Chậm ban hành thông tư hướng dẫn: Bộ GD-ĐT cần thẳng thắn nhận trách nhiệm!
(Dân trí) - Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ nỗ lực để sớm ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Quyết định 60 của TTCP. Tuy nhiên, khi Quyết định có hiệu lực nhưng đến tận 14 tháng sau vẫn chưa có thông tư hướng dẫn là một điều khó chấp nhận.
Nhiều nhà quản lý có thể cho rằng, với thông tư liên tịch hướng dẫn thì Bộ GD-ĐT không thể tự quyết một mình mà phải làm việc với Bộ/Ngành liên quan nên việc mất nhiều thời gian đề hoàn thành cũng là điều dễ hiểu. Song, dù có cảm thông với những người làm chính sách đến bao nhiêu thì với việc hơn 1 năm chưa thể ban hành một thông tư hướng dẫn, nhất lại liên quan đến chính sách cho trẻ em vùng khó là điều khó có thể chấp nhận. Với tư cách là đơn vị chủ trì soạn thảo thông tư liên tịch hướng dẫn, Bộ GD-ĐT cần phải thẳng thắn nhận trách nhiệm về sự chậm trễ này.
Quá “tham” khi xây dựng thông tư hướng dẫn
Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg đề cập đến chính sách cho trẻ em, giáo viên và chính sách đối với cơ sở giáo dục mầm non được Chính phủ ban hành ngày 26/10/2011 và chính thức có hiệu lực vào ngày 15/12/2012. Do khối lượng công việc tương đối lớn nên Bộ GD-ĐT cũng xác định xây dựng ít nhất hai thông tư liên tịch hướng dẫn các địa phương thực hiện quyết định 60. Thông tư liên tịch đầu tiên Hướng dẫn thực hiện chi hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non và sau đó sẽ tiếp tục ban hành các thông tư liên tich hướng dẫn kế tiếp thực hiện các chính sách còn lại.
Ngày 13/6/2012, Bộ GD-ĐT đã đưa dự thảo thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện chi hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non lên website của Bộ GD-ĐT để xin ý kiến. Nếu đọc kỹ dự thảo này sẽ nhận thấy, việc hướng dẫn thực hiện chính sách đối với trẻ đơn thuần chỉ là khâu thủ tục hồ sơ, giấy tờ. Vấn đề khó khăn nhất vẫn là hướng dẫn thực hiện chính sách dành cho giáo viên.
Theo Quyết định 60 thì giáo viên (bao gồm cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, dân lập được Nhà nước hỗ trợ ngân sách để các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện trả lương theo thang bảng lương giáo viên mầm non, được nâng lương theo định kỳ, được tham gia đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và các chế độ chính sách khác như giáo viên có cùng trình độ đào tạo đang hợp đồng làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập; Giáo viên mầm non công tác tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục được Nhà nước hỗ trợ chi phí bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Để có hướng dẫn thực hiện chính sách này đòi hỏi Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính cần phải thẩm định và khảo sát thực tế ở các địa phương theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thông tư liên tịch hướng dẫn bị “ùn ứ”.
Điều đáng chê trách là ở chỗ, nếu việc xây dựng hướng dẫn thực hiện chính sách dành cho giáo viên gặp khó khăn thì Bộ GD-ĐT hoàn toàn có thể “linh động” để tách việc hướng dẫn thực hiện chính sách dành cho trẻ em thành một thông tư riêng. Nếu thực hiện điều này thì có lẽ thông tư hướng dẫn đã được ban hành từ sớm bởi lúc đó sự phụ thuộc quá nhiều vào các Bộ/Ngành khác là không nhiều (lúc đó chỉ cần ý kiến của Bộ Tài chính là thông tư được ban hành ngay - PV).
Bài học để rút kinh nghiệm
Trong khi trẻ em vùng khó cả nước “chờ đợi” số tiền hỗ trợ của Đảng và Nhà nước để có thể yên tâm đến lớp thì địa phương (dù có tiền trong tay) không thể thực hiện được ngay vì chưa có thông tư hướng dẫn. Bức thư gửi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận của nhà báo Trần Đăng Tuấn được đăng tải trên Dân trí là một “cú hích” để Bộ GD-ĐT nhìn lại chính mình trong việc xây dựng văn bản pháp luật.
Còn nhớ, ngày 15/7/2011, Bộ GD-ĐT đã ban hành thông tư Thông tư liên tịch số 29/2011/TTLT-BGDĐT-BTC của Bộ GD-ĐT-Bộ Tài chính Hướng dẫn thực hiện chi hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em năm tuổi ở các cơ sở giáo dục mầm non theo quy định tại Quyết định số 239/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010 - 2015. Ở Thông tư này có đề cập đến hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ ở độ 5 tuổi ở vùng khó cũng như cách thức thực hiện làm thủ tục, hồ sơ. Mức hỗ trợ cũng là 120.000 đồng/tháng.
Trong khi đó ở Quyết định số 60 chỉ là mở rộng đối tượng được hưởng chính này đó là trẻ em mẫu giáo 3 và 4 tuổi có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, núi cao, hải đảo, các xã và thôn bản đặc biệt khó khăn, hoặc cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định hoặc mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế, được ngân sách nhà nước hỗ trợ 120.000 đồng/tháng.
Như vậy nếu Bộ GD-ĐT “tinh ý” thì có thể hướng dẫn địa phương trước mắt thực hiện chính sách hỗ trợ tiền cho trẻ như thông tư liên tịch số 29. Thậm chí cũng không nhất thiết phải ban hành một thông tư mới để hướng dẫn.
Theo phản ánh của nhà báo Trần Đăng Tuấn, một số địa phương đã mạnh dạn “chi” trước dù chưa có thông tư hướng dẫn nhưng sau đó lại dừng lại. Điều này cho thấy nhiều lãnh đạo địa phương đã “linh động” khi trước đó đã có một thông tư hướng dẫn ở một chính sách tương đồng.
Nguyễn Thanh