Chiêu bài “hiến thận nhân đạo”!
Nhờ tiến bộ của y học hiện đại, nhiều bệnh nhân đã được cứu sống do ghép tim, gan hay thay thận…Bên cạnh niềm vui lớn lao của người bệnh, nghĩa cử cao đẹp của người hiến tạng, thì hiện tượng nhẫn tâm đang làm nhói đau dư luận, đó là việc mua bán thận đang âm thầm diễn ra!
Hiện nước ta có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn tính, hơn 1.500 người cần ghép gan và khoảng hơn 300.000 người mù do các bệnh lý về giác mạc. Nhiều bệnh nhân đã không thể sống sót được trong thời gian chờ cấy ghép. Phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả nhất cho người bệnh suy tạng giai đoạn cuối là ghép tạng.
Tuy nhiên, ngành ghép tạng nước ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là thực trạng thiếu trầm trọng nguồn mô, tạng để cấy ghép. Do vậy, nhiều bệnh nhân đã không thể sống sót được trong thời gian chờ cấy ghép. Từ nhu cầu cần có tạng để ghép rất lớn đã tạo ra cơ hội cho thị trường mua bán tạng bất hợp pháp.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm có tới 7.000 quả thận được thu mua bất hợp pháp trên toàn thế giới. Trong những năm gần đây, tại nhiều khu vực còn xảy ra hiện tượng bắt cóc trẻ em đem bán để lấy nội tạng. Bên cạnh đó, việc buôn bán nội tạng đặc biệt là thận ngày càng trở nên công khai hơn trước, không khó để tìm thấy những lời rao bán hay thông tin liên hệ mua bán thận ở trên mạng.
Ở nước ta những năm qua cũng đã xuất hiện không ít đường dây mua bán tạng trái phép, đặc biệt là đường dây mua bán thận vừa được báo chí phanh phui, cho thấy mức độ phức tạp của loại tội phạm này. Những đối tượng buôn bán thận săn lùng những người có hoàn cảnh khó khăn, nợ nần để dụ dỗ họ bán thận, dưới chiêu bài “hiến thận nhân đạo”.
Người bán thận đến từ nhiều địa phương về Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh, Huế... Họ được các đối tượng buôn bán đưa về sinh sống tại một địa điểm, nuôi dưỡng chờ ngày bán thận. Những người buôn thận còn trực tiếp dẫn người bán thận đi thực hiện các quy trình xét nghiệm trong bệnh viện và hứa hẹn sẽ trả khoảng 200 triệu đồng sau khi giao dịch hoàn thành. Như vậy, hành động hiến tạng cứu người mang tính thiêng liêng, cao cả bị thương mại hóa, biến bộ phận cơ thể người thành món hàng để mua bán, trao đổi. Những hành vi này là vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội, bị pháp luật nghiêm cấm.
Những đối tượng mua bán tạng, ngoài việc sẽ bị xử lý theo pháp luật, thì rất cần các cơ quan chức năng phải có nhiều biện pháp để ngăn chặn loại tội phạm nguy hiểm này. Tuy nhiên, những vụ án gần đây cũng phản ánh thực trạng rất thiếu tạng để ghép cho người bệnh ở Việt Nam hiện nay.
Hiện nước ta đã làm chủ được kỹ thuật ghép tạng, giải quyết được những vấn đề về chết não để lấy tạng, chỉ định lấy các tạng ghép của bệnh nhân chết não, các kỹ thuật lấy và bảo quản tạng ghép ở người chết não. Điều này đã giúp thực hiện được việc ghép các tạng mà không thể lấy từ người sống như tim, tụy, phổi, đa tạng… góp phần giải quyết vấn đề khó khăn nhất là thiếu nguồn hiến tạng. Nhưng, do tập quán, quan niệm cũ, nên người chủ động đăng ký hiến tạng còn ít, nhiều thân nhân người chết não không muốn hiến tạng.
Do đó, việc tuyên truyền, cổ vũ người dân thay đổi nhận thức để thay đổi hành vi trong việc hiến tặng, vì tính nhân đạo cao cả, vì sức khỏe của cộng đồng là giải pháp lâu dài và căn cơ nhất hiện nay./.
Theo Thái Vũ
Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam