Cảnh giác với nạn bói dạo đầu năm

Những ngày đầu năm Mậu Tuất, tranh thủ thời điểm người dân đi vui xuân, những thầy bói dạo và điểm bói toán lại xuất hiện ở nhiều nơi. Địa điểm mà các thầy bói hành nghề đông nhất thường là cổng đền, chùa, các điểm vui chơi…


Xem bói là cảnh thường thấy ở các đền, chùa và địa điểm tổ chức lễ hội trong dịp đầu xuân mới. Ảnh: LÂM SƠN

Xem bói là cảnh thường thấy ở các đền, chùa và địa điểm tổ chức lễ hội trong dịp đầu xuân mới. Ảnh: LÂM SƠN

Những người này thường mang theo túi xách đựng hai bộ bài tây, hai cái đĩa nhựa, dăm bảy đồng tiền xu, vài bó nhang ngắn, vài cuốn sách để xem tử vi, tướng số... Họ len lỏi khắp nơi, nắm bắt tâm lý đầu năm mới, nhiều người muốn biết hậu vận, tương lai, thầy bói bày ra đủ chiêu thức bói toán kiểu mới, nào coi chân tóc, coi độ nông sâu, dáng hình lỗ mũi, lông mày, mí mắt... để đoán tương lai (!); nhiều "thầy" còn coi “trọn gói”, chỉ cần cung cấp tên, tuổi, ngày tháng năm sinh, ngay lập tức “thầy" có sẵn tờ “sớ táo quân”, nhìn nét mặt mà phán "trên trời dưới đất" để lừa gạt những người nhẹ dạ cả tin. Việc hành nghề bói toán như trên không chỉ ảnh hưởng đến nếp suy nghĩ, lối sống văn hóa lành mạnh của người dân mà còn gieo rắc mê tín dị đoan. Không ít người chỉ vì quá tin lời phán của các thầy bói mà tốn kém tiền bạc, thậm chí gia đình lục đục, bất hòa…

Để ngăn chặn nạn bói dạo, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác với các đối tượng lừa gạt này khi chúng gạ gẫm mời chào, đồng thời tố giác kẻ gian lợi dụng mê hoặc để chiếm đoạt tài sản, kiếm lợi bất chính; các lực lượng chức năng cần phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý những đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật .

Theo ĐỖ THÔNG

Báo Quân đội nhân dân