Câu đối tết, một nghệ thuật của trí tuệ

(Dân trí) - Ngày tết không thể không có câu đối, và câu đối đỏ là phong vị tết Việt Nam. Ngày nay, ở Văn Miếu – Hà Nội, Tết đến nhiều người cũng đến đấy xin chữ của các nhà thư pháp, xin câu đối về treo trong nhà.

 
Câu đối tết, một nghệ thuật của trí tuệ - 1

Ảnh minh họa (nguồn ảnh: internet)

 

Người ta thích những câu đối hay nhưng chữ cũng phải viết đẹp, để câu đối trở thành một tác phẩm nghệ thuật.

Các cửa hàng bán sách cũng thấy bán các câu đối tết, và nhiều nhất là trên các tờ báo xuân. Nhưng đáng tiếc là nhiều câu đối còn dễ dãi, người viết chưa lao tâm khổ tứ, chưa biến những câu đối của mình thành một công trình nghệ thuật, mà nhiều khi chỉ như những khẩu hiệu đặt bên cạnh nhau.

Vui tết đón xuân, xin cùng đọc lại mấy câu đối của người xưa. Dù ngày nay tết đến, mọi nhà không còn cái cảnh:

“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ

Nêu cao tràng pháo bánh chưng xanh

Nhưng nhiều nhà văn và nhiều gia đình vẫn thích thú với những hàng câu đối:

“Ba vạn sáu ngàn ngày, góp lại chốc đã trăm bận tết

Một năm mười hai tháng, ước chi đủ cả bốn mùa xuân”

                                                            (Tú Xương)

Ngày xưa, tết đến, người phong lưu mừng hưởng tết, còn người cùng túng thì lại thêm lo, chỉ lo sao cho qua đêm 30 tết, vì có tục đòi nợ tất niên. Chứ đến sáng mồng một đầu năm nguyên đán dù sao cũng lại xuân rồi. Cụ Nguyễn Công Trứ có đôi câu đối:

Chiều ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa;

Sáng mồng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà.

Thường đến tết là vui, là mừng nên câu đối thường nhắc đến sự vui mừng như:

Tối ba mươi giơ cẳng đụng cây nêu, ủa Tết

Sáng mồng một lắng tai nghe tiếng pháo, à Xuân

                                                  (cụ Nghè Tân)

Đối với phần đông dân chúng, người ta chơi câu đối theo tục lệ, riêng đối với những người chơi chữ, chơi đấu đối thật là một thứ thanh tao. Người chơi chữ gửi tâm sự vào câu đối, khóc người thân bằng câu đối, giễu cợt kẻ hèn, kẻ rởm bằng câu đối, nhưng đối với các bậc hiền tài, các anh hùng có công với Tổ quốc thì câu đối xưng tụng và đề cao. Cụ Chiêu Dương có câu đối ca tụng công đức Hưng Đạo Vương như sau:

Bày trận thế, bắt tướng Hồ, nổi tiếng anh hùng vang đất Bắc

Đem tài năng, cứu dân Việt, giữ nền xã tắc lừng trời Nam

Học trò nghèo ngày xưa thường hay bị thử tài. Có một anh học trò nghèo túng quá, ngày tết phải đem áo đến cầm cho một nhà giàu, không biết nhà giàu lại là một hưu quan. Hưu quan thấy anh học trò ra vế câu đối thử tài:

Quân tử cố cùng, quân tử cùng quân tử cố”

Nghĩa: Người quân tử lúc cùng khổ, quân tử lúc cùng khổ quân tử bền lòng.

Câu này lấy chữ trong sách Luận ngữ, lại khó vì ở đấy chữ cố nghĩa nôm là cầm cố và chữ cùng nghĩa nôm là cùng khổ.

Anh học trò nghèo đã trích Tam quốc đối lại:

“Khổng Minh cầm túng, Khổng minh túng Khổng Minh cầm”

Nghĩa: Khổng Minh bắt, Khổng Minh Tha, Khổng Minh bắt. Trong truyện Tam Quốc, Khổng Minh bắt lại tha Mạnh Hoạch đến bảy lần.

Câu đối này rất hay vì ở đây cầm chữ nôm nghĩa là cầm cố, và chữ túng nghĩa nôm là túng tiền.

Nhờ vế câu đối, vị hưu quan đã tặng không cho anh học trò nghèo một số tiền.
Câu đối xưa nhưng đọc lại, ngẫm nghĩ vẫn thấy có những điều nhắn nhủ, những ước mơ cho chính hôm nay.

Nay tết lại đến, xuân lại về. Những ngày cuối năm, phố chợ tất  bật người mua, kẻ bán, chợt nhớ lại kỷ niệm xưa, lòng nghe man mác khi đọc lại khổ cuối bài thơ “Ông đồ già” của Vũ Đình Liên:

Năm nay đào lại nở. Không thấy ông đồ xưa. Những người muôn năm cũ. Hồn ở đâu bây giờ?”.

Vậy mà “Những người muôn năm cũ” vẫn còn đó, tuy không nhiều, quanh các đền thờ, lăng miếu, kiên nhẫn mài thỏi mực tàu đợi khách đồng điệu. Cho nên ngày tết ra chợ xem  các cụ đồ viết câu đối có cảm giác như được xem lại một trang đời đã cũ, chợt cảm thương ông đồ già trong thơ Vũ Đình Liên.

Nên chăng bạn và tôi cũng xin đôi câu đối về treo trong phòng khách để tỏ lòng ngưỡng vọng thú chơi xuân tao nhã đầy thi vị của người xưa?

 

                                                Hoàng Văn