Cháy nổ và nghịch lý... tôn vinh
(Dân trí) - Thiệt hại không gì bù đắp nổi trong những vụ cháy nổ mà mới đây nhất là tại kho pháo hoa ở nhà máy Z121 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, trước đó là vụ cháy Trung tâm Thương mại Hải Dương... càng cho thấy rất cần thiết phải thay đổi cách nghĩ về PCCC.
Thời gian qua liên tiếp xảy ra các vụ cháy nổ trên cả nước. Cháy xe thì quá nhiều, 2 Bộ trưởng GTVT và Công thương đã nhận trách nhiệm, nhưng xe vẫn chưa ngừng cháy. Đặc biệt, các vụ cháy chợ diễn ra trên hầu khắp cả nước. Mới nhất là cháy chợ lớn ở Quy Nhơn (Bình Định), Quảng Ngãi, chợ Vinh (Nghệ An), cháy TTTM Hải Dương.
Mỗi một lần cháy chợ là kéo theo tài sản mồ hôi, nước mắt của hàng trăm gia đình và hàng ngàn con người thành tro bụi. Hàng trăm tỉ đồng theo bà hỏa về trời. Rồi lại những điệp khúc của lãnh đạo các địa phương: hỗ trợ, động viên an ủi, biểu dương những người quên mình chữa cháy. Cũng chắc chắn có một vài anh bảo vệ, ông bà quản lý chợ, TTTM bị đưa ra xét xử vì “thiếu tinh thần trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng”. Thế là xong!!! Những tiểu thương khốn khổ chẳng biết kêu xin bấu víu vào ai. Đành lần hồi vun vén lo làm ăn trang trải nợ nần, phục dựng lại cơ nghiệp từ tay trắng…
Do đâu mà các khu chợ, TTTM ngày một được xây dựng hiện đại, khang trang nhưng hầu như đều không thể có được tuổi thọ bền vững? Cứ vài tháng là báo chí lại tốn giấy mực để phân tích tìm ra nguyên nhân vụ cháy chợ lớn này, TTTM kia. Nguyên nhân gần như giống nhau: do chập điện, do bất cẩn khi xây dựng, thắp hương mồng một, ngày rằm… Thật không thể chấp nhận được!
Ngày nay trong xã hội có đầy đủ mọi phương tiện thông tin, mọi loại nguyên vật liệu, trang thiết bị PCCC. Nhưng việc xây dựng chợ, TTTM ở nước ta, dường như vẫn không hề được thiết kế cho phù hợp với đặc thù của từng địa phương, từng vùng khí hậu. Cũng hình như không có cơ quan chuyên môn nào từ trung ương tới địa phương chịu trách nhiệm về vấn đề này?
Thế là việc thiết kế xây chợ, TTTM từ lâu có vẻ như thả nổi cho địa phương muốn làm sao thì làm. Những công trình đồ sộ, cửa kính kín bưng, được xây dựng lên trên những khu đất vàng tại các TP, thị xã. Trong những công trình đồ sộ đó, người ta đặt một loạt lồng sắt 3m2 - 5-6m2 rồi cho các tiểu thương thuê lại. Các tiểu thương làm gì trong những chiếc lồng sắt thì ít ai quan tâm.
Hàng hóa được chất đầy trong những chiếc lồng sắt, những bất trắc, hiểm họa luôn rình rập vì chợ, TTTM được xây dựng nhưng những công trình PCCC vẫn hầu như không được quan tâm xây dựng đồng bộ và bảo trì thường xuyên. Hậu quả là bể nước dự phòng, họng nước cứu hỏa thường... khô cong. Khi xảy ra cháy, từ nhân viên bảo vệ đến lính cứu hỏa nhiều khi đành chỉ biết… đứng nhìn???
Nhìn rộng ra trên cả nước ta, các công trình nhà cao tầng đang được xây dựng ngày một nhiều, nhưng lực lượng PCCC xem ra vẫn không được nâng cấp cả về trang thiết bị và huấn luyện để thích ứng với việc chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn tại các tòa nhà cao tầng.
Công tác phòng cháy là cực kỳ quan trọng mà chủ công là lực lượng cảnh sát PCCC. Lực lượng này phải sâu sát từng địa điểm kinh doanh, khu dân cư, cơ quan, trường học để thường xuyên kiểm tra, cảnh báo, hướng dẫn người dân chấp hành tốt các quy định về PCCC. Nếu làm tốt việc phòng cháy sẽ góp phần tránh được những tại họa thảm khốc do bà hỏa gây ra.
Không thể có những trả lời vô trách nhiệm kiểu: đã phát hiện, xử phạt nhưng cơ sở vẫn không chấn chỉnh… Với chức năng được pháp luật cho phép, khi phát hiện việc phòng cháy không được chấp hành, phải kiến nghị cấp có thẩm quyền tạm ngưng hoạt động của cơ sở đó và chỉ cho phép hoạt động trở lại sau khi đã chấp hành đầy đủ các quy định về phòng cháy. Nếu làm được như vậy, chắc chắn thiệt hại từ các vụ cháy cũng như số lượng các vụ cháy nổ sẽ giảm đáng kể.
Hãy quan tâm hơn nữa đến phòng cháy! Cần tôn vinh những người có ý thức phòng cháy tốt. Nói một cách rõ ràng hơn là cần thay đổi nếp nghĩ lâu nay là chỉ tôn vinh những người chữa cháy giỏi mà quên mất những người phòng cháy tốt, không để hậu quả xảy ra.
Lan Thanh