Chọn nghề, chọn ngành học

(Dân trí) - Các trường Đại học và Cao đẳng bắt đầu vào mùa tuyển sinh. Năm nay cũng như những năm gần đây, các ngành ngân hàng, kinh tế và quản trị xí nghiệp, truyền thông vẫn "nóng" và được nhiều ứng viên lựa chọn.

CareerCast lại vừa cập nhật bảng xếp hạng 200 nghề theo thứ tự cao thấp cho 2012. Trong khung cảnh đó, xin đưa ra dưới đây một vài kiến thức về việc chọn ngành, chọn nghề, mong phần nào giúp ích cho các em học sinh bên nhà khi lựa chọn ngành nghề.
 

Bảng xếp hạng của CareerCast

 

Trên mạng, báo Saigon tiếp thị và Vietnamnet có đưa bảng xếp hạng này lên trang dưới những góc nhìn khác nhau

http://sgtt.vn/Quoc-te/162929/Phong-vien-la-nghe-hang-chot.html
http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/68371/nhung-cong-viec-tuyet-nhat-the-gioi-nam-2012.html

Một cách khái quát, từ hơn 20 năm nay, CareerCast  tổng hợp những dữ kiện từ những cơ quan công quyền, bộ Lao động Mỹ chẳng hạn,  hay những tổ chức kinh tế và thương mại được thừa nhận. Sau đó dùng phương pháp thống kê để xử lý, đánh giá và xếp hạng  200 nghề theo thứ tự cao thấp dựa trên 6 tiêu chí :

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí  qua địa chỉ email: thaolam@dantri.com.vn

 

            . môi trường làm việc

            . lương hay lợi tức

            . khả năng có việc làm và triển vọng nghề nghiệp

            . đòi hỏi về sức lực, độ nặng nhọc thể xác của nghề

            . stress, độ căng thẳng mệt nhọc về tâm lý

            . đánh giá tổng thể chung trong đó có cả phần chủ quan của người hành nghề.

 

Tất cả bảng xếp hạng này có tính khách quan, có giá trị tổng thể vì là đánh giá trên 6 tiêu chí rõ ràng, theo các phép tính thống kê nghiêm ngặt. Nhưng bảng xếp hạng này phản ánh hoàn cảnh đặc thù về kinh tế chính trị xã hội của Mỹ. Ta có thể đọc để biết nhưng phải dè dặt trước khi rút ra kết luận cho cá nhân hay áp dụng vào cho Việt Nam.
 
10 nghề đầu bảng xếp hạng CareerCast là :
 

            Kỹ sư phần mềm

            Chuyên viên thống kê

            Quản lý nhân viên trong các xí nghiệp

            Chuyên viên vệ sinh răng miệng

            Kế hoạch viên tài chính

            Kỹ thuật viên về thính học

            Chuyên viên lao động trị liệu

            Chuyên viên quản lý quảng cáo trên mạng

            Chuyên viên phân tích hệ thống máy tính

            Nhà toán học

 

Bảng xếp hạng này cho ta vài "ngạc nhiên" nếu ta so sánh với tình thế xã hội ở Việt Nam qua cảm nhận của số đông :

 

-        xã hội học gia đứng thứ 20 và nhà sử học thứ  30 (công việc nhàn hạ, ít stress lại có nhiều cơ hội việc làm và thăng tiến)

-         bác sĩ đa khoa thứ  40,  đứng sau y tá ở bệnh viện (thứ 38)

-        bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật lương cao ngất ngưởng 305.000 US dollars/năm, nhưng đứng thứ 45 (vì nghề nặng nhọc, nhiều stress)

-        giáo viên tiểu học hạng 92, nhưng giáo viên trung học hạng 137 (vì môi trường của thầy giáo bậc khai tâm dễ chịu và tốt hơn)

-        cuối cùng,  sĩ quan cảnh sát hạng 163,  tiếp viên hàng không  hạng 175  và phóng viên báo chí hạng196.  

 

Ích lợi của xếp hạng CareerCast

 

CareerCast là một trong hàng nghìn nguồn thông tin mà giới trẻ có thề tra cứu khi tìm những ý tưởng đầu tiên về nghề nghiệp. Chỉ cần gõ: "xếp hạng nghề nghiệp" bằng tiếng Pháp hay tiếng Anh trên mạng, thì hàng dãy địa chỉ sẽ hiện ra. Từ các viện thống kê, các viện nghiên cứu, các trường dạy nghề, các tổ chức cựu sinh viên các ngành, các quảng cáo tiếp thị ... Chỉ cần chọn những nguồn thông tin có tín nhiệm và ... biết cách đọc các thông tin ấy, để có được ít nhất là những ý tưởng đầu tiên về ngành nghề muốn tìm.

 

6 tiêu chí dựa trên đó CareerCast xếp hạng các nghề có ích cho ta. Tùy theo mục đích quan trọng nhất mà ta cho là ưu tiên, mỗi người có thể tìm nghề thích hợp nhất. Thí dụ cần yên tĩnh nhàn nhã (ít stress)  thì đừng chọn nghề phi công hay nghề bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật. Trái lại đó là hai nghề cho lợi tức cao, sẽ thích hợp cho người đặt trọng tâm trên tiêu chí tiền bạc.

 

Xin nhắc lại, bảng xếp hạng này phản ánh hoàn cảnh đặc thù về kinh tế chính trị xã hội của Mỹ. Ở Bỉ, ở Pháp có những bảng xếp hạng khác tương đương.

 

CareerCast thiên về số lượng, lấy những "điểm" trung bình tổng hợp của các nghề. Bên cạnh đó, những nghiên cứu xã hội và tâm lý có thể ít định lượng hơn nhưng phản ảnh sâu hơn những khía cạnh khác của các nghề nghiệp như: về khó khăn và giá trị sống, về thời dụng biểu làm việc, về giá trị xã hội hay sự "vinh quang" mà xã hội dành cho từng nghề riêng biệt. Đó là những thông tin mà một người trẻ, trước khi chọn lựa cho mình một con đường đi, cần nắm vững để có quyết định tốt.

 

Nhưng những bảng xếp hạng như thế chỉ là những nguồn thông tin. Ta cần nhưng còn cần nhiều nguồn thông tin khác nhạy bén hơn, thiết thực hơn như kinh nghiệm sống của những người trong nghề chẳng hạng. 

 

Thông tin về nghề nghiệp và thông tin về ngành học

 

Biết rõ nghề và những đặc thù của nghề quan trọng, nhưng trước khi ra nghề còn phải được đào tạo.

 

Cần biết những yêu cầu, những khó khăn và thuận lợi của ngành học, áp dụng vào trường hợp riêng của cá nhân. Cũng là ngành y nhưng bác sĩ cần 6 năm học, y tá điều dưỡng cần 3 năm, với những chương trình hoàn toàn khác nhau, những chương trình thực tập nặng nhẹ khác nhau.

 

Nhiều sinh viên tưởng rằng chọn đại học thì nhắm xa hơn và ra trường sẽ dễ thành công, dễ tìm được việc làm hơn. Không, có những em cần cách dạy gần với sinh viên, có kiểm soát, cần một chương trình cụ thể...thì học Cao đẳng thích hợp hơn cho các em này. Có những em khác giàu khả năng tự học, giỏi trừu tượng và  lý thuyết, học để thành bác học, nhà nghiên cứu, các em có thể chọn đại học, sau đó ra nghề sẽ thích ứng vào đòi hỏi cụ thể của môi trường sau.

 

Chương trình học, phương pháp sư phạm, có quyền chuyển hướng trong học trình hay không và có thể chuyển hướng về đâu. Xa hơn, văn hóa của trường, cách làm việc, cư xử với ban giám hiệu, giáo sư và với  bạn đồng học... là những thông tin tối cần.

 

Ngoài ra, thông tin đặc thù về mỗi trường cũng rất cần thiết. Vì dù là cùng nhắm đến đào tạo một bằng cấp giống nhau, mỗi trường có những đặc thù riêng. Đôi khi chỉ vì có một giáo sư đặc biệt mà trường có thể "thu hút" sinh viên, vì giáo sư đó mang dấu ấn cho đào tạo của trường...

 

Ở Bỉ, học phí không là một vấn đề vì giáo dục do chính phủ tài trợ, sinh viên chỉ đóng niên liễm rất ít (từ 500 đến 900 euros mỗi năm). Nhưng ở những nơi khác, chi phí là một trong những điểm mà sinh viên tương lai phải suy nghĩ.   
 
Chọn nghề, chọn ngành học
                       Đại học Quốc gia Hà Nội (nguồn ảnh Internet)

 

Giấc mơ lúc nhỏ
 

Vài thí dụ bên này ...

 

Em A, suốt đời chỉ mê làm chưởng khế (bên ta gọi là công tố viên), một nghề rất danh giá bên này và sau khi rời trung học em ghi danh vào trường Luật. Nhưng chỉ những ngày đầu em đã lạc lõng trong một môi trường lạ, ngữ vựng lạ (cha em bán thịt còn mẹ em làm phụ tá điều dưỡng ở bệnh viện, nhưng là con một nên cha mẹ nhất quyết cố gắng "đầu tư" cho em). Sau ba tháng, em rời đại học với những thất vọng to lớn, tâm trí khủng hoảng và tự đặt câu hỏi về giá trị của mình. Phải nói thêm là để hành nghề công tố viên phải học 5 năm, sau đó còn phải thực tập  3 năm nữa và các kỳ thi tuyển sau thực tập rất khó.

 

Em B, cha mẹ đều là bác sĩ, con nhà giàu, du lịch nhiều. Từ lần đầu tiên lúc lên 5 tuổi được vào phòng lái của máy bay, em mơ làm phi công. Sau này em giỏi toán, thi đỗ vào trường chuyên đào tạo phi công, gia đình có phương tiện để trả phí  giờ bay thực hành. Cứ tưởng như mọi việc thuận buồm xuôi gió. Nhưng B vốn được mẹ lo lắng từ bé, chưa phải bươn trải bao giờ, nên mỗi lần thực tập bay em vã mồ hôi, chóng mặt, tay run, đau bụng vì stress... Em B cũng học xong hai năm chuyên cơ, nhưng sau đó em vội vàng chuyển ngành và giờ đây hạnh phúc với trách nhiệm giám đốc của một tổ chức du lịch. Không cần chuyên khoa, một nghề không "danh giá" bằng nghề phi công, nhưng em không phải bay trên mây và nắm trong tay vận mệnh của tất cả mấy trăm khách trong máy bay ...

 

Em C là chị cả trong một gia đình có bốn con và mẹ làm nữ hộ sinh. Giỏi phụ mẹ lo cho các em từ nhỏ, giỏi sinh học ... em đi đến nghề cô đỡ như một sự hiển nhiên không phải suy nghĩ.

 

Đó là những giấc mơ, có khi thực hiện được, có khi vỡ mộng hoàn toàn. Phải nói là trong quá trình cấu thành nhân tính, từ lúc lên 3, lên 5, cộng thêm lúc dậy thì, mỗi một người trong chúng ta đều có những khuôn mẫu (lớn lên con sẽ như cha hay như mẹ ; lớn lên tôi sẽ như thần tượng X, Y). Lại thêm xã hội (báo chí, phim ảnh ...) lúc nào cũng tạo ấn tượng với những người nổi tiếng, lâu dài làm cho giới trẻ bị ảnh hưởng sâu đậm có khi đến nỗi lấn át nhân cách riêng của người trẻ. 

 

Tự vấn mình, điểm mạnh, điểm yếu khả năng, tính tình, sở thích, cái gì làm ta hạnh phúc, điều gì làm ta khổ sở, dự tính tương lai, lý tưởng riêng mà ta nuôi dưỡng trong đời ... Thêm vào đó, phải sáng suốt nhận định về hoàn cảnh thực tế mình như thế nào.

 

Muốn thành phi công chẳng hạn thì phải có sức khoẻ tốt, tâm lý vững, cái đầu lạnh và giỏi tổ chức, biết lấy quyết định và biết làm cho người khác tuân lệnh. Khả năng nghề nghiệp có thể nắm được sau đào tạo, nhưng mẫu người vốn sẳn là một điều cần thiết.

 

Muốn làm cán sự xã hội thì ít nhất phải giàu cảm xúc trước những khó khăn, khổ sở của người đối diện...

 

Thế nhưng, trong nhiều trường hợp, ngay đến cá nhân một sinh viên tương lai cũng ngần ngại không biết rõ chính mình. Trong trường hợp đó, các trắc nghiệm về nhân cách, về khả năng ... có thể là cần thiết  để chọn phương hướng, ngành nghề cho chính bản thân. Hay là nên đi gặp một chuyên viên hướng nghiệp.

 

Một lần nữa, các trắc nghiệm này cũng chỉ có giá trị tương đối. Đó là một thông tin thêm vào để có thể quyết định tốt hơn.

 

Tự vấn mình cũng là tự vấn về hành trang mà bản thân đã có với vốn liếng tiểu học và trung học, của sự chọn bạn trong quá khứ. 

 

Chọn lựa cho chính bản thân chứ không phải chọn lựa cho cha mẹ hay để làm vừa lòng cha mẹ –  Ý cha mẹ, mơ ước của cha mẹ nhưng là đời của con. Chọn nghề là chọn cho bản thân và ta sẽ hành nghề trong 30 hay 40 năm, nhiều khi cha mẹ đã qua đời từ lâu rồi mà ta vẫn phải còn sống với nghề ấy!
 

Coi chừng bị ảnh hưởng của cha mẹ mà không hay đó, vì trong nhiều trường hợp các giá trị của cha mẹ được con cái thấm nhuần đến nỗi chúng đã biến thành giá trị của con. Có khi cha mẹ không cố tình, nhưng đặt trọng trách trên vai con, chờ đợi con phải thực hiện những gì bản thân họ mơ ước nhưng đã không thực hiện được vì hoàn cảnh khó khăn, vì thiếu khả năng ... 

 

Liên hệ giữa sự lựa chọn đúng và thành công trong sự học không cần phải minh chứng nữa, nhiều nghiên cứu đã nêu lên liên hệ nguyên nhân- hậu quả giữa hai "vế" này. Cũng như liên hệ giữa lựa chọn đúng và sự hài lòng, hạnh phúc trong công việc làm. 

 

Tạm kết luận

 

Đam mê là sức lực. Dù chọn ngành nghề nào, chọn lựa đúng, chọn lựa chín chắn giúp ta có trách nhiệm và thêm nghị lực để vượt khó khăn khi gặp khó khăn.

 

Xin đừng chọn nghề theo trào lưu mà cần theo sở trường, sở đoản của cá nhân.

 

Sau khi đã chọn xong, cũng xin nói là sự chọn lựa không là con đường duy nhất hay là con đường bất di bất dịch: mỗi một người trong chúng ta có thể làm nhiều nghề và có thể hạnh phúc với các nghề ấy. Nghề mà ta chọn hôm nay còn có thể thay đổi nữa trong tương lai. Nghề ta yêu lúc hai mươi tuổi có thể làm ta chán khi ta chạm ngưỡng 30, 40.

 

Chọn ngành chọn nghề cần một quá trình, cần cân nhắc, suy nghĩ cũng như một cây nở hoa, đơm quả rồi trái chín ... tức là cần thời gian. 

 

Ta có thể tìm được nhiều chi tiết cụ thể về nghề nghiệp, về lương bổng về ngành học ... nhưng cần sàng lọc giữa rừng dữ kiện thông tin để có quyết định sáng suốt cho riêng trường hợp mình.                                                                
 
Nguyễn Huỳnh Mai
Liège, Bỉ

 

LTS Dân trí-Chọn ngành nghề để học là chọn hướng đi lúc vào đời. Nếu chọn ngành nghề đúng, phù hợp với năng khiếu, sở trường và nguyện vọng bản thân thì sẽ có điều kiện thuận lợi để phát huy tiềm năng về trí tuệ cũng như những thế mạnh riêng của mỗi cá nhân.
 
Bài viết trên đây của một nhà sư phạm và nhà nghiên cứu về xã hội học trong giáo dục, hy vọng sẽ giúp ích cho các em học sinh cũng như các bậc phụ huynh muốn tư vấn cho con về việc chọn ngành nghề thích hợp để dự tuyển vào các trường Đại học và Cao đẳng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm