GS Nguyễn Đình Đầu:

Cát Vàng là tên gọi chỉ có ở Đại Việt xưa và Việt Nam nay

Gần 2 giờ trò chuyện cùng ông đã cho tôi thêm nhiều kiến thức sâu sắc cũng như giá trị của các bản đồ cổ trong việc khẳng định chủ quyền đất nước.

Nghiên cứu bản đồ, địa bạ là công việc mà GS Nguyễn Đình Đầu theo đuổi cả cuộc đời và ông khẳng định: “Tôi không phải là nhà sưu tầm bản đồ cổ như nhiều người nói lâu nay mà bản đồ là phương tiện để tôi nghiên cứu. Bản đồ giải mã được nhiều vấn đề còn bí ẩn, mơ hồ, nó đem lại chứng cứ xác thực, khoa học; trả lại sự thật cho lịch sử”. Gần 2 giờ trò chuyện cùng ông đã cho tôi thêm nhiều kiến thức sâu sắc cũng như giá trị của các bản đồ cổ trong việc khẳng định chủ quyền đất nước.

Cát Vàng là tên gọi chỉ có ở Đại Việt xưa và Việt Nam nay - 1
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu

Lợi dụng để gây nên sự hiểu lầm

Là người dành trọn đời để nghiên cứu lịch sử – địa lý, nhất là bản đồ cổ; trong vấn đề Biển Đông, một thời gian dài, Trung Quốc đã cố tình gây ra sự hiểu nhầm khi lợi dụng tên gọi biển nam Trung Hoa (do người phương Tây gọi) để nói rằng, biển của Trung Quốc bao chiếm gần như toàn bộ Biển Đông, nhưng liệu các bản đồ cổ của Trung Quốc có vẽ tương tự không thưa ông?

“An Nam đại quốc họa đồ”, nguyên bản họa đồ khá lớn, ngang 40cm, dọc 80cm, ấn hành theo cuốn “Nam Việt dương hiệp tự vị” (Dictionarium Anamitico- Latinum), tác giả: Giám mục Jean Louis Taberd, xuất bản năm 1838 tại Serampore (Ấn Độ) vẽ một phần của “Paracel hay Cát Vàng” (Paracel seu Cát Vàng) vào khu vực quần đảo Hoàng Sa hiện nay.

GS Nguyễn Đình Đầu:

Trung Quốc nói thế nhưng sự thật lịch sử cho thấy danh xưng biển nam Trung Hoa (chỉ Biển Đông) mà Trung Quốc lợi dụng để gây sự hiểu nhầm chưa thấy xuất hiện ở những bản đồ do chính người Trung Quốc vẽ từ hàng trăm năm trước.

Từ xưa, các triều đại phong kiến Trung Quốc vẫn dùng tên Giao Chỉ cũng như tên An Nam để chỉ quốc gia và cư dân Đại Việt. Trong nhiều văn bản và bi ký, tên Giao Chỉ vẫn còn chỉ nước ta tới hết thế kỷ XIX.

Trên hai trang 11b và 12a trích từ sưu tập bản đồ Võ bị chí (ghi lại cuộc hành trình của Trịnh Hòa trong giai đoạn 1405-1433 đi từ Trung Quốc qua Ấn Độ Dương tới châu Phi) có vẽ nước ta tuy đơn giản nhưng cũng rõ ràng: nước Giao Chỉ, bắc giáp Khâm Châu – Trung Quốc, nam giáp nước Chiêm Thành, đông giáp biển cả mang tên Giao Chỉ dương, tức biển của nước Giao Chỉ. Đây là tư liệu cổ của Trung Hoa khắc vẽ về nước ta và biển cả thuộc về nước ta từ thế kỷ XV.

Đến năm 1842, Ngụy Nguyên – người Trung Hoa xuất bản sách “Hải quốc đồ chí” mô tả và khắc vẽ bản đồ tất cả các nước trên thế giới và toàn thể năm châu bốn bể, theo phương pháp khoa học với kinh tuyến và vĩ tuyến. Trong sách này, Ngụy Nguyên đã vẽ hai bản đồ về Việt Nam. Trong đó, bản đồ thứ nhất vẽ sơ sài, chia nước ta ra hai phần (Việt Nam đông đô và Việt Nam tây đô). Ở ngoài khơi phía đông hai phần Việt Nam, ông ghi rõ là Đông Dương đại hải, tức Biển Đông rất lớn.

Cũng trong tác phẩm “Hải quốc đồ chí”, Ngụy Nguyên còn khắc vẽ bản đồ An Nam quốc với đường nét đúng kinh tuyến và vĩ tuyến rất rộng lớn. Ngoài khơi nước An Nam có ghi rõ Đông Nam hải, tức là biển Đông Nam.

Như vậy, hầu hết bản đồ Trung Hoa vẽ về Việt Nam từ thế kỷ XV hoặc trước nữa cho tới đầu thế kỷ XX đều ghi tên biển cả phía đông Việt Nam là Giao Chỉ dương hay Đông Dương đại hải hoặc Đông Nam hải, đều có nghĩa là biển của Giao Chỉ (tức là Việt Nam) hay đơn giản là Biển Đông (của Việt Nam).

Trường Sa – Hoàng Sa là của Việt Nam, không thể xuyên tạc được

Như vậy, Biển Đông - người Trung Quốc gọi là Giao Chỉ Dương, Đông Dương đại hải hay Đông Nam hải, vì sao lại bị người phương Tây ghi nhầm là biển nam Trung Hoa (hay biển Trung Hoa) để họ có cớ chỉ dựa vào tên gọi mà nói Biển Đông là của Trung Quốc. Nếu theo cách lập luận phi lý của Trung Quốc thì Ấn Độ có thể gọi Ấn Độ Dương là biển của Ấn Độ?

Cách lập luận của Trung Quốc là phi lý. Người phương Tây ghi nhầm biển Nam Trung Hoa là vì sai lầm từ sơ khai. Chúng ta đều biết, năm 1492, Christophe Colomb (người Tây Ban Nha) tin theo bản đồ đương thời (từ thời thượng cổ đến thế kỷ XV, người ta tưởng rằng địa cầu chỉ có 3 châu lục: châu Âu, châu Á và châu Phi), tưởng rằng cho thuyền vượt Đại Tây Dương một hành trình không xa thì sẽ tới Ấn Độ. Nên khi tới tân thế giới (châu Mỹ), ông tin liền đây là Ấn Độ và gọi thổ dân nơi đây là người Ấn Độ (Indien, Indian). Danh xưng sai lầm này tồn tại mãi đến ngày nay.

Gần đồng thời tức cuối thế kỷ XV, nhà hàng hải Bồ Đào Nha Vasco de Gama theo đường biển phía đông vòng qua mũi Hảo Vọng Nam châu Phi tìm đường sang Ấn Độ. Họ chiếm được Goa rồi Malacca. Từ đây họ đi ngược lên để phát hiện đường tới Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản… Họ chiếm lãnh Macau của Trung Hoa và đặt thương điếm lớn nhất tại đó (1557). Đến đâu họ cũng điều tra kinh tế và vẽ bản đồ theo khoa học cho đúng kinh độ và vĩ độ. Bản đồ bán đảo Đông Dương được vẽ đúng với thực tế để đính chính lại phần Đông Nam Á đã vẽ theo tưởng tượng sai lầm ở các bản đồ phổ biến trước đó.

Cũng vào thời ấy, giữa bờ biển nước ta và quần đảo Paracel (gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa), các bản đồ thường ghi là vịnh Giao Chỉ gần Trung Hoa (Golfe de la Cochinchine). Địa danh Cochinchine nguyên là tên hai nước Giao Chỉ (Cochin) và nước Tần (Chine), viết theo Hán tự. Người phương Tây đọc âm hơi khác rồi ghi lại bằng chữ Latinh: Giao Chỉ (Việt Nam) thành Cauchy, Cochi, Cochin; còn Tần ghi là Tsin, Cin, Chine hay China. Nhưng nước Cochin (Giao Chỉ) lại trùng tên một thị trấn Cochin ở Ấn Độ nên người Bồ Đào Nha ghi là Cochinchina (Giao Chỉ gần nước Tần – China) cho dễ phân biệt chứ không phải là Trung Hoa. Cochin là chủ từ, China là túc từ. China thành tên nước Trung Hoa.

Từ năm 1525, nhà hàng hải Bồ Đào Nha Diogo Ribeiro đã phát hiện quần đảo Pracel rất lớn (gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa) nằm ở giữa Biển Đông. Ông xác định quần đảo này thuộc chủ quyền Cochin (Giao Chỉ) nên ghi bờ biển Pracel (Costa de Pracel) ở duyên hải Quảng Ngãi ngày nay.

Đến thế kỷ XIX, người ta mới thấy rõ khối quần đảo Paracel (là những hòn đảo nhỏ nằm rải rác từ Bắc xuống Nam. Ở Bắc gọi là quần đảo Paracel – Hoàng Sa), ở Nam gọi là quần đảo Spratly (Trường Sa). Biển Đông bao quanh quần đảo ấy không còn là biển Cochinchina mà ghi sai nhầm là biển China (China Sea, tức lấy túc từ mà bỏ chủ từ). Đến thế kỷ XX, địa danh biển Trung Hoa trở thành phổ biến!

Tôi có rất nhiều bản đồ như thế. Cái này rất đơn sơ nhưng rất là khó, sau nhiều năm nghiên cứu tường tận mới giải thích một cách cặn kẽ.

Và Trung Quốc đã vin vào cách gọi sai lầm của người phương Tây để cố tình bóp méo sự thật lịch sử?
 
Có lẽ phần nào từ sự sai lầm ấy mà Trung Quốc khẳng định biển Giao Chỉ hay Biển Đông là biển của mình kể cả các quần đảo trong biển ấy nữa. Giữa thế kỷ XX, Trung Hoa Dân Quốc (chính quyền Tưởng Giới Thạch) đã đưa ra “đường lưỡi bò” để đòi quyền làm chủ 80% Biển Đông. Rồi sau đó đến Cộng hòa nhân dân Trung Hoa kéo dài sự hiểu lầm này. Gần nhất là vào năm 2009, họ đã tiếp tục trình lên Liên Hiệp Quốc phần lãnh hải của mình với đường chữ U vô lý, không phù hợp với luật pháp quốc tế. Sự ghi nhầm địa danh gây ra thật nhiều tai hại và sẽ còn phức tạp hơn nếu sự hiểu nhầm ấy còn kéo dài nữa.

Nhưng chúng ta có “An Nam đại quốc họa đồ” (ANĐQHĐ) (1838) do một thừa sai phương Tây là Taberd vẽ, đã khẳng định “Bãi Cát Vàng” (tức Hoàng Sa) là của Việt Nam cùng “Đại Nam nhất thống toàn đồ” (ĐNNTTĐ) (1840) – một bản đồ chính thức của triều Minh Mệnh cũng có khẳng định tương tự?

Có thể nói, tới thời gian xuất bản năm 1838, nước ta chưa từng có một bản đồ lớn rộng và ghi chép khá đầy đủ địa danh như ANĐQHĐ. Đây là một công trình đặc sắc của Taberd. Nhưng xét chung thì đường nét bờ Biển Đông và biên giới phía tây cận kề sông Mê Kông thì ĐNNTTĐ chính xác hơn ANĐQHĐ, tuy ĐNNTTĐ chưa có căn cứ vào kinh tuyến và vĩ tuyến.

Về dạng thức bản đồ, Taberd vẽ theo các bản đồ phương Tây cho đúng kinh tuyến và vĩ tuyến. Nhưng khi ghi địa danh, Taberd sử dụng chính xác tài liệu của Việt Nam. Hầu như ông chỉ phiên âm từ Hán Nôm sang Latinh những bản đồ do Quốc sử quán đương thời cung cấp. Ông cũng ghi thêm địa danh mà người nước ngoài đặt để trước khi biết đến địa danh thực tế của ta. Như ở ngoài khơi Biển Đông gần vĩ tuyến 16 và kinh tuyến 112 có ghi Paracel seu (hay là) Cát Vàng; gần Cửa Tùng có ghi Hòn Cỏ – Tigris insula…

Địa danh của ta thường có hai hình thức: địa danh hành chính và tục danh. Thí dụ: Biên Hòa là địa danh hành chính có tục danh là Đồng Nai; Gia Định có tục danh là Sài Gòn; đảo Lý Sơn có tục danh là Cù lao Ré… Taberd đã ghi những địa danh hành chính cho các trấn và các đơn vị hành chính lớn để tránh sự nhầm lẫn, nhưng đã ghi rất nhiều tục danh nôm na cho gần bàn dân thiên hạ, như: Cái Mơn, Nhà Bè, Lái Thiêu, Hòn Nổi… Đặc biệt với quần đảo giữa Biển Đông có địa danh hành chính là Hoàng Sa (chữ Hán), Taberd đã ghi tục danh là Cát Vàng (Nôm) mà người phương Tây gọi là Paracel. Địa danh Cát Vàng là tiếng Việt chỉ có ở Đại Việt xưa và Việt Nam nay, không thể ở đâu khác. Qua đó chứng tỏ rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, không thể xuyên tạc được.

Mong muốn những tấm bản đồ này được treo trong nhà của mọi người dân

Như vậy, thông qua các bản đồ cổ vẽ Việt Nam và vùng biển của Việt Nam từ các nhà hàng hải Trung Quốc và phương Tây, các giám mục phương Tây đến bản đồ chính thức của các triều đại phong kiến Việt Nam thì chúng ta có cứ liệu lịch sử, khoa học và pháp lý để bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, cố tình gây hiểu sai của giới học giả và chính quyền Trung Quốc?

Đó là điều chắc chắn. Ta thấy trong 4 thế kỷ XVI – XVII – XVIII – XIX, các bản đồ thế giới phương Tây đều ghi vẽ quần đảo Paracel hay Pracel (Hoàng Sa và Trường Sa) ở giữa Biển Đông và bờ biển Paracel (Costa da Paracel) luôn đặt ở bờ biển Quảng Nam – Khánh Hòa. Chúng ta chưa hề thấy một bản đồ thế giới nào ghi bờ biển Paracel là ở nam Trung Hoa, ở Phi Luật Tân hay ở Mã Lai. Bản đồ chính thức của Việt Nam là ĐNNTTĐ hoàn toàn thống nhất với các bản đồ thế giới trong suốt 5 thế kỷ qua, chủ yếu về địa lý Hoàng Sa – Trường Sa.

Cát Vàng là tên gọi chỉ có ở Đại Việt xưa và Việt Nam nay - 2
Bản đồ Việt Nam trong cuốn Từ điển Latinh - Việt Nam của Giám mục Jean Louis Taberd xuất bản năm 1838 vẽ một phần của "Paracel hay Cát Vàng" (Paracel seu Cát Vàng) vào khu vực quần đảo Hoàng Sa hiện nay

Tôi nói thêm điều này, rất quan trọng. Trong các bản đồ cổ đã chứng minh, Giao Chỉ chịu ảnh hưởng văn minh Trung Quốc chỉ đến Đèo Ngang. Còn từ năm 1069 đến 1698, biên giới lãnh thổ của Việt Nam kéo dài thêm từ Đèo Ngang đến tận Đồng bằng sông Cửu Long. Như vậy, từ Đèo Ngang trở lên là ảnh hưởng văn minh Trung Quốc, còn từ Đèo Ngang trở xuống thì ảnh hưởng văn minh Champa và trước Champa là văn minh Sa Huỳnh; xuống nữa là ảnh hưởng văn minh Khmer, trước Khmer là văn minh Phù Nam theo cổ sử.

Trong khi đó, từ Phù Nam, Sa Huỳnh và sau là Champa, Khmer đều chịu ảnh hưởng của Ấn Độ, vừa Ấn Độ giáo vừa Phật giáo cổ. Do đó, Trung Quốc không thể nói là cả nước Việt Nam hoàn toàn ảnh hưởng văn minh Trung Hoa. Quan trọng nhất là Trung Quốc không thể nói Hoàng Sa – Trường Sa là của Trung Quốc bởi vì Việt Nam chỉ ảnh hưởng văn minh Trung Quốc đến Đèo Ngang. Do đó, nếu không nghiên cứu tường tận lịch sử – địa lý của khu vực này thì dễ nhầm lẫn. Nước Việt Nam có vị trí quan trọng trên bản đồ thế giới, là nước không chỉ có Đồng bằng sông Hồng sản xuất lúa gạo đủ ăn mà phải có Đồng bằng sông Cửu Long thì mới thừa ăn… Nghiên cứu địa lý phải đi đến nơi đến chốn như vậy mới hiểu được lịch sử một cách cặn kẽ.

Với những giá trị đặc biệt của các bản đồ cổ nói trên, trong tình hình Biển Đông đang nóng, ông có ước nguyện gì?

Tôi mong muốn những tấm bản đồ này được treo ở các trường học, viện nghiên cứu và rộng hơn nữa là trong nhà người dân… Làm sao để nói được thật nhiều cho dân mình, cho thế giới, cho người Trung Quốc biết những chứng cứ lịch sử có thật, không thể đi ngược lại về chủ quyền biển đảo của Việt Nam ta. Và chính từ sự hiểu biết thật cặn kẽ, vững chắc mới mong tạo được sự thống nhất, sự nhận thức sâu xa trong lòng dân tộc về chủ quyền của mình. Điều đó sẽ tạo nên sức mạnh to lớn để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Xin cảm ơn Giáo sư về cuộc trò chuyện này.
 

GS. Nguyễn Đình Đầu sinh năm 1920 tại Hà Nội, là nhà nghiên cứu nổi tiếng trong lĩnh vực địa lý học – lịch sử Việt Nam. Ông tốt nghiệp Trường Bách nghệ Hà Nội (1939-1941). Năm 1945, ông là Bí thư Bộ Kinh tế trong Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh. Năm 1953, ông tốt nghiệp Cử nhân khoa học – xã hội Đại học Công giáo Paris. Về nước, ông dạy học và viết sách giáo khoa Sử – Địa…Năm 2005, ông được trao giải thưởng Trần Văn Giàu (lần 2) cho cụm tác phẩm “Nghiên cứu địa bạ và ruộng đất triều Nguyễn thuộc Nam Kỳ lục tỉnh” (7 cuốn). Năm 2008, ông dành giải thưởng nghiên cứu do Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh trao tặng. Hiện ông là Ủy viên Hội đồng Khoa học Xã hội TP HCM; Phó chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam – TP HCM; Ủy viên Nhân sĩ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – TP HCM…

 
Theo Thiên Thanh
Petrotimes

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm