Bạn đọc viết:
Câu hỏi về lương tâm bác sĩ hay trách nhiệm quản lý
(Dân trí) - Với thực trạng các thẩm mỹ viện như hiện nay, có lẽ người dân không thể trông chờ vào lương tâm của những y bác sĩ làm việc tại các cơ sở này. Mà cần sự vào cuộc nhanh chóng, quyết liệt của cơ quan chức năng để tránh lặp lại những điều đáng tiếc.
Các cơ sở thẩm mỹ và làm đẹp trong thời gian qua mọc lên tràn lan, hoạt động dưới nhiều hình thức ở khắp các thành phố lớn nhỏ trên cả nước. Chất lượng của loại hình dịch vụ này cũng chưa được kiểm chứng, trong khi nhiều ca phẫu thuật làm đẹp dẫn đến biến chứng, thậm chí tử vong đã từng xảy ra. Vụ việc vừa qua của cơ sở thẩm mỹ Cát Tường tại Hà Nội một lần nữa cho thấy thực tế rất đáng lo ngại của loại hình dịch vụ này.
Theo Sở Y tế thành phố Hà Nội, thẩm mỹ viện Cát Tường (số 45 đường Giải Phóng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) do ông Nguyễn Mạnh Tường, một bác sĩ đang công tác tại Khoa Ngoại của bệnh viện Bạch Mai làm chủ. Cát Tường không đăng ký giấy phép để thực hiện các dịch vụ bơm ngực, cắt mí mắt, hút mỡ bụng, mỡ chi. Tuy nhiên, tại cơ quan điều tra, bước đầu ông Tường khai nhận đã thực hiện nhiều dịch vụ trong đó có phẫu thuật thẩm mỹ với giá thành dao động từ 30 đến 60 triệu đồng.
Trên thực tế, việc một bác sĩ gây ra cái chết cho bệnh nhân là điều hoàn toàn có thể xảy ra trong quá trình điều trị và khám chữa bệnh. Nhưng một bác sĩ gây ra cái chết cho người khác rồi ôm xác nạn nhân ném xuống sông để phi tang thì đó là hành động vô đạo đức, vô lương tâm, một hành vi phạm tội nghiêm trọng có tính chất máu lạnh của vị bác sĩ này.
Có lẽ chính vì những đồng tiền kiếm được từ các dịch vụ phẫu thuật làm đẹp quá sức dễ dàng, nên đã làm cho họ không màng đến pháp luật và tính mạng của người khác. Cũng có lẽ không ít người, trong đó có các chị em phụ nữ đã hốt hoảng khi theo dõi sự kiện này. Chúng ta không ngờ rằng những cơ sở thẩm mỹ với chức năng làm đẹp cho phụ nữ lại có những bác sĩ vô lương tâm, vô trách nhiệm và coi thường tình mạng người dân đến như vậy.
Thử hỏi nếu vụ việc này không kịp thời đưa ra ánh sáng, không bị báo chí và cơ quan luật pháp vào cuộc thì có lẽ cơ sở thẩm mỹ này vẫn ngang nhiên hoạt động, vẫn mở cửa đón khách như không có chuyện gì xảy ra.
Sự việc này một mặt cho thấy hành vi tội ác của vị bác sĩ và những người làm việc tại cơ sở thẩm mỹ của ông là không thể chấp nhận. Mặt khác, người dân có quyền chất vấn các cơ quan chức năng mà trước hết là trách nhiệm của các cơ quan quản lý trước sự lộng hành của hoạt động này trong thời gian qua.
Tình trạng nhiều cơ sở, nhiều trung tâm thẩm mỹ không được cấp phép nâng ngực nội soi, nhưng vẫn lách luật bằng cách tiếp cận khách hàng để thực hiện các hoạt động phẫu thuật là hoạt động đã trở nên phổ biến mà nếu thanh tra, kiểm tra thì có thể sờ đâu cũng có, nhìn đâu cũng thấy.
Trong trường hợp này, dù là một bác sĩ chuyên về phẫu thuật xương khớp, nhưng bác sĩ Tường vẫn mở trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ, hoạt động ngay trên trục đường chính của Thủ đô, hằng ngày vẫn quảng cáo rầm rộ và thực hiện những ca phẫu thuật thẩm mỹ cho nhiều người???
Ai cũng biết rằng, để trở thành một bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ, phải trải qua quá trình học tập 6 năm tại trường đại học y chuyên ngành đa khoa, thực hành chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ trong nhiều năm tại một bệnh viện lớn có giấy phép và có khoa giải phẫu thẩm mỹ được cấp phép của Bộ Y tế. Nhưng sự buông lỏng quản lý đã tạo điều kiện để các cơ sở như Cát Tường có thể dễ dàng đăng ký dịch vụ một đằng, quảng cáo và kinh doanh một nẻo, hàng ngày vẫn hoạt động, thu lợi nhuận và làm hại người dân.
Giải thích vấn đề này, một lãnh đạo bệnh viện Bạch Mai cho rằng ông Tường đã công tác tại bệnh viện Bạch Mai hơn 5 năm, nhưng bệnh viện “không biết việc ông Tường thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ tư nhân”. Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc sở Y tế Hà Nội khẳng định: “Cơ sở thẩm mỹ này không xin phép hoạt động mà vẫn cung cấp các dịch vụ cần phải xin phép, do đó họ phải tự chịu trách nhiệm nếu gây ra hậu quả”. Cách giải thích của bệnh viện Bạch Mai và phát biểu của lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, theo tôi là không thoả đáng, không thể hiện trách nhiệm của mình trước dân chúng và trước pháp luật.
Nếu thử gõ một cụm từ “thẩm mỹ viện” trên trang tìm kiếm Google, sẽ có ngay hàng triệu quảng cáo và những địa chỉ thẩm mỹ viện, địa chỉ làm đẹp ở hầu khắp các tỉnh thành ở Việt Nam. Điều đó cũng thể hiện nhu cầu làm đẹp của phụ nữ là rất lớn. Song không phải ai trong số họ cũng biết mối nguy hại to lớn có thể đến từ việc làm đẹp của mình.
Mà với tình trạng như vậy, có lẽ người dân không thể trông chờ vào lương tâm của các y bác sĩ, những người làm việc ở các cơ sở thẩm mỹ viện này. Mà cần sự vào cuộc nhanh chóng, quyết liệt của cơ quan chức năng để tránh những điều đáng tiếc tương tự sẽ còn xảy ra.
Minh Phương (TP Huế)