Cát tặc và thế lực ngầm

Tại sao phải kiên nhẫn với cát tặc khi bờ sông, bờ biển bị sói lở hàng ngày? Phải chăng vì “kiên nhẫn” nên ông Bí thư tỉnh ủy chưa muốn quy kết trách nhiệm cụ thể cho những cá nhân, tập thể?


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Cát tặc đã, đang và vẫn là một trong những vấn nạn cực kỳ nguy hiểm diễn ra trên khắp cả nước. Nhưng càng tìm cách xử lý thì hình như thực trạng khai thác cát trái phép càng nhức nhối. Kỳ họp HĐND tỉnh Thanh Hóa vừa qua cho thấy phần nào thực trạng ảm đạm này.

Hiện trạng khai thác cát không phép một cách rầm rộ ở một số dòng sông, cửa biển gây sạt lở nghiêm trọng bờ sông, bờ biển, thậm chí nguy cơ tiềm ẩn mất cả bãi biển Sầm Sơn. Thực trạng là vậy, nhưng cơ quan chức năng ở Thanh Hóa vẫn đang loay hoay đối phó.

Trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh Thanh Hóa, Giám đốc Sở TNMT Đào Trọng Quy khẳng định: “Có một thế lực ngầm điều hành các tàu không biển số khai thác cát”. Chắc chắn, thực trạng khai thác cát nhức nhối này không thể giấu được dư luận, nhưng điều cần chỉ ra, lẽ nào lãnh đạo Sở TNMT chỉ có thể nói “thế lực ngầm điều hành…”?

Phải chăng để trốn tránh trách nhiệm, ông Giám đốc sở mới nói một cách chung chung: “Có lợi ích nhóm ở đây” và đó là “các đối tượng cá biệt trong xã hội”?

Vậy thế lực ngầm, lợi ích nhóm này lớn tới mức nào mà có thể ngang nhiên lộng hành như vậy?

Không đồng tình với cách trả lời như vậy, ông Trịnh Văn Chiến - Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hoá cho rằng, cách trả lời này không khác gì “ngứa lưng lại đi gãi bụng”. Đồng thời ông Chiến cũng chỉ đạo: “phải quy trách nhiệm cụ thể cho từng ngành, từng cấp, từng cá nhân, ai chịu trách nhiệm chính…”

Vậy những ai phải chịu trách nhiệm chính trước nạn cát tặc này?

Ngoài trách nhiệm không thể chối cãi của chính quyền cấp xã, huyện, trong phạm vi bài này chúng tôi muốn đề cập đến vai trò, trách nhiệm của các sở, ngành và lãnh đạo tỉnh.

Nếu nói như ông Giám đốc sở TNMT: “Có lợi ích nhóm ở đây”- đây là điều mà ai cũng biết từ lâu, nên trả lời kiểu ấy cũng chẳng có thông tin gì.

Điều dư luận cần biết là, ai phải chịu trách nhiệm chính trước thực trạng này, vậy vì sao ông lại né tránh? Cát tặng lộng hành dài dài, gây thiệt hại trước mắt và cả trong tương lai như vậy mà không quy được trách nhiệm cho ai thì rất lạ. Lẽ nào để cho những tàu không số khổng lồ và những đối tượng “cá biệt trong xã hội” hút cát ầm ầm như vậy mà chưa có ai phải chịu trách nhiệm ư? Không thể tin nổi.

Tại kỳ họp này, Bí thư tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến cho rằng: “Đã đến lúc không thể kiên nhẫn thêm, không thể chịu đựng được nữa với nạn cát tặc, đồng thời phải quy trách nhiệm cụ thể cho từng ngành, từng cấp, từng cá nhân, ai chịu trách nhiệm chính, về việc gì, chứ cứ không biết anh chịu trách là không được.”

Sự chỉ đạo của ông Chiến rõ ràng hơn nhiều so với cách trả lời chung chung của ông giám đốc sở TNMT. Tuy nhiên, dư luận vẫn muốn hỏi ông Bí thư: Tại sao phải kiên nhẫn với cát tặc khi bờ sông, bờ biển bị gặm lở hàng ngày? Phải chăng vì “kiên nhẫn” nên ông Bí thư chưa muốn quy kết trách nhiệm cụ thể cho những cá nhân, tập thể?

Dư luận hy vọng rằng, với thẩm quyền của mình, ông Chiến sớm yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật quyết liệt trong điều tra, không né tránh nhằm làm rõ những nhóm lợi ích và những thế lực ngầm này.

Vương Hà