Bạn đọc viết:

Chủ động cụ thể hóa công tác quản lý nhà nước về Biển

(Dân trí) - Việc có những doanh nghiệp kinh doanh du lịch vẫn giới thiệu biển Vũng Tàu là South China Sea, biển Đà Nẵng là China Beach đã gây bức xúc trong dư luận. Nhưng điều này, theo tôi thực ra là vì ta vẫn chưa cụ thể hóa công tác quản lý nhà nước về Biển.

Hải quân Việt Nam tập luyện tác chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo (ảnh tư liệu)
Hải quân Việt Nam tập luyện tác chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo (ảnh tư liệu)

 

Cả nước đang hân hoan vì Luật Biển Việt Nam sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013. Nhưng chúng ta vẫn chưa cụ thể hóa công tác quản lý nhà nước về biển. Mà theo tôi, để cụ thể hóa thì nhất thiết phải có một bộ bản đồ hành chính đi kèm theo với Luật, có đầy đủ hải danh- địa danh, hải giới-địa giới rõ ràng,  để giúp cho người làm công tác quản lý biết rõ trách nhiệm của mình quản lý đến đâu ở trên biển và trên đất liền.

Luật cần đi kèm với bản đồ để tăng tính phổ cập của luật. Đặc biệt, Luật Biên giới quốc gia, Luật Đất đai, Luật Biển Việt Nam càng rất cần một bộ bản đồ hành chính thống nhất để khẳng định rõ chủ quyền từ đất liền biên cương đến các vùng biển và hải đảo.

 

Nên chăng ta hợp nhất ba luật trên thành một Bộ luật Đất và Nước thống nhất, vì chương hai Bộ luật Biển Việt Nam cũng đã ghi rõ: Đảo, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Và Luật Biên giới quốc gia năm 2003 cũng đã khẳng định chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Chính vì thế tôi nghĩ rằng đây là “ tín hiệu thống nhất” để chúng ta hợp nhất một cách hoàn hảo giữa ba luật trên thành Bộ luật  Đất và Nước.

 

Khi có Bộ luật Đất và Nước thống nhất sẽ giúp cho người quản lý và hoạch định chính sách luôn luôn phải cân nhắc để có những quyết sách hài hòa giữa đất, biển và biên giới, để đầu tư và phát triển kinh tế và bảo vệ lãnh thổ quốc gia. Đồng thời luật đất nước thống nhất cũng sẽ giúp cho công dân Việt Nam ý thức cao hơn về lãnh thổ, lãnh hải của đất nước mình.

 

Về bộ bản đồ hành chính, nên xác định và ghi rõ địa phận - hải phận của từng tỉnh thành ven biển. Về hải phận cũng cần phải xác định rõ đâu là đường cơ sở, nội thủy, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa…

 

Hải phận của từng tỉnh thành cũng cần ghi rõ hải danh. Hải danh là vùng nước biển liền kề với địa danh của tỉnh thành đó. Ví dụ: hải phận biển Đà Nẵng được phân vùng hải giới từ đâu đến đâu, có ghi rõ vùng đặc quyền kinh tế, nội thủy…Và hải phận biển Đà Nẵng sẽ được phân cấp quản lý hành chính cho thành phố Đà Nẵng.

 

Giờ là thời kỳ toàn cầu hóa, chúng ta có lẽ phải, có chân lý thì chúng ta nên chủ động cụ thể hóa công tác quản lý nhà nước về Biển. Trong tất cả mọi tình huống chúng ta cần bình tĩnh, sáng suốt nhưng chúng ta cũng cần rất cương quyết để bảo vệ lãnh hải và lãnh thổ của chúng ta. Cần cụ thể hóa bằng bản đồ hành chính cùng với quyền lực mềm của chúng ta - đó chính là luật và sự đoàn kết thống nhất của cả dân tộc. Và theo tôi, bản đồ cần ghi rõ BIỂN ĐÔNG phải nằm ngoài lãnh hải của chúng ta, để bạn bè quốc tế không  ai ngộ nhận.

 

Có một thiếu sót cần bổ sung trong thời kỳ toàn cầu hóa, đó là khi chúng ta lên bất cứ công cụ tìm kiếm nào về bản đồ trên thế giới, kể cả Google thì BIỂN ĐÔNG của chúng ta đều được định danh là BIỂN NAM TRUNG HOA. Điều này gây bức xúc cho nhiều người Việt Nam, nhưng tôi nghĩ, xét cho cùng thì đây cũng là một thiếu sót của chúng ta.

 

Theo tôi thì BIỂN ĐÔNG là một từ ngữ địa lý, nhưng chưa mang đầy đủ nội hàm địa lý vì thiếu xuất xứ và định vị địa lý! Ví dụ: BIỂN NAM TRUNG HOA mang nội hàm là được định vị địa lý ở phía Nam của nước Trung Hoa.

 

Còn BIỂN ĐÔNG? BIỂN ĐÔNG cũng nên mang đầy đủ nội hàm xuất xứ và định vị địa lý từ Việt Nam, và như vậy thì nên gọi đầy đủ là BIỂN ĐÔNG VIỆT NAM nằm ngoài THỀM LỤC ĐỊA VIỆT NAM. Điều đó không sao cả, vì một vùng biển, hai quốc gia có thể có hai tên gọi khác nhau. Khi từ ngữ BIỂN ĐÔNG VIỆT NAM mang đầy đủ nội hàm địa lý, thì khi đó chúng ta càng có thể khẳng định mạnh mẽ hơn với bạn bè thế giới là: “BIỂN ĐÔNG VIỆT NAM là vùng biển giáp ranh với THỀM LỤC ĐỊA VIỆT NAM”.

 

Tôi rất mong có được tấm bản đồ hành chính rõ ràng, và để phổ cập rộng rãi đến tất cả mọi người thì có lẽ cách hay nhất là nên cho phép in một cách trang trọng lên trang bìa của tất cả các cuốn tập vở học sinh. Hiệu quả phổ cập, tôi tin là sẽ rất nhanh chóng vì tập vở thì hầu hết mọi người đều dùng. Và đặc biệt là học sinh - sinh viên sẽ ý thức cao hơn trong giáo dục lòng yêu nước và bảo vệ Tổ quốc.

 

Và nếu được thì bản đồ cũng nên được dịch ra các thứ tiếng như: Anh, Pháp, Hoa, Nga…để bạn bè quốc tế hiểu hơn về chúng ta.

 

Nhuận Nguyễn Văn