Chị đã vẽ đường cho hươu chạy đúng

(Dân trí) - ngoài gia đình, nhà trường vẫn rất cần có sự chung tay góp sức cuả toàn xã hội. Nếu mỗi người cùng thầy cô giáo luôn là người bạn gần gũi con trẻ, để chúng tin tưởng mà dốc bầu tâm sự một cách thoải mái, không dấu diếm, chắc chắn sẽ giúp các con tháo gỡ những thắc mắc băn khoăn cũng như xử lý những tình huống khi có nguy cơ bị xâm hại.


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Lâu lắm rồi, chi mới có tâm trạng vui như hôm nay. Bé Mai (con gái chị) đi học về hớn hở khoe: “Chiều nay học kỹ năng sống, con được cô khen vì thực hiện tốt các động tác phòng vệ xâm hại”.

Vậy là con đã nắm được những điều chị truyền đạt. Chị thở phào nhẹ nhõm.

… Chị nhớ lại khi sinh đứa thứ hai là con gái, chị và gia đình đều vui mừng, vì bé Mai là đứa cháu gái duy nhất của ông bà bởi gia đình có đến 11 cháu trai.

Con bé càng lớn, càng xinh, bụ bẫm đáng yêu. Khách đến chơi nhà đều không tiếc lời khen, người thì véo má, người nắm tay khen bé xinh, ôm bé vào lòng, cho ngồi lên đùi âu yếm. Mọi người cho chuyện đó là bình thường; riêng chị cảm thấy có điều bất an vì gần đây báo chí hay nói đến việc nguy cơ trẻ em bị xâm hại đa phần là người quen biết. Chị lo lắng nhưng cũng chẳng biết làm sao, vì mọi người có quý mến con bé thì mới thân mật thế. Nhưng mẹ chị bảo: mày chỉ vẽ chuyện, trẻ con biết gì, không nên vẽ đường cho hươu chạy sớm thế.

Từ khi đi họp lớp, gặp một người bạn cũ làm trong ngành giáo dục, chị chia sẻ suy nghĩ của mình, và người bạn đã tư vấn cho chị nhiều điều bổ ích. Bạn chị bảo: nên tập cho con thói quen tỏ thái độ phản ứng khi người khác giới chạm tay vào vùng kín. Có thể hất tay ra, hoặc tỏ thái độ khó chịu, nếu tiếp tục bị quấy rối có thể kêu cứu, la hét hoặc chống trả. Dặn con không nên đi cùng người khác giới đến những chỗ khuất, vắng người, tối tăm (trừ khi có sự cho phép của bố mẹ). Đặc biệt không được giấu bố mẹ khi có dấu hiệu bị người khác “bắt nạt”, dọa dẫm hay cho quà để dụ dỗ… Bạn chị cũng khuyên: mỗi khi con tan học hoặc đi chơi về, cần hỏi han để biết được hôm nay con đi chơi những đâu, làm gì, để ý xem con có dấu hiệu gì về tâm lý không (sợ hãi, hoảng loạn chẳng hạn)

Từ lời khuyên của bạn, chị bắt đầu lên kế hoạch thực hiện. Nhưng chưa kịp thực hiện thì chị càng lo lắng bởi gần đây liên tiếp xuất hiện thông tin về các vụ việc trẻ em bị xâm hại tình dục. Có những em tuổi còn rất nhỏ; có những em bị xâm hại không chỉ 1 lần; lại có những vụ nhiều trẻ em cùng bị một đối tượng xâm hại… Điều đó khiến chị trăn trở: Phải chăng do người lớn không trang bị đầy đủ kiến thức cho con nên các em không biết cách phòng vệ… Phải chăng việc giáo dục giới tính cho trẻ em còn bị xem nhẹ.

Rồi chị và mấy người bạn cùng đăng ký theo học lớp buổi tối với nội dung: “Hướng dẫn cha mẹ dạy con kỹ năng sống” dành cho phụ huynh của Trung tâm Giáo dục Kỹ năng sống VSETD tổ chức. Đến đây mới thấy những lo lắng của chị cũng là nỗi niềm của rất nhiều bà mẹ khác.

Các chị đều chia sẻ: việc giáo dục giới tính đối với trẻ em là điều cần thiết, thế nhưng tất cả người lớn chúng ta gần như né tránh. Có nhiều bậc cha mẹ khi con nêu thắc mắc, muốn biết về những thay đổi cuả bản thân thường gạt đi, cho là “chuyện trẻ con chưa nên biết”. Nhiều người quan niệm không nên cho trẻ biết về giới tính quá sớm, sợ “vẽ đường cho hươu chạy”. Điều này càng kích thích thêm sự tò mò cuả con.

Cũng may, Trung tâm đã trang bị cho các chị những kỹ năng cần thiết để hướng dẫn con. Họ khuyên các chị không nên chỉ coi đó là “chuyện của người lớn”, mà giáo dục giới tính cho các em ngay từ khi còn nhỏ. Họ bảo: cha mẹ phải là người tư vấn cụ thể cho con cái những kiến thức về sức khoẻ sinh sản vị thành niên. Những thay đổi về cơ thể là do sự phát triển của tuyến nội tiết, chẳng hạn như các bạn nam xuất hiện râu ria, giọng nói ồm ồm, trứng cá nhiều… chỉ là chuyện sinh lý bình thường, ai cũng đã từng trải qua để các con không phải lo lắng gì. Cần cảm thông và là người bạn thân thiết để con tin cậy trò chuyện.

Từ những kiến thức đã được học, chị bắt đầu thủ thỉ với bé Mai và chỉ bảo cho con những điều cần thiết. Việc đầu tiên là cần phải cho con hiểu biết về giới tính, về cơ thể để có cách phòng vệ chính đáng khi cần thiết. Những lúc tắm cho con, chị bảo con tự cởi quần áo và dặn: Trang phục cá nhân phải tự mình cởi và mặc, không cho ai đụng chạm vào nếu không được con cho phép. Chị cũng cho cháu biết chỉ có mẹ, bà, bác sĩ và cô giáo (không phải thầy giáo) mới được chạm vào cơ thể con, nhưng cũng phải được con đồng ý. Chị cho con biết, kẻ xấu thường dụ dỗ cho một chút vật chất hoặc đáp ứng nhu cầu về đồ chơi (như điện thoại, trò chơi điện tử, cho kẹo…), nếu con nghe theo là sẽ bị khống chế. Chúng cũng thường dọa dẫm các con phải giữ bí mật, vì thế các con càng dễ bị xâm hại.. Khi đi ngủ, hai mẹ con thường “ôn bài” rất kỹ.

Rồi cũng qua câu chuyện thủ thỉ, chị đã cho con biết về cơ thể mình. Chị cho bé gọi tên từng bộ phận trên cơ thể, và giải thích vai trò của nó. Hôm nào cháu đi học về, chị cũng hỏi bé Mai chuyện ở trường, chuyện các bạn, chuyện thầy cô giáo...

Hôm nay, nhìn con bé hớn hở khoe chuyện ở lớp kỹ năng sống, chị càng khẳng định suy nghĩ của mình là đúng. Điều chị mong muốn nhất là để làm được điều này, ngoài gia đình, nhà trường vẫn rất cần có sự chung tay góp sức cuả toàn xã hội. Nếu mỗi người cùng thầy cô giáo luôn là người bạn gần gũi con trẻ, để chúng tin tưởng mà dốc bầu tâm sự một cách thoải mái, không dấu diếm, chắc chắn sẽ giúp các con tháo gỡ những thắc mắc băn khoăn cũng như xử lý những tình huống khi có nguy cơ bị xâm hại.

Và chị rất vui khi mình đã “vẽ đường cho hươu chạy đúng”.

Nguyễn Thị Diệp

(Hiệu trưởng THCS Đức Thượng – Hoài Đức - Hà Nội)