Cầu Long Biên sẽ là di sản văn hóa quốc gia?
(Dân trí) - Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết, ngày 5/3, ông đã ký văn bản xin thành phố cho phép phối hợp với Bộ GTVT lập hồ sơ công nhận cầu Long Biên là di sản văn hóa.
“Đã nộp hồ sơ công nhận là di sản thì việc làm đó cũng đã khẳng giá trị của cầu Long Biên đối với Hà Nội cũng như nhân dân cả nước rồi. Nếu chủ trương này được thành phố ủng hộ, tôi nghĩ trong năm nay là có thể hoàn thành hồ sơ và công nhận cầu Long Biên là di tích cấp quốc gia”, ông Động nói.
Cầu Long Biên được khởi công ngày ngày 12/9/1899 và hoàn thành trong năm 1902. Công trình đã sử dụng khoảng 30.000 m3 đá và kim loại, trong đó có 5.600 tấn thép cán, 137 tấn gang, 165 tấn sắt, 7 tấn chì.
Hơn một thế kỷ qua, cây cầu gắn bó mật thiết với người dân Hà Nội và nó được ví như như chứng nhân lịch sử quan trọng. Trải qua hơn 100 năm, dù nhiều lần “bị thương” do bom đạn chiến tranh nhưng đến nay cây cầu vẫn giữ được tương đối nguyên bản so với kết cầu ban đầu.
Vừa qua, Bộ GTVT đưa ra ba phương án vị trí cầu vượt sông Hồng thuộc Dự án Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1), giai đoạn I, những phương án đó có tác động không nhỏ đến cầu Long Biên. Trước phản biện của các chuyên gia, UBND thành phố Hà Nội hứa sẽ phát huy hết giá trị của của cây cầu này và sẽ tổ chức hội thảo để có phương án tối ưu nhất đối với cầu Long Biên.
Quang Phong