Chống lãng phí: Quyết đó, Tâm đâu
(Dân trí) - Đất nước còn nghèo, dân ta nhiều người còn khổ. Nhưng cảnh cán bộ được “nuôi” theo kiểu một tiền gà, ba tiền thóc thì đã như là chuyện hiển nhiên. Thậm chí sự giàu có khó hiểu của nhiều giới chức hiện nay, ai cũng rõ rằng “bây giờ ‘quan’ đâu sống bằng lương”.
Góp gió thành bão
Kết luận đó của Huy khanganhmobile@gmail.com có vẻ như vẫn còn bỏ ngỏ vế sau, đó là: Lương thì ít, nhưng lậu thì nhiều. Bởi thế mới có những vụ việc tưởng chừng như không có gì mà phải ầm ĩ quanh “nghi án chạy công chức 100 triệu”…
Thinh Phan thinhphan@yahoo.com khẳng định chắc nịch:
“Mấy bác ấy khỏi cần lương cũng sống khoẻ, gia đình sống khoẻ, bà con sống khoẻ….. Cần gì phải lo nữa đâu”.
Và cũng vì cái về sau quan trọng hơn rất nhiều so với vế trước đó, Nguyễn Chí Dũng nguyenchidungtg@yahoo.com lý giải tiếp:
“Nếu ở nước ta có biện pháp kiểm soát tham nhũng chặt chẽ, tôi tin chắc người ta dù có tham đến mấy cũng không phấn đấu làm ‘quan’ đâu!”
Có chức, có quyền, có tiền dễ dàng quá cũng dễ khiến người ta sính sang, sính phù phiếm, sính vung tay quá trán…Cứ thế, cứ thế sự lãng phí tiền của (nhất là khi “xài tiền chùa” – của công) ngày càng tràn lan, khiến cả túi tiền của Nhà nước và nhân dân đều teo tóp.
“Lương thứ trưởng hơn một chục triệu, mà sao các vị ấy đều có nhà lầu, xe hơi, vợ con thì đa số tiền tiêu không hết. Em cũng mỗi tháng kiếm hơn chục triệu, mà chi tiêu tiết kiệm mới đủ lo cho gia đình. Các bác ấy có thể cho em biết bí quyết chi tiêu (càng nhiều càng dôi dư ra thêm) của mình được không ạ?” – Viet Quang: tienthanh2t@yahoo.com.vn
Có tới cả ngàn lẻ một kiểu lãng phí. Không cần kể tới việc xài xe công đi các tư vụ thì cũng đã có vô khối ví dụ “nho nhỏ” ngay tại nhiều công sở…
“Nhiều vấn đề lãng phí lắm: Lên sếp ghế cũ không ngồi, nên mua ghế mới, bàn mới, tủ mới...... tài xế cũ, ghế xe cũ không sử dụng.......Thật quá nhiều thứ lãng phí, phải không thưa bác Lịch. Vấn đề là chỗ cái Tâm, làm sao để các vị biết là dân mình còn nhiều người đang quá nghèo...” - Huỳnh Ngọc Trà: trahuynhtk@gmail.com
“Hiện nay, việc thay đổi sếp mới cũng có cái kiểu mua toàn bộ đồ mới. Nào là mua máy vi tính, laptop, máy in, bàn làm việc... Rồi có những đồ mà sếp cũ đã dùng, thì sếp đó lại mang về nhà làm của riêng… Cứ mỗi lần thay đổi như thế, thử hỏi bao nhiêu tiền cho đủ???” - Hoang Phong: sanguoikhongthatlong_ls@yahoo.com
“ Đường đường là sếp ở cấp đó, chắc phải mất bao nhiêu là quan hệ rồi bao thứ kèm theo… Ai lại đi những con xe ‘rẻ mạt’ ??? Chả lẽ lên đến mức đó rồi mà lại không bằng mấy doanh nghiệp ư??? Không có chuyện đó đâu!!! Rồi biệt thự nọ kia cũng là xứng đáng được hưởng mà. Tôi nghĩ với mức lương mà Nhà nước chỉ trả, cộng với năng lực đặc biệt của những cán bộ đó, chỉ khoảng… năm trời là mua được biệt thự và xe đẹp thôi”- Ta Phuong: taphuong2512@gmail.com
Khéo co thành… dãn
Các cụ xưa đã dạy: Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm. Nhưng chuyện ấy… xưa như diễm rồi. Thời nay xem ra càng hô hào nhiều, càng tỏ ra gương mẫu tiết kiệm thì những khoản tiền “khủng” càng dễ bề một đi không trở lại. Thế nên bàn thì vẫn bàn, nhưng dân ta hầu như chẳng ai còn có được lòng tin nữa:
“Đồng ý với ý kiến của các Đại biểu, nhưng sửa đổi cho phù hợp với định mức bây giờ để tránh lạc hậu thì tôi thấy không hợp lý. Như ông Lịch đã nêu cần phải nhìn cách làm của người nước ngoài mà sửa cho phù hợp với nước ta. Đó là cách chống lãng phí, khoán cho các vị mỗi tháng tiền chi phí họp hành. Bấy giờ tôi nghĩ các vị ấy sẽ lại tìm ra những cách mới để có tiền đưa vào túi riêng, chứ không phải mỗi những cách cũ đó không thôi đâu. Làm sao tìm được các giải pháp thích hợp để chống lãng phí đây?” - Huyen: huyennhung199@gmail.com
“Khoán tiền xe công cho các vị ấy, thì các vị ấy đỡ bỏ việc đi chùa, bỏ việc đưa đón con, đưa vợ đi mua sắm, đám cưới, sinh nhật, nhậu nhẹt... Nhưng khoán bao nhiêu cho hợp lý? Khoán không khéo còn mất tiền nhiều hơn không khoán cũng nên. Nếu các vị không có xe đi mà ngồi ở cơ quan phát minh ra những "sáng kiến" siêu phàm làm người dân điêu đứng thì càng chết?...” - Dương Huy Phong: duonghuyphong@gmail.com
“Cấm biển xanh họ đi biển trắng của doanh nghiệp. Mà họ mượn xe còn là… phúc cho doanh nghiệp, đố doanh nghiệp nào dám không cho mượn xe đấy? Thế thì tiết kiệm tý chỗ nọ, lại lãng phí hơn từ chỗ kia…Vài lời góp ý” – Tran Dan: trandan1963@yahoo.com.vn
Quyết và Tâm
Kế sách hay trong kho tàng dân gian không thiếu, nhưng vấn đề lại vẫn là ở chỗ nói quyết thì dễ mà cái tâm thực hiện vẫn khó thấy lắm thay!
“Chống lãng phí, thực hành tiết kiệm thực chất nhằm quản lý chặt chẽ những ông quan chức nhà nước thôi. Luật cần có quy định và chế tài đối với những người đứng đầu cơ quan nhà nước mà để lãng phí trong nội bộ cơ quan, đơn vị mình trong thời gian làm việc. Nếu bị phát hiện sai phạm thì phải xử lý thật nặng, kể cả sau khi đã nghỉ hưu mà bị phát hiện có dấu hiệu lãng phí trong thời gian đương chức thì vẫn phải điều tra để xử lý. Mức xử lý của những người này là phải hạ múc hưởng chế độ bảo hiểm hoặc khởi tố trước pháp luật…. Lãng phí là xuất phát từ những người có chức có quyền trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước. Chứ của tư nhân có ai nói phải chống lãng phí đâu?” - Trương Đình Phương: phuong468@gmail.com
“Chúng ta cứ sửa đổi rồi lại bổ sung, rồi lại thay đổi vì lạc hậu. Cứ cái vòng luẩn quẩn thế này thì hiệu quả cũng chẳng khác được đâu. Vì nếu như cán bộ của chúng ta không có cái tâm, cái đức thì họ cũng tìm được cách lách luật thôi” - Trịnh Ngọc Nam: namhoai_2210@yahoo.com
Khánh Tùng