Căng mình nhưng vẫn lọt
Câu hỏi đặt ra là, tại sao hàng nghìn chốt kiểm soát với hàng vạn cán bộ chiến sỹ biên phòng ngày đêm bám biên cả phía bắc phía nam mà người lạ vẫn lọt vào? Có phải chúng ta đã lơi lỏng?
Để tránh những trường hợp nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, có lẽ bộ đội biên phòng của chúng ta cần phải áp dụng các biện pháp nghiệp vụ cao hơn nữa và giáo dục nhân dân luôn luôn cảnh giác với nguồn bệnh từ nước ngoài xâm nhập.
Những ngày qua báo chí dồn dập phát hiện các vụ người Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam, vào đến tận Quảng Nam Đà Nẵng, Sài Gòn. Nhưng nếu nhìn bức tranh toàn cảnh, việc người Trung Quốc nhập lậu chỉ là một phần trong dòng người nhập cảnh trái phép.
Theo con số mà Bộ đội Biên phòng đưa ra tại cuộc họp của Bộ Quốc phòng hôm 29/7, tình hình xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới diễn biến phức tạp. Từ ngày 2/2 đến ngày 25/7, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý hơn 15.200 người nhập cảnh trái phép, tập trung trên tuyến biên giới Việt - Trung, nổi lên là địa bàn các tỉnh: Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai. Trong tháng 6 và tháng 7, các đơn vị đã phát hiện thủ đoạn mới của đối tượng là trốn trên phương tiện vận tải hàng hóa.
Những người nhập cảnh trái phép này phần lớn là người Việt sang Trung Quốc, sang Campuchia làm ăn rồi trở về. Người bị phát hiện đều được đưa vào các khu cách ly tập trung. Nhưng câu hỏi đặt ra là, tại sao hàng nghìn chốt kiểm soát với hàng vạn cán bộ chiến sỹ biên phòng ngày đêm bám biên cả phía bắc phía nam mà người lạ vẫn lọt vào? Có phải chúng ta đã lơi lỏng?
Tôi nhớ lại câu chuyện ở quê mình mấy chục năm về trước. Có một dạo xuất hiện nhiều người ăn xin ở quê tôi – một tỉnh đồng bằng Bắc Bộ cách Hà Nội có mấy chục cây số. Họ vào làng tìm đến các giếng nước và bỏ chất bột gì đó xuống giếng, có giếng xuất hiện cá chết. Dân quê tôi lập những chốt bảo vệ, thấy người trong bộ dạng ăn mày xuất hiện, là kiểm tra, nếu đúng là ăn mày thật thì mới cho vào làng. Một thời gian sau những người lạ không còn xuất hiện nữa. Mà một điều đặc biệt là mọi người dân trong làng đều được tuyên truyền và họ cùng tham gia ngăn chặn người có dấu hiệu đáng ngờ để bảo vệ an toàn cho làng mình.
Cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Cửa khẩu Trà Lĩnh đưa những người nhập cảnh trái phép về nơi cách ly. Ảnh: Baocaobang
Nếu người dân được huy động như vậy để bảo vệ cộng đồng, làng xóm, xã hội thì tốt quá. Nhưng đã xuất hiện những đường dây, đối tượng cả trong và ngoài biên môi giới, đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Đến giờ đã có 13 vụ và 31 đối tượng môi giới, tổ chức xuất nhập cảnh trái phép bị xử lý, khởi tố. Không có sự tiếp tay từ bên trong, từ những người môi giới trên mạng xã hội, qua ứng dụng điện thoại, đến người vận chuyển dẫn đường, những chủ nhà nghỉ khách sạn tiếp tay che giấu người nhập cảnh, thì sao họ có thể vào tận sâu trong nội địa như thế.
Thủ tướng đã nói, người nhập cảnh trái phép phải bị coi là người nghi nhiễm. Nhưng chủ trương này có lẽ chưa được tuyên truyền đến tận từng người dân, để họ hiểu nguy cơ với cộng đồng đáng đặt lên trên hết những khoản lợi nhuận ít ỏi họ kiếm được.
Lực lượng biên phòng, từ đầu dịch, phải nói là đã căng mình ra cùng cả nước chống Covid-19. Trong một lần tôi phỏng vấn thiếu tướng Nguyễn Văn Tín - Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông cho biết: "Bộ đội của chúng ta, đặc biệt là lực lượng biên phòng, đã vào cuộc sớm, đã chốt chặn những đường mòn lối mở trên khắp các tuyến biên giới từ Bắc vào Nam, cả những tuyến đường biển cũng quản lí chặt.
Rất nhiều những câu chuyện cảm động đến ứa nước mắt về những người chiến sỹ phải canh giữ biên cương mà bố mẹ mất không dám về chịu tang, vợ sinh con không dám bỏ chốt về động viên, con ốm không được về chăm sóc. Họ tình nguyện ăn mỳ tôm, ngủ rừng, không điện không nước, sống những ngày dài nơi rừng xanh núi đỏ, để bảo vệ sức khỏe cho nhân dân từ xa, giữ trật tự xã hội được ổn định, và bình yên trong mỗi ngôi nhà, mỗi khu dân cư, mỗi địa phương tỉnh, huyện".
Với những thành tích đóng góp lớn lao và uy tín của lực lượng bộ đội biên phòng, mới đây Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Điều đó đủ để thấy rằng Đảng và Nhà nước đã tin tưởng bộ đội biên phòng ở mức độ cao thế nào.
Nhưng những thông tin người nhập cảnh từ Trung Quốc vào đến Đà Nẵng, Quảng Nam, cùng lúc việc Đà Nẵng là địa phương đầu tiên tái bùng phát dịch Covid-19 trong cộng đồng, lại làm nảy sinh vô vàn lo ngại. Người dân đặt lòng tin vào các lực lượng bảo vệ biên giới - nơi cửa ngõ đầu tiên chặn dịch, cửa ngõ đầu tiên mà được canh giữ tốt, người dân sẽ thêm vững dạ.
Mặt khác, dường như việc tố giác người nhập cảnh trái phép của người dân ta chưa được cao, đơn giản là họ chưa được cơ quan chức năng nào hướng dẫn hay phát động để người dân hiểu được. Và có lẽ là chúng ta chưa huy động tới, đó là lực lượng nhân dân trong công tác ngăn chặn người nhập cư trái phép vào nước ta, thế mới có những trướng hợp đáng tiếc ở Quảng Ninh là nhà xe làm dịch vụ trốn cách li cho người Trung Quốc để dẫn đến phải bị truy tố, hay những vụ giệc giúp người trốn chốt kiểm soát biên phòng ở Lạng Sơn với giá 250 nghìn đồng.
Cuộc chiến chống Covid-19 ở nước ta và trên toàn thế giới chưa nhìn thấy được hổi kết. Các lực lượng kiểm soát biên giới còn phải căng mình ra trong thời gian dài nữa. Để cuộc chiến có hiệu quả hơn, có lẽ chúng ta cần phải áp dụng các biện pháp nghiệp vụ cao hơn nữa và giáo dục nhân dân luôn luôn cảnh giác với nguồn bệnh từ nước ngoài xâm nhập vào. Nếu đơn giản là phó thác hết cả tuyến biên giới cho lực lương biên phòng, nếu nhân dân không đồng hành làm tai mắt để bảo vệ biên cương, thì bộ đội biên phòng có lập bao nhiêu chốt cũng vẫn rất dễ lọt vào những mầm bệnh sống.