Ý kiến giáo viên

Chúng ta là ai mà làm khổ con em mình thế?

(Dân trí) - Trong một diễn biến mới đây, tại phiên họp thường kì của UBTV Quốc hội sáng 12-9, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết doanh thu của NXB Giáo dục năm 2017 là 1.200 tỷ đồng, chiếm hơn 50% toàn ngành xuất bản. NXB đưa ra 100 triệu bản SGK, phụ huynh phải chi hơn 1.000 tỷ đồng mỗi năm để mua SGK.[1]


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Trong một diễn biến mới đây, tại phiên họp thường kì của UBTV Quốc hội sáng 12-9, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết doanh thu của NXB Giáo dục năm 2017 là 1.200 tỷ đồng, chiếm hơn 50% toàn ngành xuất bản. NXB đưa ra 100 triệu bản SGK, phụ huynh phải chi hơn 1.000 tỷ đồng mỗi năm để mua SGK.

Điều đáng quan tâm ở đây - mà Trưởng ban Dân nguyện đã chỉ ra - là 100 triệu bản sách ấy học sinh chỉ dùng một lần sau đó bán đồng nát.

100 triệu bản/năm! Quí vị hãy tưởng tượng nếu xếp số sách ấy sát vào nhau sẽ cần một chiều dài… 1000 ki lô mét!

Thật đáng bái phục cho ai đó đã nghĩ ra chiêu buộc học sinh phải giải bài tập trực tiếp vào sách giáo khoa. Một “sáng kiến” mang tính “cải cách” theo cách nhìn của những người làm sách không ngờ lại đem đến lợi nhuận khủng cho ai đó và NXB Giáo dục, đơn vị độc quyền sách GK bấy lâu nay. Nó tạo ra vòng xoay “kì lạ” chỉ kinh doanh sách giáo khoa mới có.

Và, xin hãy lướt qua một số thông tin mà báo chí đã đề cập sau đây.

“Hàng năm, lượng in ấn sách giáo khoa và sách tham khảo chiếm khoảng 85% lượng in ấn của quốc gia, 200 triệu bản cho khoảng 2.500 đầu sách.

Ở bậc học phổ thông, học sinh lớp 1 có tới 80 cuốn sách, còn từ lớp 2 đến lớp 12, có từ 100 đến 500 cuốn sách”.

“Giấy in sách giáo dục cần khoảng 2 triệu tấn/năm, trong nước chỉ cung cấp được 40% còn lại 60% phải nhập ngoại”.

Theo GS. Hoàng Xuân Hãn: “Số tiền mà người dân bỏ ra mua sách cho con học, theo tính toán của tôi cuối thế kỷ trước phải bỏ ra khoảng 100 triệu USD xấp xỉ bằng tiền thu thuế nông nghiệp hàng năm. Xin tính riêng tiền lãi một môn Ngữ Văn lớp 1 năm đầu thay sách 2002, hai tập 19.600 đồng, có 1,7 triệu em vào lớp 1, Nhà xuất bản Giáo dục thu về hơn 33 tỷ đồng, trừ mọi chi phí số tiền lãi thu được là 30 tỷ đồng, tương đương hơn 2 triệu USD vào thời gian đó”.

Cách đây tròn 20 năm, trong buổi tọa đàm tại Đại học Sư phạm Hà Nội về giáo dục, cố GS Nguyễn Lân - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cảnh báo: “…ta đang cho các em học một cách nhồi sọ…, chuyện bắt học sinh mua nhiều sách… đó chẳng qua chỉ là sự làm tiền!” (Tuổi trẻ, 13-3-1998).

Chuyện làm sách GK khiến tôi liên tưởng đến cái định luật về công trong lĩnh vực Vật lí, giờ nó đã chuyển hóa về chất trong lĩnh vực kinh doanh rằng, NXB Giáo dục lợi bao nhiêu thì Nhà nước và nhân dân thiệt hại bấy nhiêu!

Hằng năm, Chính phủ đã phải bỏ ra một khoản không nhỏ ngoại tệ để nhập khẩu giấy. Còn người dân thì phải vét hầu bao èo uột của mình để chi tiền triệu mua sách chỉ dùng trong một lần.

Tôi lại liên tưởng đến chuyện ở Điện Biên, mùa khai giảng này, nhiều học sinh vẫn phải chui túi nilon vượt lũ tới trường

Còn ở Tây nguyên, năm học này, một huyện có tiềm năng như Đắk Mil mà vẫn còn quá nửa phòng học tạm. “Toàn huyện có 822 phòng học; trong đó, 277 phòng kiên cố, bán kiên cố: 541 phòng và phòng học tạm, mượn 3 phòng”

Rồi nhiều nơi khác ở vùng sâu, vùng xa các tỉnh miền núi phía bắc, miền trung, Tây nguyên, Đông Nam bộ, con em chúng ta vẫn đang mơ một cây cầu để bớt đi nỗi gian nan nguy hiểm trên con đường tới lớp. Mơ ước thật nhỏ nhoi so với ngàn tỉ tiền dân bị lãng phí và lợi nhuận mỗi năm mấy trăm tỉ mà NXB Giáo dục thu được từ việc in ấn, phát hành sách GK.

Có những nghịch lí vắt óc nghĩ mãi vẫn không ra. Điều kì lạ là những nghịch lí như thế cứ mặc nhiên tồn tại, chẳng thấy ai có trách nhiệm quan tâm xử lí.

Và hàng triệu người dân vẫn phải vật lộn với cuộc mưu sinh hằng ngày, bòn góp từng đồng cắc cho ai đó phung phí ngàn ngàn tỉ được che đậy bằng mĩ từ “vì tương lai con em chúng ta”!

Trên diễn đàn Quốc hội, khi bàn đến chuyện sách GK, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân không nén nổi cảm xúc, đã phải thốt lên: “Chúng ta làm khổ con em quá”.

Đúng là chúng ta làm khổ con em quá!

Nguyễn Duy Xuân