“Chất lượng giáo dục phải là trung thực, là hiệu quả thực…”

(Dân trí) - Trước ngày chính thức công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT, mọi chủ đề liên quan đến giáo dục và thi cử đều trở thành đề tài tranh cãi sôi sục của dư luận. Đặc biệt là về vụ việc Đồi Ngô và con số dự báo trên dưới 100% đỗ tốt nghiệp.

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)
 
Nguyên tắc là… nguyên tắc  

 

Hàng trăm phản hồi của bạn đọc tiếp tục được gửi tới diễn đàn, sau khi Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Huy Bằng lên tiếng cho biết: “Vụ clip quay thi ở Bắc Giang có dấu hiệu hình sự, công an đang vào cuộc....Khuyến khích tố cáo gian lận thi cử một cách hợp pháp!”

 

Đọc tất cả những ý kiến đó, chúng tôi không thấy có 1 phản hồi nào bày tỏ đồng tình với những lý lẽ và lập luận mà ông Bằng đưa ra. Nhất là khi ông phân tích về sự cần thiết phải sử dụng những phương cách hợp pháp để tố cáo gian lận thi cử, thay vì quay clip như trong vụ việc ở trường THPT Đồi Ngô mới đây. Những điều "không thể" được vạch ra từ nhiều hướng:
 

“Về nguyên tắc là phải có chứng cứ mới khẳng định được vi phạm, và về cơ bản là cũng không bao giờ có được chứng cứ nếu không lén vi phạm đem may quay phim vào. Nên tố cáo tiêu cực mà chỉ bằng "miệng và văn bản" thì còn… mệt lắm, biết bao giờ mới giải quyết được, người tố cáo chắc là còn bị trù dập nữa. Tôi thấy, với một số qui định cứng nhắc như hiện nay đã trở thành rào cản không cho tố cáo tiêu cực, vậy không biết bao giờ mới thay đổi được nhỉ.  

 

Theo tôi nghĩ, cần suy xét lại trước thực trạng hoc tập và thi cử ở nước ta như hiện nay, thì nên mạnh dạn cho phép mang một số thiết bị ghi hình như qui định (chỉ cho phép ghi, không xem trực tiếp được) vào phòng thi. Và cũng nên đặc cách căn cứ vào kết quả học tập hàng năm để xét tốt nghiệp cho các học sinh dũng cảm tố cáo tiêu cực. Tôi tin, làm được vậy là những ai có ý định có hành vi tiêu cực sẽ “chết khiếp” ngay, lấy đâu đất cho tiêu cực sống. Phương pháp này chắc chắn là có hiệu quả cao rồi. Nhưng quan trọng là các nhà quản lý có muốn làm hay không (hay vẫn làm ngơ coi như không biết), chứ biện pháp hiệu quả thì rất nhiều (bằng chứng là các nước khác trên thế giới vẫn làm rất tốt đó thôi)” - Nguyễn Đình Thanh:  stephen012007@gmail.com

 

“Nếu cả một hội đồng thi đều vướng chuyện tiêu cực như trong trường hợp Đồi Ngô, thì không biết tố cáo bằng miệng hoặc văn bản có tác dụng gì không, hay chỉ là rước họa vào thân? Vậy tố cáo hợp pháp có tác dụng? Nếu không có chứng cứ xác thực được công bố rộng rãi ra xã hội thì các nhà chức năng có biết, hoặc đã biết nhưng có vào cuộc xử lý quyết liệt hay không?

 

Tôi cũng mong sao các em không phải sử dụng đến hình thức tố cáo này, nhưng để được như vậy thì chúng ta phải làm cái gì, làm ra sao cho các em và cả các thầy cô tin tưởng? Tôi nghĩ, sao chúng ta không học tập cách làm của các em: bố trí các camera công khai ở các phòng thi để ghi lại toàn bộ diễn biến trong từng phòng thi. Và Sở GDĐT là nơi quản lý, theo dõi các camera này?” - Vịnh Xuân: vinhxuanmp@gmail.com

 

“Lẽ ra cần luôn có 'quy chế' bảo vệ quyền lợi cho người tố cáo hợp pháp nữa, và cũng cần công bố những phương cách nào được xem là hợp pháp? Ví dụ như có đường dây nóng trước và sau mỗi kỳ thi, để thí sinh kịp thời phản ảnh ngay. Nếu phiền phức quá thì mọi người sẽ buông xuôi 'ai sao mình vậy' cho khỏe thân mà thôi” - Hoàng Thị Cúc:  hoangcuchn@gmail.com

 

“Thưa ông Chánh Thanh tra, đọc bài trả lời phỏng vấn của ông, một người dân thường như tôi xin có vài ý kiến:

 

1. Một sự việc, hiện tượng tùy theo cách nhìn sẽ có những quan điểm khác nhau. Về sự vụ quay clip ở BG theo tôi nghĩ, việc đầu tiên ngành giáo dục nói chung và Thanh tra ngành giáo dục lẽ ra cần có lời cảm ơn những con người đó, sau mới bàn tiếp. Với vị trí, vai trò trách nhiệm của mình hoặc đơn giản với vai trò là một người công dân (như ông nói), tôi kỳ vọng sẽ có một ngày được thấy những đóng góp đích thực mang tính phát hiện để ngăn chặn tiêu cực trong ngành của ông mà dư luận vẫn đang phê phán rất nhiều.

 

2. Tôi không chắc lắm về vấn đề Quy chế (nếu không nhầm đại ý là: Thí sinh không được phép mang các thiết bị, dụng cụ... vào phòng thi), và một người dân như tôi đã từng học đã từng đi thi thì hiểu rằng ẩn đằng sau quy định đó là hướng đến các mục tiêu chính là: - Ngăn chặn sự gian lận trong thi cử; - Chống phá hoại kỳ thi…Và nếu nhìn lại sự việc thì rõ ràng ngoài cái hình thức kia ra (mang thiết bị, quay) thì theo tôi thấy, thí sinh đó không gian lận, không phá hoại mà đích thực là đang chống tiêu cực, hay nói cách khác là đang thực hiện điều mà những quy định kia hướng tới.  Và cũng với hướng suy nghĩ đó thì tôi cũng có thể hiểu họ đang là những trợ thủ, chia sẻ công việc thanh tra giám sát giúp ngành giáo dục. Nghi ngờ động cơ của họ ư? Tôi thì tôi không tin họ có ý định trục lợi hay phá hoại gì ở đây cả.

 

3. Tôi rất buồn khi sự vụ xảy ra thì lãnh đạo ngành và nhất là báo chí hình như lại tập trung nhiều hơn vào vấn đề clip, về nhân vật quay (thí sinh) mà chưa đi sâu vào những người liên quan tới chính tiêu cực ở đó. Theo tôi, những người đó đáng được nói đến nhiều hơn mới phải…

 

4. Tôi thật sự không hài lòng khi đọc câu cuối của ông: "Tôi đã nói BG yêu cầu người cung cấp thông tin phải cung cấp đầy đủ..." - Tại sao lại là phải? Minh chứng, chứng cứ thì theo tôi hiểu là người giữ cũng có quyền giữ lại, quyền chọn người để trao chứ.

 

Giá như những clip đó được đưa lên mạng/công bố từ chính cơ quan chủ quản, thì tôi tin ngành Giáo dục đã đổi mới thật rồi” - Nguyễn Bình Tiên:  tiennb1977@gmail.com

 

“Nói người tố cáo "nhỏ giọt" có thể có động cơ không trong sáng, theo tôi là có phần quy chụp. Vì cả 1 hệ thống giám sát của ngành GD-ĐT không phát hiện ra được, mà phải để cho giáo viên, học sinh đơn độc tố cáo, thì người ta phải e  dè, sợ sệt, lúng túng là đúng thôi. Mà người ta "nhỏ giọt" cũng là sự thông minh của những kẻ "yếu thế" : làm sao giở  hết võ ra ngay được để rồi biết đâu “đấu tranh, tránh đâu”? Nếu ngành GD Bắc Giang luôn làm đến nơi đến chốn, xử lý công khai, minh bạch, có chứng cứ đến đâu lập tức xem xét xử lý đến đó... thì người tố cáo mới tin tưởng mà đưa hết bằng chứng ra để chứng minh: sai phạm này không phải cá biệt, mà là sự bao che lẫn nhau có tổ chức… chứ. Tôi thấy cách suy nghĩ và hành động của giới chức ngành GD với người tố cáo như vậy, chỉ có thể hiểu là khó có thể tin tưởng được lắm…” - Lý Lệ Hằng:  atoimo89@yahoo.com

 

“Tôi không bình luận, mà chỉ hỏi thêm ông Huy Bằng để rõ thôi…

 

1- Tố cáo bằng lời/ lời nói gió bay; mang máy ghi âm vào cuộc để có bằng chứng tố cáo thì nhà chức trách nói “sai quy định” (cấm được dùng vào việc này) ... Vậy lấy ai, lấy gì làm bằng chứng?...

 

2- Tố cáo bằng đơn thư, giấy tờ… thì ai nhận (có sổ ghi tiếp nhận không. sổ này ai phát lệnh lập, có dấu giáp lai không và ai giữ  cũng như liệu có thất lạc không. Trong khi đơn thư thì cấp thanh tra nào cũng tồn đọng năm trước sang năm sau rất nhiều...)

 

3-Vào hang bắt cọp: điều này  vẫn đúng cả trong đời thường hiện nay. Ví dụ tập kích các đối tượng buôn gian bán lận mà tay không được sao?...

 

4- Mong ngành chức năng ban hành các quy định Luật cần xem lại, sao cho quy định vừa đúng, vừa dễ thực hiện nhất, không chồng chéo, tran hs để làm được góc độ này có khi lại mắc góc độ kia thì không thể công bằng…” - Nguy Hong Phu:  nhphu@ya.com
 
Thoải mái chép bài từ phao, tài liệu trong phòng thi (ảnh chụp lại từ clip)
Thoải mái chép bài từ phao, tài liệu trong phòng thi (ảnh chụp lại từ clip)

 

Số “đẹp” mà lòng chẳng vui

 

Tình hình cũng tương tự trong rất nhiều ý kiến bạn đọc bình về tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT (dù con số trên dưới 100% vẫn còn trong vòng… chưa chính thức). Nói chung vẫn là: số thì đẹp mà lòng người… chẳng ai vui, chẳng ai tin tưởng để có thể nói những lời “có cánh” để động viên, khích lệ. Bệnh thành tích cùng sự làm ngơ trước thực tế đáng lo ngại của ngành giáo dục là những điểm mấu chất khiến dư luận càng không thể im lặng, dẫu biết có nói nữa chắc cũng khó có tác dụng.

 

“Tôi đã trải qua thời học sinh và những kỳ thi, tôi biết rằng chế độ thi cử ở nước ta như hiện nay còn quá lỏng lẻo. Nếu tính thực tế thì tỉ lệ thi đỗ sẽ rất thấp chỉ khoảng 50 %, song vì bệnh thành tích mà trên đưa xuống để các trường tuân theo là phải đạt  trên dưới100% đỗ, thì làm gì không có tiêu cực. Những người học tốt cảm thấy khó chịu, nhưng muốn tố cáo thì lo bị trù dập, bị vi phạm quy đinh… Tôi nghĩ, nhưng điều đó chỉ khiến cho tình hình giáo dục của nước ta ngày càng đi xuống mà thôi. Nếu chúng ta áp dung theo cơ chế đầu vào thì lỏng, đầu ra phải thật chặt, tôi nghĩ chúng ta sẽ thu được kết quả lớn cho ngành giáo dục nước nhà” - Lê Văn Hùng:  levanhung8586@gmail.com

 

“Tôi sinh ra và lớn lên ở 1 tỉnh miền Bắc. Lúc tôi học cấp 3 (cách đây khoảng 12 năm), bản thân tôi khẳng định thế này: 2/3 số học sinh chúng tôi thậm chí không biết giải 1 bài toán PT bậc nhất, không biết giải 1 bài lý, bài hóa nào. Nói ra chắc nhiều người choáng váng. Nhưng đó là sự thật. Chúng tôi chỉ biết vác cặp đến trường ngồi học và đi về. Các thày cô dù có cố gắng cũng không thể làm gì hơn vì chúng tôi đã mất căn bản từ nhỏ, từ lớp 3, lớp 4 rồi. Đến khi thi TN, biết khả năng của học trò là vậy nên các trường phải "bắt tay" giúp đỡ nhau (vì đó là tình hình chung củ cả vùng mà). Thường trong phòng thi chỉ có 1 vài bạn biết làm bài, sau đó thì các bạn khác chép lại. Nếu xui mà phòng nào đó không có ai biết làm thì… giám thị sẽ giúp.

 

Thực ra, biết điều đó là sai trái, nhưng các thày cô giám thị cũng chỉ là giúp đỡ HS thôi. 12 năm học, chỉ còn có 1 kỳ thi đó là có được tấm bằng rồi mà không giúp cũng tội các em. Nếu làm chặt thì phải chặt từ khi các em còn nhỏ kìa, giờ đến giờ chót rồi, không còn thay đổi được gì nữa nên phải làm thế thôi. Chứ tôi đảm bảo, nếu làm chặt thật sự thì chắc chắn 1 điều là quê tôi sẽ bị trượt TN đến 80%.

 

Nói ra thì thật xấu hổ, nhưng tôi mong các ngành, các cấp xem xét kỹ khi kỷ luật các giáo viên coi thi. Nếu muốn làm gì thì hãy làm ngay từ cấp 1, cấp 2 ấy, chứ đợi đến lúc TN cấp 3 mới làm căng thì không ích lợi gì đâu” - NoName: đongxuyenx@gmail.com

 

“Nếu nhìn vào kết quả thi TNPT vài năm trở lại đây, thì có thể thấy là tỷ lệ TN đang cao nhất kể từ Bộ GD ĐT thực hiện chính sách Hai không (không có tiêu cực và không có bệnh thành tích). Nhìn vào con số mà các tỉnh công bố tỷ lệ đỗ thì thật là ấn tượng, nhưng thực tế thì  kết quả ấy không đi kèm với sự thành công của chính sách. Những gì chúng ta nhìn thấy ở Bắc Giang không phải là nơi duy nhất xảy ra tình trạng tiêu cực, mà theo tôi  là còn có rất nhiều nơi khác, tỉnh khác cũng trong tình trạng tương tự. Chỉ có điều những nơi ấy chưa có ai đứng ra tố cáo mà thôi. Chuyện xảy ra trong phòng thi TNPT thì những người rõ nhất, dễ thấy nhất chính là những học sinh đi thi, giáo viên coi thi. Họ biết, chúng ta biết nhưng chắc Bộ GDĐT "không biết"? Theo tỉ lệ này thì chỉ có thể nói: Thành tích học tập của học sinh bây giờ thật đáng nể. Cấp 1 : 80% hs giỏi. Tốt nghiệp THCS trên 90%. Tốt nghiệp THPT cũng toàn trên 90%. Chất lượng ngày một tăng lên... trên những con số???” - Khánh Toàn:  boicaosekhoi@gmail.com

 

“Kết quả này càng cho thấy không nên tổ chức thi tốt nghiệp. Tổ chức một kỳ thi quá hao tiền tốn sức, nhiều hệ lụy, để chỉ minh hoạ cho kết quả xếp loại cuối năm (nghĩa là chỉ đánh trượt một vài học sinh) thì thật không nên. Nếu trái với kết quả cuối năm thì phi logic, bởi dùng kết quả thi vài môn (lại phụ thuộc không ít vào sự may rủi, khó dễ của đề thi) để thay cho/phủ nhận kết quả của một quá trình. Theo tôi, đây không phải là thi tuyển sinh mà là kết quả đánh giá xếp loại của một quá trình học tập. Nên tổ chức xét trúng tuyển tốt nghiệp dựa trên kết quả xếp loại HK + HL cuối năm lớp 12 (như xét TN THCN). Những học sinh nào xếp loại yếu thì chỉ được cấp chứng chỉ học hết chương trình THPT, nếu muốn có bằng tốt nghiệp THPT thì phải "thanh toán" được (học lại để có kết quả trung bình trở lên) những môn có điểm trung bình dưới 5” - Quang Minh:  quangminh@gmail.com

 

“Tôi là một GV đang trực tiếp giảng dạy ở một trường của một tỉnh gần HN. Tôi nhận thấy rằng Bộ GDĐT cần đi thực tế một cách thật sự thì mới biết được những ấm ức của chính anh chị em GV chúng tôi. Ví dụ như bệnh thành tích là có trong tư tưởng từ cấp trên xuống tận cấp cơ sở , có lẽ tỉnh nào cũng vậy  nên có những trường đỗ 100% là điều quá vô lý. Tôi mong Bộ cũng không vội mừng.

 

Không chống bệnh thành tích thì thôi, nay đã nói chống bệnh thành tích thì các tỉnh, các trường đều cần có biện pháp thế nào. Chứ chỉ hình thức như hiện nay thì mới đỗ cao như vậy…. Mặt khác, trong GD còn tệ chạy chức chạy, quyền công khai nên có những người lên làm lãnh đạo mà không anh em GV tôn trọng… Tham nhũng trong GD cũng khá phổ biến , như đồ dụng dạy học không chính  xác hỏng nhiều, SGK cứ như ai muốn thế nào thì viết kiểu đó và sai nhiều nhất là các môn toán lý hóa không đồng bộ kiến thức với nhau … Đầu năm học thì Bộ thường đưa ra các tiêu đề quá dài dòng, tham vọng nhiều và khó hiểu. Đến lỗi GV chúng tôi học thuộc tiêu đề của năm học cũng khó, huống hồ là thực hiện. Tôi nghĩ, Bộ GDĐT cần phải cải tổ từ Bộ xuống tận cơ sở một cách quyết liệt. có như vậy ngành GD nước nhà  mới từng bước được cải thiện” – Giao vien:  giaovien@gmail.com

 

“Kì thi là để phản ánh quá trình học tập của học sinh, cũng là quá trình đánh giá chất lượng giáo dục của các thầy cô giáo và các trường học. Có ý kiến cho rằng với sự tiêu cực hiện nay nên bỏ kì thi tốt nghiệp THPT, vì không phản ánh được chất lượng học tập của các thí sinh làm lãng phí ngân sách của nhà nước. Nhưng tôi thấy điều đó rất nguy hiểm, vì nếu không có kì thi sẽ không thể đánh giá chất lượng học và dạy của các trường THPT, như vậy chất lượng giáo dục của các trường THPT đã suy giảm lại càng suy giảm hơn.

 

Theo tôi, chúng ta vẫn nên tổ chức kì thi tốt ghiệp THPT nhưng phải làm như sau:

-           Quản lý chặt kì thi, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.

-           Nghiêm khắc đối với giám thị để cho thí sinh gian lận.

-           Thí sinh nào không đỗ tốt nghiệp nên cấp giấy chứng nhận học hết THPT.

-           Các trường đại học vẫn xét tuyển với thí sinh có giấy chứng nhận học hết THPT, nhưng phải có bằng tốt nghiệp THPT mới phát bằng đại học (các trường đại học sắp xếp phân bổ các sinh viên chưa tốt nghiệp THPT năm trước được thi lại  tại các trường THPT với các môn thi mà năm trước không đạt được điểm 5/10. Các thí sinh có thể tự ôn tập và đăng kí được đào tạo lại nếu thí sính có nhu cầu tại các trường THPT).

-           Các trường trung học chuyên nghiệp chỉ cần giấy chứng nhận học hết THPT là đủ điều kiện.

 

Kì thi tốt nghiệp là chỉ đánh giá chất lượng học và dạy, chứ không nên là điều kiện cản trở thí sinh đi bước tiếp theo nên đại học và trung học chuyên nghiệp” - Trần Văn Vang:  tranvangvn@gmail.com
 
Học thật, thi nghiêm túc để có niềm vui thật sự… (ảnh minh họa: chauthanh.haugiang.gov.vn)
Học thật, thi nghiêm túc để có niềm vui thật sự… (ảnh minh họa: chauthanh.haugiang.gov.vn)

 

Gây dựng lòng tin đã khó, giữ được sự tin tưởng dài lâu càng khó hơn. Ngành giáo dục VN đã có bề dày thành tích khá vẻ vang, đã cho ra đời bao thế hệ con người VN lập nên những thành tích rất ấn tượng cả trên trường quốc nội và quốc tế. Vậy nên dư luận chung của người dân cả nước cũng chia sẻ với nhận xét của Quang Anh quanganhvtdng@yahoo.com.vn

 

“Tôi không tin tỉ lệ đỗ tốt nghiệp cao như vậy là chất lượng thật sự. Giáo dục Việt Nam cần phải thay đổi để căn bệnh thành tích phải được khắc phục, những người làm công tác giáo dục cần phải dũng cảm để đầy lùi căn bệnh này. Bác Hồ đã nói ‘vì lợi ích 10 năm  trồng cây, trăm năm trồng người’… Giáo dục Việt  Nam mà cứ mãi hình thức như vậy thì không biết tương lai của đất nước sẽ đi về đâu. Cần phải chấp nhận sự thực và từ đó có biện pháp khắc phục để chất lượng giáo dục là trung thực, là hiệu quả. Cái gốc của nhận thức, sự tiến bộ chính là giáo dục”.
 
Đích thực là như vậy đó!!! 

Thanh Nguyễn