Bạn đọc viết

Chạy thành tích, chạy “tội”, chạy chức lộ rõ qua vụ ông Trịnh Xuân Thanh

Phải chịu trách nhiệm chính về những sai phạm ở Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC), nhưng ông Thanh không những không bị kỷ luật mà còn được thăng chức liên tục. Qua kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ) đã thấy rõ những dấu hiệu của chạy chức, chạy “tội”, chạy chức của ông Thanh.

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Truy tận gốc những sai phạm

UBKTTƯ vừa đưa ra một số kết luận kiểm tra một số vị thuộc diện trung ương quản lý với những nội dung rất rõ, cụ thể. Đặc biệt, đã sớm có kết luận với trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh (tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016) đang nóng dư luận thời gian qua.

Điều dễ nhận thấy là, kết luận của UBKTTƯ lần này cho thấy, không chỉ ra những sai phạm của các cá nhân, tổ chức mà còn tìm tận gốc những nguyên nhân của các sai phạm. Đó không chỉ là trách nhiệm của ông Thanh mà còn đề cập rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan làm sai về nguyên tắc, quy trình, thủ tục và tiêu chuẩn cán bộ.

Mặt khác, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư: Chỉ đạo Ban Tổ chức Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang, Ban Thường vụ Đảng ủy và lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý các tập thể, cá nhân có liên quan về các khuyết điểm, vi phạm. Đồng thời, UBKTTƯ kiến nghị: Chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành tổng kết, rà soát, đánh giá để sửa đổi, bổ sung các quy định, quy trình về công tác cán bộ.

Như vậy có thể thấy, không chỉ làm rõ những sai phạm của một số cá nhân, tập thể mà kết luận của UBKTTƯ còn đưa ra những giải pháp để ngăn ngừa các sai phạm tương tự.

Dấu hiệu các dạng “chạy”

Trong vụ việc của ông Thanh có những dấu hiệu của một số dạng “chạy”. Đó là chạy thành tích, chạy “tội” và chạy chức . Và từng ngày, từng ngày qua thông tin báo chí đề cập và đặc biệt khi có kết luận của UBKTTƯ, những dấu hiệu của các dạng “chạy” ngày càng lộ rõ.

Thứ nhất, nếu những gì ông Thanh giãi bày với báo Tiền phong thì việc lỗ ở Tổng công ty PVC là hoàn toàn do khách quan. Theo ông Thanh: “Tập thể đã biểu quyết mức kiểm điểm như thế nào và nguyên nhân tại sao thua lỗ. Tôi nói sơ bộ với anh, không phải thua lỗ theo kiểu mất tiền mà khi tái cơ cấu tập đoàn, tất cả dự án bất động sản chuyển về Tổng công ty PVC .” Chính vì vậy, cũng theo ông Thanh, năm nào ở đây ông cũng là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở… Nhưng kết luận của UBKTTU chỉ rõ: “Đồng chí Trịnh Xuân Thanh là người chịu trách nhiệm chính về các khuyết điểm, vi phạm ở Tổng công ty PVC.”

Vậy tại sao ông vẫn là chiến sĩ thi đua? Phải chăng đó là dấu hiệu của chạy thành tích? Phải chăng đó là lý do mà UBKTTU đã “Yêu cầu Ban cán sự Đảng Bộ Nội vụ và Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm nghiêm khắc đối với các tập thể, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm.”?

Hai là, theo kết luận của UBKTTƯ, Tổng công ty PVC “đã để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ 3.298,27 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2013), nhiều tổ chức, cá nhân trong Tổng công ty bị kỷ luật và xử lý hình sự. Những vi phạm, thua lỗ nêu trên là nghiêm trọng, tạo dư luận xấu, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Với cương vị là người đứng đầu, đồng chí Trịnh Xuân Thanh phải chịu trách nhiệm chính về những khuyết điểm, vi phạm nêu trên.”

Nhưng điều lạ là, cũng theo ông Thanh nói với báo Tiền phong: “Nếu mà do cá nhân tôi thì làm sao tôi chuyển được công tác. Nhận xét của tôi khi chuyển từ PVN về Bộ Công Thương rất tốt.”Mặt khác, ông cũng đọc nhận xét của Tổng công ty Dầu khí Việt Nam “PVN đã tổ chức rất nhiều đợt kiểm điểm, tự kiểm điểm.PVN cũng như lãnh đạo xây lắp dầu khí và các cá nhân liên quan. Qua đó đã xử lý kỷ luật các trường hợp vi phạm đến mức phải xử lý và nghiêm khắc phê bình và nhất là đã đưa ra các giải pháp khắc phục khó khăn, khắc phục hậu quả thua lỗ. Đối với cá nhân ông Trịnh Xuân Thanh qua kiểm điểm, tự kiểm điểm đã nêu rõ trách nhiệm quản lý với tư cách người đứng đầu.Đồng thời đã xác định không có dấu hiệu tiêu cực cá nhân. Do vậy các cơ quan có thẩm quyền nhất trí không xử lý hình thức kỷ luật gì với ông Thanh.”

Như vậy, dù phải “chịu trách nhiệm chính về những khuyết điểm, vi phạm nêu trên” (theo kết luận của UBKTTƯ) nhưng ông Thanh không phải chịu hình thức kỷ luật nào của PVN (theo ông Thanh trình bày).

Vậy những câu hỏi cần đặt ra: Ông Thanh có trung thực khi đưa ra những đánh giá này? Nếu mà đúng “không có hình thức kỷ luật gì với ông Thanh”, thì liệu có hay không việc chạy “tội” của ông Thanh?

Phải chăng mức độ trách nhiệm của ông Thanh chỉ dừng ở mức “lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đánh giá chưa hoàn thành nhiệm vụ và cho thôi các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty.” (theo kết luận của UBKTTƯ)?

Thứ ba, ông Thanh vì không hoàn thành nhiệm vụ, bị buộc thôi chức Bí thư, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty PVC nên ông Thanh “không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch các chức vụ cao hơn và không thuộc diện cán bộ luân chuyển.” (theo kết luận kiểm tra của UBKTTƯ). Nhưng, ông Thanh vẫn lần lượt nhận các chức vụ quan trọng ở Bộ Công thương, rồi Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang (nhiệm kỳ 2011- 2016).Vậy phải chăng đây chính là dấu hiệu của việc chạy chức, chạy quyền?

Về nội dung này, kết luận của UBKTTƯ nêu rõ: “Qua kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy, trong việc tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm, quy hoạch, giới thiệu bầu cử ở Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang đối với đồng chí Trịnh Xuân Thanh, các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan có khuyết điểm, đã vi phạm nguyên tắc, quy trình, thủ tục và tiêu chuẩn cán bộ.”Như vậy, dấu hiệu chạy chức, chạy quyền ở đây là khá rõ.

Dư luận hy vọng rằng, với cách UBKTTƯ truy tận gốc rễ những nhức nhối trong xã hội hiện nay, sẽ từng bước lấy lại lòng tin của người dân và những đường dây “chạy” các kiểu hiện nay, ít nhất, phải tạm co vòi bạch tuộc của mình lại.

Vương Hà