Câu chuyện về ngoại giao nhân dân

(Dân trí) - Tình cờ đọc bài “BBC phỏng vấn Trần Quang Cơ” trên Internet, có một câu trả lời của bác Cơ mà tôi rất tâm đắc: “Một nước nhỏ hay trung bình như Việt Nam thì càng nhiều bạn càng tốt...”

Là lãnh đạo Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam, tôi thường được dự các cuộc họp về ngoại giao nhân dân do Ban Đối ngoại Trung ương tổ chức.

 

Gần đây, tình cờ đọc bài “BBC phỏng vấn Trần Quang Cơ” trên Internet, có một câu trả lời của bác Cơ mà tôi rất tâm đắc: “Một nước nhỏ hay trung bình như Việt Nam thì càng nhiều bạn càng tốt. Đáng ra, Việt Nam phải đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế sớm, nhưng trước Đại hội Đổi mới (năm 1986), vì đã quá phụ thuộc vào ý thức hệ mà không đa phương hóa được quan hệ. Có hai điều đáng tiếc: Một là không bình thường hóa quan hệ với Mỹ sớm khi có cơ hội, hai là không sớm gia nhập ASEAN. Lúc ấy ASEAN rất muốn VN vào khối, nhưng mình lại không chơi. Thành ra là chậm trễ tới cả mười năm”.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Ý tưởng của bác Trần Quang Cơ tôi đã được lĩnh hội từ năm 1987, và đã từng được thể nghiệm trong thực tế trong hơn 1 tuần khi tôi dự Hội nghị Phát thanh Sóng ngắn Châu Á-Thái Bình Dương ở Bangkok.

 

Hội nghị do Liên đoàn PT-TH Châu Á-Thái Bình Dương (ABU) triệu tập, Đài PT-TH Quốc gia Thái Lan NBT đăng cai. Khi giấy mời gửi về đến Ủy ban PT-TH Việt Nam, Chủ nhiêm Trần Lâm cử tôi đi dự. Theo một “luật bất thành văn”, hồi đó đi họp ở nước tư bản không bao giờ được phép chỉ cử 1 người. Khi Vụ Hợp tác Quốc tế thỉnh thị lại, Chủ nhiệm Trần Lâm chỉ nói “một mình anh Ngọ là đủ rồi”.
 
Câu chuyện về ngoại giao nhân dân - 1

GS.TS Nguyễn Văn Ngọ (nguồn ảnh: tuoitre.vn)

 

Bản thân tôi khi ấy hết sức lo lắng, vì lần đầu tiên đi họp ở nước tư bản lại “đơn thân phó hội”, dự một hội nghị quốc tế mà có các nước tham gia không thiện chí với Việt Nam vì vấn đề quân đội ta sang cứu nhân dân Campuchia khỏi nạn diệt chủng. Hơn nữa vấn đề chuyên môn mà tôi phải đương đầu tại hội nghị cũng khá hóc búa, vì tần số phát thanh sóng ngắn đối ngoại của Việt Nam không xin phép ITU (Liên đoàn Viễn thông Quốc tế), đoàn đại biểu của Tổng cục Bưu điện Việt Nam đi dự hội nghị ITU đã từng bị cảnh cáo 2 lần!

 

Khi máy bay hạ cánh xuống Bangkok và làm xong thủ tục nhập cảnh, điều đầu tiên làm tôi ngạc nhiên là được ông Vụ phó Vụ Đối ngoại của Đài PT-TH Quốc gia Thái Lan ra sân bay đón. Được đưa về một khách sạn 5 sao, vừa đến quầy tiếp tân đã thấy nhân viên đối chiếu danh sách đại biểu, tìm tên tôi và trao chìa khóa phòng. Thì ra NBT hào phóng bao hết chi phí ăn ở cho đại biểu trong 5 ngày.

 

Việc đầu tiên sau khi nhận phòng là gọi điện tới Sứ quán Việt Nam để xin đến thỉnh thị đại sứ. Đại sứ Trần Quang Cơ nhận lời tiếp tôi. Sau khi nghe tôi trình bày về nhiệm vụ được giao, và xin ý kiến về cách xử sự, thì bác Trần Quang Cơ nói ngay: “Anh cứ yên tâm, các nước ASEAN bây giờ đang muốn ta tham gia khối, họ sẽ thiện chí với anh thôi”.

 

Tôi trở về khách sạn, rẽ qua chỗ đăng ký đại biểu để nhận tài liệu. Về phòng mở ra, nhìn xuống lề dưới giấy mời đề “Dress: formal” (trang phục nghiêm chỉnh) tôi phát hoảng. Nguyên là âu phục Bộ Tài chính cho cán bộ mượn để đi họp quốc tế khá tồi, vả lại lần này họp ở Bangkok thời tiết nóng nên tôi không đến mượn, chỉ mang đi sơmi dài tay và cravat như trang phục tiếp khách quốc tế ở Việt Nam. Tôi gọi bộ phận giặt của khách sạn đem là cho 2 cái sơmi, nhưng khi họ làm xong đưa lên tôi nhìn kỹ mới thấy xấu hổ: cổ áo và cổ tay cả hai áo đều đã sờn!

 

Biết là mua ở cửa hàng trong khách sạn thì đắt nhưng đành liều xuống hiệu áo quần tìm mua cái sơmi nghiêm chỉnh. Lượn đi, lượn lại thấy cái gì cũng đắt, cô bán hàng giới thiệu đến đâu khách cũng không vừa ý, ông chủ hiệu bèn đến gặp. Đây là một ông Ấn Độ trung niên, trông phúc hậu. Ông hỏi tôi từ đâu tới, tôi trả lời là người Việt Nam. Ông reo lên “Việt Nam! Ô Việt Nam, hôm nay tôi hân hạnh được tiếp một người bạn Việt Nam tại đây”.

 

Ông hỏi tôi đến du lịch hay dự hội nghị, tôi chìa cho ông xem cái thẻ hội nghị. Nhân thể tôi hỏi ông ở đây quan niệm thế nào là “formal dress”. Nghe ông nói xong, tôi buồn rầu nói rằng tôi nghĩ là ở Bangkok thời tiết nóng nên không mang theo complet. Ông suy nghĩ một lát, rồi kéo tôi ra một góc, nói: “Thưa ngài tiến sĩ, xin ngài thứ lỗi nếu tôi có một đề xuất không thích hợp”. Tôi trả lời là rất trân trọng mọi lời khuyên bảo của ông, và ông ghé tai tôi nói nhỏ: “Ngài cứ mua 1 cái sơmi may sẵn, rồi ra cho thợ đo kích thước, nội trong tối hôm nay tôi sẽ mượn giúp ngài 1 áo veston vừa với ngài và hợp với mầu quần ngài đang mặc”. Khỏi phải nói là tôi biết ơn ông đến ngần nào!

 

Sáng hôm sau, tôi đến hội nghị sớm. Từng nhóm 2, 3 đại biểu vừa uống cà phê vừa trò chuyện. Riêng tôi đang đứng một mình ngơ ngác, thì thấy một ông cao lớn đường bệ tiến đến bắt tay và trao đổi danh thiếp. Thì ra đó là ông thủ trưởng Tổng cục Quan hệ Công chúng của Chính phủ (the Government Public Relations Department, PRD), một tổ chức quản lý nhà nước trong lĩnh vực thông tin đại chúng điện tử, tương tự như Ủy ban Phát thanh Truyền hình Việt Nam.

 

Chính PRD mới là đại diện cho Thái Lan trong Liên đoàn PT-TH  Châu Á-Thái Bình Dương ABU. Ông đồng thời cũng là Tổng giám đốc Đài PT-TH Quốc gia Thái Lan NBT (National Broadcasting Services of Thailand), cơ quan cấp dưới của PRD. Ông mải mê giới thiệu với tôi về lịch sử PRD và hỏi tôi về Ủy ban PT-TH VN cũng như Tổ chức PT-TH Quốc tế OIRT (Organisation Internationale de Radio et Television), hai người mải vui chuyện quên mất rằng đã sắp đến giờ khai mạc, cho nên nhân viên Ban Tổ chức phải ra mời vào.

 

Chỗ ngồi các đoàn đại biểu xếp theo thứ tự a,b,c cho nên chỗ của đoàn Việt Nam bên cạnh đoàn USA. Khi tôi vào chỗ, 3 đại biểu Mỹ đều đứng dậy bắt tay, và đổi chỗ cho ông trưởng đoàn của họ ngồi cạnh tôi. Giờ nghỉ, tôi tranh thủ trình bày trường hợp của phát thanh sóng ngắn Việt Nam với các đại biểu Mỹ, Nhật. Một người ghi lại tóm tắt vào sổ tay, và đến bữa cơm tối, họ trao cho tôi một trang giấy ghi những ý kiến mà theo họ ngày mai tôi nên trình bày.

 

Tối đến, lại thấy ông đại biểu Nhật tới gõ cửa phòng và trao cho một tờ góp ý nữa, tôi chỉ vừa kịp nói cảm ơn là ông đi ngay không vào phòng. Tôi tổng hợp lại với bản chuẩn bị của mình mang từ Hà Nội đi, và ghi thêm danh sách những đài nước ngoài chỉ đăng ký “xý chỗ” trên băng tần mà chưa bao giờ phát sóng do Viện Nghiên cứu Thông tin Vô tuyến Matxcơva  MIIR cho từ tháng trước.

 

Sáng hôm sau, tôi đăng ký phát biểu. Câu mở đầu cố gây ấn tượng: “Xin các bạn hãy nghe lời kêu cứu khẩn thiết của Sóng ngắn Việt Nam!” sau đó tôi đọc bài đã chuẩn bị sẵn, trong đó chỉ đích danh các “đài phát thanh trên giấy” mà Viện MIIR nêu ra. Tôi kết luận: Việt Nam không may là kẻ đến sau ở LHQ, mà ITU lại áp dụng nguyên tắc “Ai đến trước thì được phục vụ trước” (First come, first served) trong việc phân phối tài nguyên tần số, thế thì còn gì cho những kẻ không may này nữa! Hội nghi vỗ tay, không thấy ai phản bác.

 

Chủ tọa buổi họp là một học giả Ấn Độ. Lúc tổng kết buổi họp ông nói hơi dài tôi nghe có phần kém tập trung, nhưng đến đoạn đề cập tới Việt Nam thì phấn khởi nghe rõ mồn một: “Các nước được gia nhập LHQ và tham gia vào các cơ quan chức năng của LHQ vào những thời điểm khác nhau vì rất nhiều lý do khác nhau, nhưng khi đã là thành viên LHQ thì phải có nghĩa vụ và được hưởng quyền lợi như nhau. Việt Nam tham gia LHQ đã 10 năm, nhưng cũng có những quyền lợi chưa được hưởng một cách công bằng như các nước khác, có khi vì thiếu hiểu biết những quy định và thủ tục của các cơ quan LHQ, mà cũng có khi bị những đối tác không thiện chí lợi dụng sự thiếu hiểu biết đó để gây thua thiệt cho Việt Nam.

 

Tôi cảm ơn đại biểu Việt Nam đã nói lên những khó khăn của mình, và ghi nhận đề nghị của Việt Nam xem xét thu hồi lại những giấy phép cấp tần số đã quá lâu mà không sử dụng. Hội nghị vùng của chúng ta chỉ có tính chất tư vấn, nhưng những đề xuất của hội nghị sẽ được xem xét tại Hội nghị Đặc mệnh Toàn quyền của ITU (ITU Plenipotentiary Conference) sắp tới”.

 

Sau 2 ngày họp, ngày thứ ba chúng tôi được đi tham quan kỹ thuật (technical tour), đến một đài phát sóng lớn của Đài Tiếng nói Hoa kỳ (VOA) đặc trách “tuyên truyền chống Cộng” chĩa vào Việt Nam! Trên đường đi, tôi nghĩ không biết tôi có làm khó khăn gì cho Ban Tổ chức hội nghị không, khi lãnh đạo đài phát sóng biết rằng trong đoàn khách tham quan có một chuyên gia kỹ thuật phát thanh Việt Nam. Nhưng Ban Tổ chức đã khôn khéo liệu trước điều đó: khi đến đài họ thản nhiên giới thiệu gộp cả tôi và 2 bạn kỹ sư Lào là đoàn đại biểu Lào!

 

Ngày thứ tư chúng tôi được đi du lịch (touristic tour), thăm cố đô Ayuthaya, ở cách thủ đô Bangkok khoảng 80 km về phía Bắc. Suốt một ngày tham quan rất nhiều thắng cảnh, nhưng nơi để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc nhất là một cung điện rộng lớn với sự tổng hợp của nhiều nét văn hóa khác nhau, được xây dựng từ năm 1876, thời quốc vương Chulalongkorn.

 

Ngày thứ năm các đại biểu hội nghị đều ra về, riêng tôi là cán bộ Ủy ban PT-TH Việt Nam nên được ông thủ trưởng Tổng cục Quan hệ Công chúng PRD mời ở lại thêm 2 ngày để đến thăm PRD và tham quan một số thắng cảnh ở Bangkok.

 

Theo lời dặn của đại sứ Trần Quang Cơ, tôi báo cáo lại tình hình một cách tỷ mỷ với Chủ nhiệm Trần Lâm. Tôi cũng chuyển lời của ông thủ trưởng PRD mời Chủ nhiêm Trần Lâm sang thăm, nhưng không may là chỉ mấy tháng sau Ủy ban PT-TH Việt Nam bị giải thể, trong lúc PRD vừa kỷ niệm 78 năm ngày thành lập trong những ngày 2 và 5 tháng 5/2011.

                                                  GS.TS Nguyễn Văn Ngọ

                      Chủ tịch danh dự Hội Vô tuyến-Điện tử Việt Nam

 

LTS Dân trí - Câu chuyện không còn mới về thời gian diễn ra, nhưng người đọc vẫn thấy lý thú, bởi vấn đề đặt ra về vai trò của các mối quan hệ “ngoại giao nhân dân” cho đến nay vẫn còn có tính thời sự, nhất là các chuyên gia kỹ thuật của chúng ta mỗi khi có dịp đi nước ngoài nên biết phát huy vai trò “ngoại giao nhân dân” vừa chủ động tạo ra thuận lợi cho công việc, vừa góp phần làm cho bạn bè quốc tế hiểu biết rõ hơn, cụ thể hơn về đường lối đối ngoại rộng mở và thân thiện của Việt Nam.

 

“Thêm bạn bớt thù” vốn là cách xử thế mang tính truyền thống của đạo lý dân tộc ta. Truyền thống đó được nâng lên thành đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa diện hóa các mối quan hệ quốc tế, Việt Nam sẵn sàng là bạn và đối tác tin cậy của mọi quốc gia trên cơ sở tôn trọng độc lập, tự chủ và hai bên cùng có lợi. Với đường lối đối ngoại đúng đắn đó, đất nước chúng ta ngày càng có thêm nhiều bạn bè thân thiết và hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền văn minh của nhân loại.