Chuẩn hóa trình độ, đãi ngộ hợp lý

Một trong những điểm nhấn quan trọng trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục được đưa ra lấy ý kiến tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV là chính sách đối với đội ngũ giáo viên, trọng tâm là vấn đề chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo và bảo đảm chế độ tiền lương cho giáo viên.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), hiện nay cả nước còn khoảng 40% giáo viên tiểu học và 25% giáo viên trung học cơ sở (THCS) chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo mới (đại học sư phạm). Việc chuẩn hóa trình độ đào tạo đội ngũ nhà giáo nhằm cụ thể hóa nội dung Nghị quyết số 29-NQ/TW khóa XI của Đảng đã đề ra là: “Tiến tới tất cả các giáo viên tiểu học, THCS, giáo viên, giảng viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có trình độ từ đại học trở lên, có năng lực sư phạm”.

Chuẩn hóa nhà giáo các cấp là vấn đề được đặt ra từ nhiều năm nay. Trong khi đa số giáo viên từ bậc THPT trở lên đã được đào tạo tương đối bài bản thì một bộ phận giáo viên bậc tiểu học và THCS vẫn chưa được chuẩn hóa, nhất là ở các địa phương miền núi biên giới và có điều kiện kinh tế-xã hội (KT-XH) đặc biệt khó khăn. Thời gian qua, đội ngũ này cơ bản đáp ứng kịp thời nhu cầu, nhiệm vụ khi các địa phương mở rộng mạng lưới trường lớp ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, về lâu dài, đội ngũ giáo viên bậc tiểu học, THCS phải tiếp tục được đào tạo, bồi dưỡng để có đủ kiến thức, trình độ, năng lực sư phạm, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của chương trình giáo dục phổ thông mới.


Cán bộ, giáo viên và học sinh Trường Mầm non thị trấn Đô Lương, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An tham quan Tiểu đoàn 18, Sư đoàn 324, Quân khu 4. Ảnh: QĐND

Cán bộ, giáo viên và học sinh Trường Mầm non thị trấn Đô Lương, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An tham quan Tiểu đoàn 18, Sư đoàn 324, Quân khu 4. Ảnh: QĐND

Ngoài việc chuẩn hóa trình độ đào tạo, vấn đề cấp thiết được đội ngũ nhà giáo và dư luận xã hội quan tâm bấy lâu nay là đổi mới chính sách tiền lương cho những người công tác trong ngành giáo dục. Có một nghịch lý đáng nói là, dù chúng ta nhiều lần khẳng định đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH; giáo viên là “cỗ máy cái” trong hệ thống giáo dục, là nhân tố hàng đầu quyết định đến sự thành bại của sự nghiệp “trồng người”, song trên thực tế, chính sách tiền lương cho đội ngũ này chậm được đổi mới, chưa theo kịp nhịp độ phát triển KT-XH của đất nước. Chính sách tiền lương hiện hành đối với giáo viên chưa trở thành nguồn thu nhập cơ bản giúp họ đủ trang trải cuộc sống của bản thân và gia đình; cũng như chưa trở thành động lực thực sự để họ cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục. Mặt khác, chính những bất cập từ chính sách tiền lương giáo viên cũng là một trong những nguyên nhân làm cho các vấn nạn lạm thu, dạy thêm… chưa được ngăn chặn triệt để tại nhiều cơ sở giáo dục.

Theo quy định của Luật Giáo dục, mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Gánh vác sứ mệnh cao cả và trách nhiệm nặng nề ấy chính là đội ngũ nhà giáo. Vì vậy, đã đến lúc chúng ta không nên dừng lại ở những lời hay ý đẹp về nghề giáo, mà quan trọng hơn là phải thiết kế những chính sách thiết thực, khả thi trong thực tiễn để bảo đảm nhà giáo được chuẩn hóa trình độ đáp ứng với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; đồng thời có điều kiện cuộc sống ổn định để họ luôn tự hào về nghề, tự nguyện gắn bó lâu dài với nghiệp và hết lòng cống hiến cho những mục tiêu giáo dục tốt đẹp đã đề ra. Hơn thế, việc sớm chuẩn hóa trình độ và ban hành chính sách đãi ngộ hợp lý cho nhà giáo chính là đi trước một bước để thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai từ năm học 2019-2020.

Theo Thiện Văn

Báo Quân đội nhân dân