợp với pháp luật hay không?

đề nghị Bộ Công an cần nghiên cứu, rà soát lại quy định tại điểm g khoản 1 Điều 10 của Thông tư số 15/2014/TT-BCA để đảm bảo sự tương thích, phù hợp với các quy định của pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện các hợp đồng, giao dịch có liên quan đến việc bán, tặng, cho xe của cá nhân.

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 10 Thông tư số 15/2014/TT-BCA ngày 04/4/2014 của Bộ Công an quy định: Giấy bán, cho, tặng xe của cá nhân được công chứng hoặc chứng thực tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn đối với chữ ký của người bán, cho, tặng xe theo quy định của pháp luật về chứng thực”, quy định này thời gian qua, đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện chuyển quyền sở hữu xe của cá nhân. Quy định này vẫn còn hiệu lực áp dụng, do vậy, hiện nay người dân khi liên hệ đến cơ quan công an làm thủ tục đăng ký sang tên thì được hướng dẫn làm Giấy bán, cho, tặng xe của cá nhân theo mẫu, sau đó được hướng dẫn về Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chứng thực đối với chữ ký của người bán, cho, tặng xe theo quy định của pháp luật về chứng thực.

Tuy nhiên, ngày 16/02/2015, Chính phủ ban hành Nghị định 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch (gọi tắt là Nghị định 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ); tại khoản 4 Điều 25 của Nghị định về những trường hợp không được chứng thực chữ ký quy định: “Giấy tờ, văn bản có nội dung là hợp đồng, giao dịch, trừ các trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 4 Điều 24 của Nghị định này hoặc trường hợp pháp luật có quy định khác”. Tại điểm d khoản 4 điều 24 của Nghị định quy định: “Chứng thực chữ ký trong Giấy ủy quyền đối với trường hợp ủy quyền không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản .” Chính vì vậy, Giấy bán, cho, tặng xe của cá nhân thực chất là hợp đồng mua bán, vì vậy, cần phải được lập thành hợp đồng, phải được công chứng theo quy định của Luật Công chứng và chứng thực hợp đồng theo quy định Nghị định 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Do đó, đây không thuộc trường hợp chứng thực chữ ký của người bán, cho, tặng xe theo quy định của pháp luật về chứng thực.

Thực tế quy định tại điểm g khoản 1 Điều 10 Thông tư số 15/2014/TT-BCA ngày 04/4/2014 của Bộ Công an quy định: “Giấy bán, cho, tặng xe của cá nhân được công chứng hoặc chứng thực tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn đối với chữ ký của người bán, cho, tặng xe theo quy định của pháp luật về chứng thực” vẫn còn hiệu lực thi hành và cơ quan công an khi làm thủ tục sang tên đổi chủ sở hữu đối với xe cá nhân vẫn áp dụng và thường hướng dẫn công dân đến Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn để chứng thực chữ ký. Khi tiếp nhận yêu cầu chứng thực chữ ký trong Giấy bán, cho, tặng xe của cá nhân thì cán bộ Tư pháp – hộ tịch xã, phường, thị trấn từ chối và hướng dẫn lập hợp đồng để chứng thực thì phát sinh thắc mắc, khiếu nại về quy định, nhiều trường hợp người dân cho rằng cán bộ xã, phường, thị trấn gây khó dễ, nhũng nhiễu, tiêu cực.

Để tháo gỡ vướng mắc, bất cập nêu trên, đề nghị Bộ Công an cần nghiên cứu, rà soát lại quy định tại điểm g khoản 1 Điều 10 của Thông tư số 15/2014/TT-BCA để đảm bảo sự tương thích, phù hợp với các quy định của pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện các hợp đồng, giao dịch có liên quan đến việc bán, tặng, cho xe của cá nhân.

Đỗ Văn Nhân

211 Trần Hưng Đạo, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum