Câu hỏi phút lâm chung của một bà mẹ anh hùng

... Chỉ đến khi nghe bà tôi trong cơn hấp hối vẫn gọi, vẫn hỏi về đứa con duy nhất ra đi chưa về, tôi mới thực sự hiểu và thương tận đáy lòng sự hy sinh của NGƯỜI MẸ, về sự mất mát không thể nói hết của chiến tranh.

Đã từng nghe kể, đã biết, đã viết rất nhiều về tình mẫu tử, nhưng chỉ đến khi nghe bà tôi trong cơn hấp hối vẫn gọi, vẫn hỏi về đứa con duy nhất ra đi chưa về, tôi mới thực sự hiểu và thương tận đáy lòng sự hy sinh của NGƯỜI MẸ, về sự mất mát không thể nói hết của chiến tranh.

Kính viếng hương hồn Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Quán

Mặc dù đã cố công tìm hiểu, hỏi han nhiều nơi, nhiều người có thể đến, có thể hỏi nhưng tôi không thể biết thêm điều gì ngoài những điều bố tôi kể về chú Đương, con trai độc nhất của người em gái bà nội tôi. Ấy là một người học giỏi nhất Trường Huỳnh Thúc Kháng, trường học nổi tiếng ở vùng tự do hồi kháng chiến chống Pháp, đứng chân ở vùng Bạch Ngọc, nay là xã Ngọc Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Bố tôi nói, những trí thức giỏi nhất nước nhà sau năm 1945 đều từng học ở Huỳnh Thúc Kháng - Bạch Ngọc cả.

Là con em gia đình cách mạng nên đang học dở, chú tôi vâng lời cha lên đường đi chống Pháp. Cũng vì là người có học nên chú tôi được phân công làm nhiệm vụ bí mật, nhiều người cùng lứa, cùng lên đường một lần nhưng tuyệt nhiên không ai biết chú Đương ở đâu, làm gì ?

Sau đó, tin sét đánh đổ xuống ông bà tôi và gia đình: chú Đương bị mất tích trong chiến dịch B. Xã tổ chức Lễ truy điệu. Ông đi hoạt động, không về được. Bà tôi khóc ngất lên ngất xuống, đến mức cổ họng khản đặc không thể ra tiếng, dù thật khẽ.

Câu chuyện về chú tôi chỉ có thế. Và còn tấm ảnh đặt trên bàn thờ được truyền thần lại không hiểu theo trí nhớ ông bà tôi hay vẽ theo một tấm ảnh đen trắng mờ nhạt  nào đó. Nét chì đen trắng, chú tôi đội mũ calo, áo trấn thủ, gương mặt thông minh mà xa xăm, rất giống ông. Tôi còn nhớ có lần ông về, đội mũ nan, mặc quần nâu, tay chống gậy, vai đeo túi nải. Ông nói chuyện rất lâu với bác tôi, tôi hóng hớt nhưng không hiểu gì, cũng không nhớ được gì.

Câu hỏi phút lâm chung của một bà mẹ anh hùng - 1

1.000 mẹ Việt Nam anh hùng và các anh hùng vượt qua chặng đường dài hàng nghìn km hội ngộ tại Hà Nội năm 2010. Ảnh: Nguyễn Hưng - VNE

Ông tôi nén đau thương, tiếp tục đi hoạt động, làm đến chức Trưởng ban Tuyên truyền Liên khu, bè bạn, đồng chí với những người có cỡ cả.

Chỉ có bà tôi vò võ ở lại và không hiểu sao bà vẫn tin chú tôi còn sống. Bắt đầu là chuyện trên báo tin chú mất tích, nghĩa là chưa phải đã chết? Rồi nữa, chú tôi giỏi giang thế, được giao làm nhiệm vụ đặc biệt, chắc chắn là phải giấu tung tích để dễ dàng hoạt động? Bà con xóm giềng cũng lại nhỏ to : " Con bà đang hoạt động tình báo ở nước ngoài, nghe bác gì trên huyện, trên tỉnh nói, dặn là không phổ biến rộng rãi...". Cứ thế người này truyền tai người khác, nuôi lớn niềm tin trong lòng bà tôi dù bà đã suy sụp không ăn, không ngủ, như cây lúa héo hon giữa nắng hạn nhiều ngày trước đó.

Càng thêm rầu rĩ vì ông đi biền biệt, nghe đâu lại sinh chuyện gì đó, nhưng rồi bà tôi bỗng khỏe khắn, nhanh nhẹn trở lại. Gặp ai đứng đắn, tin cậy là bà tôi lại hỏi nhỏ " Bác có nghe tin gì về thằng Đương nhà tui không?". Người thầm thì khum tay nói có, người đổi giọng khen bà dạo ni khỏe, mong bà sống lâu chờ ngày hòa bình...

Chuyện với ông không hề vui lên được tẹo nào, bà tôi về lại một mình, ngày đêm khuây khỏa với mảnh vườn, với con cháu, tức nhà bác tôi và nhà tôi. Được hưởng chế độ của Nhà nước nhưng bà vẫn cứ siêng năng làm lụng. Tự mình bà làm mấy sào ruộng để có lúa, có lạc đậu, ăn không hết thì san sẻ cho con cháu. Tự mình bà vào Hòn Dài, Hòn Xạ lấy củi lá về đun nấu. Chỉ đến khi đầu gối đau suốt đêm ròng, nhấc không nổi chân bà mới cho gọi các cháu. Đứa thì giúp bà gánh nước giếng ở đầu làng. Đứa thì đạp xe sang kho lương thực Bồi Sơn mua hộ bà chế độ gạo tháng. Đứa bổ củi giúp bà nhóm bếp...

Tôi thỉnh thoảng được bà giao việc, ăn bát cơm bà để dành, lại còn dúi cho bơ gạo mang về. Bà nói " Chú Đương cũng học giỏi như con. Bao giờ chú về, tha hồ chúng mày ăn kẹo, nghe đài nhé...!"

Đi học rồi đi làm xa, thỉnh thoảng về nhà, lần nào bố mẹ tôi cũng dặn  nhớ đến thăm cố Tường, dạo này cố yếu lắm rồi. Thế đấy, tôi gọi bà và bây giờ cả nhà đã đồng loạt gọi cố, từ khi tôi sinh con gái đầu lòng, gọi cố là gọi cho con tôi. "Cố khen con biết ăn, biết nói. Thằng Cu ta rứa mà khôn đáo để. Ra đi biết nói là " Bà ơi, con đi" " - bố tôi giảng giải - Bà không biết chữ, không học hành gì mà vẫn hiểu rất hay, rất đúng rằng, đi Vinh, chứ không phải về Vinh, về là phải về Chọ Hao này này, về nhà mình đây này. Chao ôi, nghĩ sâu xa đến vậy có lẽ chỉ có bà tôi, người sinh ra chú Đương tôi học giỏi nhất trường Huỳnh Thúc Kháng...

Tôi vẫn có điều kiện đi đó đi đây, vẫn nuôi ý tưởng tìm hiểu ở ai đó, ở đâu đó may chi biết được đôi điều về chú Đương. Bà tôi dạo ấy đã như ngọn đèn trước gió. Nhà bác tôi và nhà tôi thay nhau bón cho bà từng thìa cơm, thìa cháo. Rồi  bà không còn minh mẫn nữa, thậm chí đã nhiều lúc mê sảng. Tôi về, mở cửa khe khẽ, chưa kịp lên tiếng đã nghe tiếng bà thảng thốt: " Con đã về hở Đương?" Trời ơi, bà tôi có biết gì nữa đâu, mấy ngày rồi không ăn nổi thìa cháo loãng, vậy sao trước giờ phút ấy vẫn cứ mong, cứ đợi con về! Đã từng nghe kể, đã biết, đã viết rất nhiều về tình mẫu tử, nhưng chỉ đến khi nghe bà tôi trong cơn hấp hối vẫn gọi, vẫn hỏi về đứa con duy nhất ra đi chưa về, tôi mới thực sự hiểu và thương tận đáy lòng sự hy sinh của NGƯỜI MẸ, về sự mất mát không thể nói hết của chiến tranh.

Sao con cứ nghĩ mãi, nhớ mãi về câu hỏi ấy của bà, bà ơi?
 
Theo Bùi Nam Sơn
VEF