Cầu thang thoát hiểm – Cấu trúc cứu mạng trong các tòa nhà

Trong các tòa nhà cao tầng, cầu thang thoát hiểm là một cấu trúc bắt buộc phải có trong thiết kế, xây dựng và vận hành. Thế nhưng, rất đáng tiếc là, phần lớn người dân và kể cả những người quản lý vận hành, không phải lúc nào cũng coi trọng cấu trúc “cứu mạng” này.


Cửa thoát hiểm ra cầu thang thoát hiểm luôn được đóng kín bằng các tay co,cách ly với hành lang và các lối đi (Ảnh BQT)

Cửa thoát hiểm ra cầu thang thoát hiểm luôn được đóng kín bằng các tay co,cách ly với hành lang và các lối đi (Ảnh BQT)

Trên truyền hình và nếu ai đó có dịp đi ra nước ngoài sẽ dễ dàng nhìn thấy những cầu thang bộ, lộ thiên, bố trí bên ngoài tòa nhà. Đó chính là những cầu thang thoát hiểm bên ngoài tòa nhà được sử dụng trong những trường hợp khẩn cấp, đặc biệt là khi xảy ra hỏa hoạn.

Cầu thang thoát hiểm (Fire-escape) là một yếu tố không thể thiếu trong việc thiết kế và xây dựng các tòa nhà cao tầng, nhằm sử dụng thoát thân cho những trường hợp khẩn cấp và nguy hiểm như: Hỏa hoạn, cháy, nổ… Theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam và Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về an toàn cho nhà và công trình (kèm theo Quyết định số 439/BXD-CSXD ngày 25/09/1997 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Thông tư số 07/2010/TT-BXD ngày 28/07/2010 của Bộ Xây dựng), các nhà cao tầng đều thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy, nhà cao tầng phải đảm bảo nghiêm ngặt các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định về phòng cháy chữa cháy; phải được cơ quan quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy có thẩm quyền thẩm duyệt, nghiệm thu, thi công... các hạng mục phòng cháy chữa cháy của công trình trước khi công trình đi vào xây dựng và đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, thoát hiểm, thoát nạn... cho người trong công trình khi đưa vào sử dụng, hoạt động.

Trở lại những năm 60, 70 của thế kỷ trước, ở miền Bắc, những tòa nhà tập thể mọc lên ở Kim Liên, Trung Tự, Thanh Xuân (Hà Nội) nhưng người ta lại không thấy cấu trúc này xuất hiện. Cầu thang bộ và cầu thang thoát hiểm đều chung một công năng và đặt giữa tòa nhà. Ở miền Nam, các cư xá do chính quyền Sài Gòn xây dựng thì cấu trúc này được trang bị nhưng do tốc độ đô thị hóa quá nhanh, các cầu thang thoát hiểm này dần dần cũng biến thành các cầu thang thông thường.

Khi các tòa nhà “chọc trời” bắt đầu mọc lên thì những cấu trúc này được đưa vào trong tòa nhà và nhiều nhà đầu tư bắt buộc phải đưa vào trong thiết kế như một phần của tiêu chí an toàn, phòng chống cháy nổ. Tuy nhiên, không phải ai ở chung cư cũng hiểu rằng, đây là cấu trúc cứu mạng mình khi xảy ra hỏa hoạn hoặc những trường hợp khẩn cấp. Nhiều nhân viên của các Ban quản lý tòa nhà kêu trời vì vất vả, khổ sở trong việc thuyết phục các cư dân trong tòa nhà chấp nhận tuân thủ nguyên tắc an toàn phòng cháy chữa cháy, nhất là tôn trọng các quy định sử dụng cầu thang thoát hiểm.

Theo một chuyên gia làm việc trong lĩnh vực quản lý tòa nhà, thì số người thiệt mạng trong vụ cháy chung cư Carina cháy ngày 25/3 vừa sẽ được hạn chế xuống mức thấp nhất nếu cư dân trong tòa nhà được trang bị kiến thức phòng cháy chữa cháy tối thiểu, những điều mà tất cả những ai vào ở chung cư cần tuân thủ.

Vậy những kiến thức tối thiểu về phòng cháy chữa cháy trong chung cư đó là gì? Chúng ta cùng tìm hiểu những kiến thức sơ đẳng về phòng cháy chữa cháy trong các tòa nhà chung cư, đặc biệt là về cầu thang thoát hiểm bên trong tòa nhà qua cuộc trao đổi dưới đây với ông Hoàng Tuấn Ngọc – một chuyên gia làm việc lâu năm trong lĩnh vực quản lý chung cư.

Hỏi: Khi có tín hiệu báo cháy tại sao lại không được sử dụng thang máy?

Trả lời: Khi có tín hiệu báo cháy, tuyệt đốituyệt đối không được sử dụng thang máy. Chúng tôi nhấn mạnh: tuyệt đối không được sử dụng thang máy khi xảy ra hỏa họan. Vì thang máy chính là cái bẫy giết người khi xảy ra hỏa hoạn. Kể cả đám cháy rất nhỏ, hoàn toàn dập được, nhưng người kẹt trong thang máy vẫn chết như thường. Khi xảy ra cháy, hệ thống điện sẽ cắt điện hoàn toàn để đảm bảo an toàn. Người kẹt trong thang máy sẽ chết vì ngạt khói, vì thiếu dưỡng khí, vì đứt cáp, buồng thang máy rơi tự do, những người cứu hộ, cứu hỏa không biết thang máy ở tầng nào mà giải cứu …. Vì những lý do đó, tuyệt đối không sử dụng thang máy trong hỏa hoạn và trường hợp khẩn cấp khác. Vụ Carina, trong số 13 người chết có gia đình 05 người thiệt mạng vì sử dụng thang máy và chết do ngạt khói.

Hỏi: Tại sao lại không được tùy tiện chèn đá vào cửa cầu thang thoát hiểm để cửa luôn mở, tiện đi lại?

Trả lời: Không và tuyệt đối không được tùy tiện chèn đá vào cửa cầu thang thoát hiểm để cửa luôn mở, tiện đi lại. Tôi xin được giải thích tương đối đơn giản và ngắn gọn như sau:

Chung cư cao tầng có 2 loại cầu thang thoát hiểm: ngoài trời và trong nhà. Loại ngoài trời đơn giản, dễ sử dụng và thường áp dụng cho các tòa nhà dưới 10 tầng. Tuy nhiên, thang thoát hiểm trong nhà thì ít ai hiểu nguyên tắc của nó. Cầu thang thoát hiểm trong nhà thiết kế với mục đích quan trọng là tạo không gian cho cư dân khi gặp hỏa hoạn trốn khói. Đây là không gian cách ly khói, khí độc. Vì thế, cầu thang thoát hiểm trong tòa nhà bao giờ cũng cách ly gần như tuyệt đối với không gian các hành lang. Nếu điều kiện cho phép, áp suất trong cầu thang thoát hiểm luôn cao hơn các không gian tiếp giáp với mục đích đơn giản là chống khói thâm nhập bằng máy bơm hoặc quạt tăng áp hoạt động liên tục. Thực tế cho thấy. trong các vụ hỏa hoạn chung cư, tỷ lệ nạn nhân chết do ngạt khói cao hơn so với bị chết cháy hoặc các tai nạn khác.

Vì thế, cầu thang thoát hiểm trong nhà luôn được thiết kế một khối hộp độc lập, kín bốn vách. Cánh cửa của các cầu thang thoát hiểm có độ dày thích hợp, bọc thép, cách nhiệt và được làm bằng vật liệu chịu được nhiệt độ cao, có tay co tự động đóng. Không có người là nó tự động đóng cửa. Cư dân chung cư, nếu thấy tay co hỏng, không hoạt động thì phải báo Ban Quản lý Tòa nhà thay ngay.

Trong vụ cháy ở chung cư Carina này,thông tin mà tôi biết là cư dân đã chèn vào cửa cầu thang thoát hiểm để tiện đi lại, vô hình chung vô hiệu hóa tác dụng đóng cửa của tay co tự động. Khi hỏa hoạn xảy xa, cầu thang thoát hiểm vốn là chỗ cách ly khói lại thành cái ống khói tự nhiên phân phối khói đi tất cả các tầng trong tòa nhà.

Hỏi: Quạt tăng áp trong cầu thang thoát hiểm hoạt động như thế nào? Tác dụng của nó?

Trả lời: Quạt tăng áp trong cầu thang, có thể hoạt động theo cơ chế tự động, hoặc khởi động tay khi có sự cố. Cư dân và Ban Quản lý tòa nhà phải luôn luôn kiểm tra tình trạng kỹ thuật của quạt tăng áp, đảm bảo nó luôn hoạt động khi có sự cố như cháy nổ, hỏa hoạn. Trong trường hợp các thiết bị này hỏng hóc, trục trặc phải sửa chữa, khắc phục ngay.

Quạt tăng áp được lắp đặt với mục đích: bơm khí tươi vào khoang thang thoát hiểm, làm áp suất không khí trong thang thoát hiểm cao hơn hành lang các tầng. Chỉ cần áp suất trong khoang thang thoát hiểm cao hơn bên ngoài là đủ ngăn khói xâm nhập, tạo không gian và điểm trú ẩn tránh khói an toàn cho cư dân.

Hỏi: Cần chú ý gì khi sử dụng không gian cầu thang thoát hiểm?

Trả lời: Điều đầu tiên là tuyệt đối cấm việc chiếm dụng không gian cầu thang thoát hiểm làm chỗ để tạm bàn ghế, đồ đạc, rác... Tại sao? Bởi vì, khi xảy ra hỏa hoạn chúng ta chạy theo quán tính trong cầu thang, nguy cơ vấp, ngã, gây chấn thương là rất cao. Ngoài ra, những đồ để tạm đó sẽ cản trở lực lượng chữa cháy, cứu hộ thực thi nhiệm vụ. Thực tế, hiện nay ở rất nhiều tòa nhà cao tầng, tình trạng chiếm dụng không gian cầu thang thoát hiểm làm chỗ để bàn ghế, thùng rác, chổi, vật dụng vệ sinh, chậu hoa, xe đạp, xe nôi, thậm chí giường nệm…là khá phổ biến. Bình thường không ai để ý nhưng khi xảy ra hỏa hoạn thì đây lại là một trong những nguyên nhân gây chết người, không thể xem thường. Cho nên, các cư dân cần xây dựng ý thức không và nhắc nhở người khác không được chiếm dụng không gian cầu thang thoát hiểm.

Không gian thoát ra tầng thượng, tầng trệt và các tầng hầm thang thoát hiểm cũng tuyệt đối không được chiếm dụng dù là bất kỳ ai. Hiện nay, trong khá nhiều tòa nhà, các tầng hầm, chỗ thoát ra từ cầu thang thoát hiểm, nhiều Ban Quản lý còn tận dụng để xe máy, ô tô. Đây là sự vi phạm nguyên tắc phòng chống cháy nổ, phòng cháy chữa cháy, cần phải kiểm tra và khắc phục, đảm bảo an toàn của cả tòa nhà.

Một điểm đáng lưu ý nữa là trên tường ở các hành lang tòa nhà cao tầng đều có gắn biển “Fire exit” để chỉ dẫn mọi người lối đi đến cầu thang thoát hiểm. Khi đến ở, đến thăm các tòa nhà cao tầng, các bạn chú ý những chỉ dẫn lối thoát hiểm trên tường, trên các lối đi và ghi nhớ để kịp thoát ra trong những trường hợp khẩn cấp./.

TheoTôn Nữ

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam