Chữ tín trong kinh doanh: Nhìn từ VN Pharma đến Khaisilk
Không phải ngẫu nhiên người Do Thái kinh doanh giỏi nhất thế giới, bởi họ đặt chữ tín lên hàng đầu. Đối với họ, sự thiếu trung thực không thể chấp nhận được. Và suy cho cùng sự thiếu trung thực bắt nguồn từ lòng tham của mỗi con người.
Từ vụ VNPharma đến "lùm xùm" Khaisilk: Bài học về sự trung thực trong kinh doanh
VN Pharma, Khaisilk là hai sự kiện thời sự được rất nóng tại thời điểm hiện tại.
Dư luận theo dõi phiên tòa xử phúc thẩm vụ án VN Pharma như “mở cờ trong bụng” vì những bức xúc lâu nay, cuối cùng đã được giải tỏa.
Nguyên TGĐ VN Pharma khóc nức nở nói lời sau cùng. Ảnh: Đăng Huỳnh
Những chi tiết quan trọng như vì sao thuốc chữa ung giả/kém chất lượng vẫn ra được thị trường; con đường của 7,5 tỉ đồng “rải hoa hồng” cho bác sĩ đi như thế nào… được VKS hỏi dồn dập. Và thật bất ngờ, cuối phiên tòa, hai bị cáo Nguyễn Minh Hùng – nguyên Tổng Giám đốc VN Pharma, Võ Mạnh Cường – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại hàng hải quốc tế H&C, bị bắt giam tại trận, khiến Hùng "nức nở".
Còn Khaisilk là “từ khóa nóng” 2 ngày nay. Theo đó, cộng đồng mạng “nổi cơn thịnh nộ” khi Khaisilk bán khăn lụa tơ tằm vừa gắn mác thương hiệu Việt vừa gắn mác Trung Quốc.
Trước “lùm xùm” này, “ông hoàng của lụa” đã thừa nhận gần 30 năm nay bán khăn lụa nhập từ Trung Quốc, đồng thời cúi đầu xin lỗi khách hàng Việt.
Khaisilk và phát ngôn “bất hủ” trong kinh doanh.
“Sai một ly đi một dặm”, đời nào một doanh nhân có tiếng đất Hà thành lại đánh đổi niềm tin của “thượng đế” bằng sự bội tín chỉ vì cái gọi là siêu lợi nhuận.
Có thể thấy được sự tương đồng qua hai vụ "nổi đình đám" VN Pharma và Khaisilk. Nhưng đó là sự tương đồng chua chát!
Cả hai cùng buôn gian bán lận, thiếu trung thực trong kinh doanh, bất tín và lừa lọc. Như một nhà khoa học đã nói: Nếu được lãi 30%, dân buôn bán có thể bán cả con cái, bán cả bố mẹ, nếu lãi lên tới 100%, lãi 200% bán cả bản thân mình.
Hai ví dụ trên giúp ta nhìn xa hơn về chữ tín, sự trung thực trong kinh doanh.
Chia sẻ với Báo Lao Động, TS Đoàn Hương cho biết, trong văn hóa kinh doanh, chữ tín phải đặt lên hàng đầu. Tiền vốn rất quan trọng, mẫu mã cũng quan trọng nhưng quan trọng nhất phải là chữ tín và sự trung thực.
“Trên thương trường, nhiều doanh nghiệp sử dụng thủ thuật để thắng, tôi cho rằng không bền được. Trên thương thường nếu phạm phải chữ tín ắt sẽ thất bại” - Ts Hương nói.
Những doanh nghiệp buôn gian bán lận, lợi dụng lòng tin khách hàng, khách hàng hoàn toàn có quyền kiện. Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng phải phát huy vai trò của mình hơn nữa, vì quyền lợi chính đáng của khách hàng.
Với những doanh nghiệp buôn gian bán lận, không phải lên truyền thông xin lỗi là xong, mà phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Thậm chí phải chịu trách nhiệm hình sự mới đủ sức răn đe, mới lấy lại được niềm tin của người tiêu dùng.
Theo Cường Ngô
Báo Lao động