Chiếc cầu của lương tri và tình người

“Hôm nay, em đến trường sớm, đi qua con suối, dòng nước dữ đã cuốn em đi. Dòng nước xiết, địa hình hiểm trở nên mọi biện pháp cứu giúp đều gặp khó khăn. Chỉ sau nửa tiếng đồng hồ khi tìm được em thì khuôn mặt đã biến dạng vì va đập vào đá. Ngôi trường của em vừa nhận là ngôi trường bán trú. Ngôi trường mới em chưa được ở, chiếc giường mới em chưa kịp nằm. Anh đã chạy dọc con suối để tìm cứu em, nhưng không kịp. Bế xác em trên tay mà thấy nghẹn lòng, chỉ nói được mỗi câu “Nó chết rồi”- em là Thò Pá Pó.

 

Giáo viên, học sinh Trường THCS Nậm Càn quyên góp ủng hộ gia đình em Thò Pá Pó.
Giáo viên, học sinh Trường THCS Nậm Càn quyên góp ủng hộ gia đình em Thò Pá Pó.

Đó là những dòng chia xẻ trên trang cá nhân của bạn Phạm Đình Quý, khiến những ai đọc được dòng chia sẻ này cũng rơi nước mắt, thương cảm cho cậu học trò nghèo ở một xã nghèo của một huyện nghèo nhất tỉnh Nghệ An.

Thầy Lô Khăm Phu - Hiệu trưởng nhà trường cho tôi hay,Thò Pá Pó là học sinh ngoan của lớp 7A, trường phổ thông dân tộc bán trú -THCS Nậm Càn (Kỳ Sơn). Sáng chủ nhật, Pó từ nhà đến trường, khi lội qua suối Nậm Càn, em bị rơi chiếc dép. Tiếc chiếc dép, em cố…và đã bị dòng nước lũ cuốn đi. Sáng hôm nay, tại buổi lễ chào cờ đầu tuần, các thầy, cô, bạn bè đã quyên góp ủng hộ gia đình bạn Pó.

“Cần lắm một cây cầu cho các em đến trường”- Lời thầy Phu- đó cũng là lời kêu gọi cộng đồng, hãy chung tay để không còn một học sinh nào đến trường phải bỏ mạng vì nước lũ.

Pó ơi, vĩnh biệt em. Phải chăng em ra đi là để trong một ngày không xa, các bạn của em sẽ có chiếc cầu đi qua con suối Nậm Càn. Chiếc cầu tạm hôm nay bắc qua dòng suối còn chênh vênh lắm phải không Pó?

Xã hội cũng đã từng thót tim, xót xa khi thấy học trò nghèo ở miền núi, vùng sâu, vùng xa gieo neo trên đường đi tìm con chữ. Các em đã phải đổi cả mạng sống của mình cho con chữ.

Hình ảnh thầy trò ở bản Sam Lang (Nậm Pồ, Điện Biện) chui túi nilon qua suối đến trường lạ lẫm với người miền xuôi, chứ với người miền núi thì đủ cách để thầy trò vượt qua suối đến trường. Ngay lập tức, Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo phải có ngay một cây cầu qua suối Nậm Pồ, để thầy, trò không còn phải chui túi để qua suối đến trường.

Học sinh ở miền núi thiếu đủ thứ, từ sách, vở đến cơm ăn, áo mặc, nhưng thầy Phu nói với tôi rằng, những cái thiếu về vật chất thiết yếu, thầy trò còn khắc phục được, nhưng còn thiếu một cây cầu thì đường đến trường của các em sẽ còn… dang dở.

Và không ai có thể nói trước được điều gì của ngày mai. Tiếc một chiếc dép mà Pó đã vĩnh viễn về với thế giới bên kia khi em mới tròn 12 tuổi.

Thanh thản ra đi Pó nhé.

Thế mà đâu đó, có người còn đặt lên bàn cân để đong đếm, so kè việc cộng điểm ưu tiên cho học sinh miền núi tại kỳ tuyển sinh vào đại học. Và đã có dòng chia xẻ trên trang cá nhân rằng: “ Nếu chuyển hộ khẩu lên miền núi thì con đứng nhất bảng luôn, vì cả ba đứng trên con đều được công điểm ưu tiên. Con đứng thứ tư chỉ vì con ở Hà Nội”.

Ôi chao, một so sánh có lệch chuẩn về sự đánh giá không nhỉ? Bạn ở Hà Nội, đường đến trường không phải qua sông, qua suối, không phải băng rừng, không phải bỏ mạng vì tiếc một chiếc dép đến đứt ruột, cơm ăn, áo mặc không thiếu.

Đừng trách họ Pó nhé. Thầy cô, bạn bè của Pó ở trường Nậm Càn vẫn đang từng ngày vượt khó để tìm con chữ cho tương lai.

Một cây cầu bắc qua suối Nậm Càn mang tên Thò Pá Pó là ước mong không chỉ của cộng đồng và cả thầy trò trường Nậm Càn.

Nhà văn Hoài Tố Hạnh đã viết: Mỗi người bớt một lon bia, một chai rượu, bao thuốc lá, tô phở…là có ngay cây cầu trong vài tháng tới. Cây cầu đó được mang tên Thò Pá Pó, để sự ra đi của em trở nên ý nghĩa, như một hồi chuông để cảnh tỉnh, để chấm hết nỗi đau bên dòng suối oan nghiệt này.

Và đâu chỉ có Pó phải bỏ mạng khi qua suối Nậm Càn.

Sự chung tay của cộng đồng để có một chiếc cầu tử tế của lương tri, của tình người dành cho trẻ nhỏ và người dân nơi đây.

Linh Trần

(Theo báo Lao động)