Chống ùn tắc giao thông bằng những giải pháp hợp lý
(Dân trí) - “Ùn tắc giao thông ở những thành phố lớn hầu như là chuyện đương nhiên ở nhiều nước, kể cả các nước phát triển. Điều quan trọng ở đây là phải tìm ra nguyên nhân chính xác chứ không thể thấy người ta làm cái gì cũng làm theo”.
Phụ huynh tập trung đón con lúc 5 g chiều gây ra ùn tắc cục bộ (nguồn ảnh: baohaiquan.vn)
Bạn đọc “Thảo Dân”:
"Bệnh ùn tắc giao thông" ở Hà Nội ngày càng trở nên nặng nề mặc dù đã được các “thầy thuốc” khám và cho dùng một số loại thuốc Nhưng đến nay bệnh mới thuyên giảm tạm thời và sinh ra những “biến chứng” di căn sang các bệnh khác, nhất là gần đây dùng toa thuốc của “thầy lang” Đinh La Thăng về đổi giờ học, giờ làm đã làm cho nề nếp sinh hoạt của nhiều gia đình bị đảo lộn, làm cho nhiều người vất vả, khổ sở từ sáng tinh mơ cho tới tối mịt. Học sinh còn học thể dục buổi tối, cả nhà khó được quây quần ăn bữa cơm, trường PTTH có thể phải mở thêm căng tin để bán đồ ăn buổi tối. Nếu kéo dài tình trạng này, nhà trường sẽ phải thu thêm một số loại phí vì tăng giờ dùng điện, tiền xe cộ đi lại.. sẽ đổ lên đầu cha mẹ học sinh.
Tôi hoàn toàn nhất trí với cách đặt vấn đề của TS Nguyễn Quang Đức và nhận thấy cần thiết trước hết phải dùng biện pháp khám bệnh hiện đại hơn ví như " Chụp cắt lớp" chẳng hạn. Kết quả khám cho thấy có mấy nguyên nhân sinh bệnh như sau: Quản lý nhà nước yếu kém, hạ tầng kỹ thuật giao thông đa chấn thương và ý thức của người tham gia giao thông “sốt” triền miên. Và như vậy nên dùng ba loại thuốc sau:
1-Tăng cường năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước (xây dựng, quy hoạch; giao thông, công chính; công an); di dời cơ quan, trường học đến nơi hợp lý. Trường ĐH mỏ địa chất nên dời đến vùng mỏ; Trường ĐH lâm nghiệp dời đến vùng rừng núi; Trường ĐH nông nghiệp dời đến vùng đồng bằng...2- Tăng cường đầu tư cơ sở giao thông như đường sá, cầu cống, bãi đỗ xe, trang thiết bị, nhất là phát triển các phương tiện vận tải công cộng... 3- Nâng cao hiểu biết, ý thức của người tham gia giao thông. Đi đôi với tuyên truyền giáo dục, cần xử lý thật nghiêm minh những trường hợp vi phạm luật lệ giao thông, thậm chí tịch thu phương tiện, cấm điều khiển phương tiện...
Các cơ quan quản lý nước cần liên tục kiểm tra giám sát để đôn đốc thực hiện 3 giải pháp nói trên chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả mong muốn.”
Bạn đọc Trương Đức:
Một khi nền tảng gia đình đã không còn bền vững, hạnh phúc của gia đình chao đảo thì hệ quả tất yếu sẽ xảy đến. Trẻ em không nơi nương tựa, không người dạy bảo và chăm sóc sẽ sớm trở thành mối lo và cả sự bất an cho xã hội và cộng đồng. Điều này chúng ta dễ dàng nắm bắt qua các con số khi mà những vụ ly hôn của các cặp vợ chồng ngày càng nhiều, trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng,... " (TG Thanh LY - Đầm ấm bữa cơm gia đình - Báo Lao động).
Để có "bữa cơm gia đình người Việt" không chỉ là Phụ nữ, các tổ chức đoàn thể đã luôn kêu gọi, tuyên truyền, tạo điều kiện và bỏ không ít tiền của công sức để đào tạo, hướng dẫn, tổ chức các cuộc thi. Mục tiêu cuối cùng cũng là để duy trì và phát huy hạnh phúc gia đình, nền tảng của xã hội, tạo điều kiện để thế hệ làm chủ tương lai của đất nước có đủ sức khỏe, tinh thần, trí lực và tình cảm để xây dựng một đất nước phồn vinh. Để làm được điều đó không chỉ là phát triển kinh tế, hạ tầng giao thông, dịch vụ công cộng, tiện ích và tiện nghi cho cuộc sống, bảo vệ môi trường, v.v... mà quan trọng là hình thành nền nếp quen thuộc ngay từ nhỏ để khi lớn lên và trưởng thành, trẻ em sẽ trở thành những người con hiếu thảo, người công dân có ích cho xã hội.
Trừ những hoàn cảnh đặc biệt, phần lớn người dân lao động, cán bộ, công chức bình thường, giáo viên, công nhân, hoc sinh, sinh viên, v.v.. hiếm ai không mong muốn có bữa cơm xum họp gia đình và họ ý thức sâu sắc tác dụng và ảnh hưởng của nó đến sức khỏe, đời sống tình cảm và cả đạo lý nữa. Thay đổi giờ làm, giờ học đã khiến hầu hết các gia đình công chức, người lao động bỗng chốc bị "đẩy" ra hàng quán hay ăn uống vội vàng, dung tục, thiếu văn hóa. Hậu quả sẽ nhìn thấy rõ chỉ sau vài ba tháng chắc chắn tỷ lệ người mắc bệnh tiêu hóa gia tăng, sức khỏe giảm sút, tâm lý căng thẳng, tình cảm gia đình giữa vợ chồng con cái tự nhiên bị lơi lỏng, không còn gắn bó như xưa…Đấy là dấu hiệu bất an của “tổ ấm” gia đình mà bữa cơm gia đình vốn là một nhân tố không thể thiếu trong gia đình truyền thống Việt Nam.
Một số người cho rằng "phải để trẻ tự lập sớm như phương tây", hoặc họ không có con đang học phổ thông, hoặc họ chẳng bao giờ gần gũi, chăm sóc chúng; họ càng không hiểu ở các nước đó hệ thống an sinh xã hội và an toàn cho con người rất tốt, hiếm cảnh chen lấn, xô đẩy, giành chỗ, chặn đường cướp giật đồ đạc của học sinh, bắt cóc trẻ em ngay cổng trường học, dụ dỗ bé gái đi bụi hay ép buộc cưỡng hiếp trắng trợn... Họ sống trong điều kiện hoàn toàn khác người lao động và mong muốn của họ là "đường thông thoáng" để xe ô tô của họ không bị kẹt.
Cần suy nghĩ lại và cân nhắc kỹ lưỡng khi dùng giải pháp chống ùn tắc giao thông bằng việc thay đổi giờ học, giờ làm trên nguyên tắc cần ưu tiên trẻ em và bảo đảm bữa cơm tối có mặt đông đủ các thành viên trong gia đình. Đừng bao giờ coi thường và vi phạm nguyên tắc này vì điều đó nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của trẻ em cũng là bảo vệ hạnh phúc của mỗi gia đình và nét đẹp gia phong của văn hóa truyền thống Việt Nam.
Bạn đọc Thanh Hà:
Ai nói rằng ở nước ngoài học sinh phải học sớm? Nếu các bạn đến Mỹ lúc 7.30 phút sáng liệu có bóng ai trên đường không? Đã có nước nào học sinh phải ra khỏi nhà và trở về nhà khi trời rất tối trong thời tiết rét buốt chưa?
Nếu tôi là Bộ trưởng Bộ Y tế, tôi sẽ kiến nghị chính phủ dừng ngay giải pháp đổi giờ học vì nó ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe của các cháu, một vấn đề mà không một ai chúng ta được phép vi phạm. Nếu tôi là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, tôi sẽ kiến nghị chính phủ dừng ngay giải pháp đổi giờ học lại vì nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng học tập của trẻ em, tương lai của đất nước. Chúng ta không nên chờ đợi để đánh giá liệu giải pháp thay đổi giờ học có làm giảm ùn tắc giao thông hay không, bởi vì cho dù có giảm hoàn toàn ùn tắc giao thông thì người lớn chúng ta cũng không được phép thực hiện bất kỳ giải pháp nào ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học của các cháu. Trước khi thay đổi giờ học, dù ách tắc giao thông thế nào thì sớm nhất 7 giờ sáng chúng ta mới phải ra khỏi nhà, 7 giờ tối chúng ta đã trở về nhà quây quần bên mâm cơm gia đình rồi.
Còn bây giờ thì sao? Tại sao người lớn chúng ta lại bắt các cháu ra khỏi nhà vào lúc 6 -6.30 phút sáng trong thời tiết rét buốt và trở về nhà lúc 19.30-20.00 khi trời đã quá tối. Trí tuệ và Lương tâm người lớn chúng ta để ở đâu? Tại sao chúng ta lại bắt con trẻ của chúng ta, lứa tuổi chúng ta có trách nhiệm bảo vệ, phải chịu đựng một sự bất thường không đúng với quy luật phát triển bình thường của tâm sinh lý trẻ em? Tại sao chúng ta không thiết kế giờ làm của chúng ta vào ban đêm, còn ban ngày chúng ta có thời gian đưa đón trẻ đi học? như vậy có phải giảm hẳn ùn tắc giao thông không? Hay người lớn chúng ta sợ mệt, chỉ biết lo cho mình? Tôi đưa ra giải pháp này không vì tính khả thi mà chỉ nhằm chứng minh sự ích kỷ của người lớn đang nắm quyền hành quyết định điều phối giao thông.
Vấn đề ùn tắc giao thông chỉ là vấn đề của một số thành phố lớn, trước hết là thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mà thực chất là vấn đề của người có ô tô cá nhân (tầng lớp khá giả và giàu có trong xã hội). Còn biết bao người dân nghèo khó đang phải vật lộn với cuộc sống đòi hỏi sự quan tâm của toàn xã hội. Tử vong do tai nạn giao thông cao nhất 1 ngày khoảng 40 người, một con số khá cao. Tuy nhiên các bạn có biết ở Việt Nam hiện tại mỗi ngày có khoảng 60-70 trẻ sơ sinh và 110-120 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong không? Tôi đưa ra con số này không phải có ý rằng chúng ta không nên quan tâm giải quyết ùn tắc giao thông, mà tôi muốn xã hội cần có sự đầu tư công bằng cho các vấn đề ưu tiên, đặc biệt không được ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học tập của các cháu. Những việc người lớn gây ra thì người lớn phải gánh chịu, đừng đổ lên đầu các cháu.
Bạn đọc Nguyễn Thị Lan:
Tôi cho rằng việc giải quyết ùn tắc giao thông là vấn đề cấp bách tuy nhiên phải phù hợp. Tôi hoàn toàn đồng ý với bài viết trên. Với kiểu đổi khung giờ như hiện nay thì có những bất cập sau: Mọi gia đình tốn kém hơn: tiền ăn quà của con (sinh thêm thói hư tật xấu là ăn quà vặt) mà không ăn thì đói. Tiền xăng, tiền hao mòn xe vì đi đón con nhiều lượt (trước kia không phải đón bây giờ phải đón vì đường tối con gái không dám để tự đi về), tốn tiền xe buýt, tốn tiền thuê xe ôm (vì không bố trí đón con được); đấy là chưa kể sẽ phải nộp thêm khoản phụ thu mà nhà trường sẽ thu thêm vì học thêm giờ phải dùng đèn điện. Mà tiền lương thì vẫn vậy, giá cả leo thang, tiền xăng, tiền điện tăng giá. Cuộc sống khó khăn nay lại khó khăn hơn.
Như vậy hình như chỉ có lợi cho giao thông và ngành điện còn người dân đã khốn khó lại khốn khó hơn. Mất thêm sức người: Giáo viên tiểu học phải trông các con thêm 30', giáo viên THCS trông các con thêm 30', giáo viên THPT dạy thêm tiếng rưỡi. Họ làm thêm giờ không được tính lương (thu tiền của PHHS ư?).
Trong khi giáo viên các cấp học đều vất vả thêm thì học sinh vốn đã quá vất vả bởi chương trình học nặng nề, nhồi nhét, nay lại càng khó nhọc hơn vì đổi giờ học. Thức khuya dạy sớm, trưa không được nghỉ ngơi, tối phải học bài làm bài tập đến khuya (các vị hãy làm học sinh một ngày đi mới hiểu hết nỗi vất vả của các em mà tựu chung cũng chỉ vì người lớn!). Với cường độ lao động như hiện tại của học sinh, cả nhà trường, gia đình và xã hội sẽ phải gánh chịu những kết quả buồn vì “nhân nào quả nấy”, sẽ phát sinh ngày càng nhiều những đứa trẻ bị tự kỉ, thậm chí bị điên hoặc trở những kẻ phá phách vì không chịu đựng nổi những sự áp đặt vô lý của người lớn.
Xin các cấp các ngành hãy xem xét và có cách giải quyết thấu đáo. Làm kiên quyết việc di chuyển các trường ĐH, cao đẳng ra khỏi thành phố. Thực hiện kế hoach dãn dân ra ngoại thành. Một số các cơ quan lớn chuyển ra ngoại thành; ở trung tâm thành phố chỉ có cơ quan hành chính trung ương.
Trước mắt điều chỉnh giờ làm và giờ học nên điều chỉnh lại cho hợp lý: các cấp học mầm non và tiểu học sẽ bắt đầu học 8h 30' và tan học vào 16h30, Cấp THCS bắt đầu 8h và tan học vào 17h30'. Cấp THPT bắt đầu 7h30' kết thúc vào 18h. Công chức nhà nước bắt đầu từ 8h30' và kết thúc 17h 30'. Ngành giáo dục nên giảm bớt chương trình từng cấp học cho phù hợp. Cắt bớt kiến thức mang tính hàn lâm nặng về lí thuyết không thiết thức. Cả hai ngành cùng với trung ương cùng vào cuộc giải quyết, chúng ta sẽ có một Thủ đô xanh - sạch - đẹp.
LTS Dân trí - Điều chỉnh giờ học giờ làm là công việc hệ trọng đụng chạm đến nền nếp sinh hoạt của mọi gia đình, nhất là đối với trẻ em, là đối tượng cần được ưu tiên trong việc bảo vệ sức khỏe cũng như quyền lợi học tập và quyền được sống trong không khí ấm cúng của gia đình vào những buổi tối.
Việc đổi giờ học và giờ làm vừa qua đã không cân nhắc đầy đủ, thấu đáo những yếu tố chịu tác động mà dường như chỉ tập trung vào mục tiêu giảm ùn tắc giao thông vào giờ “cao điểm”. Nhưng dù mục tiêu này có đạt được một phần mà phải hy sinh quyền lợi chính đáng của trẻ em cũng không thể chấp nhận.
Mong rằng TP. Hà Nội sớm cho điều chỉnh lại việc thay đổi giờ học và giờ làm sao cho hợp lý, không ảnh hưởng nhiều đến nền nếp sinh hoạt của mọi gia đình cũng như không làm ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng học tập của trẻ em. Đấy là nguyên tắc số 1 cần ưu tiên trong giải pháp thực hiện.