Vụ án xử Phó thống đốc Đặng Thanh Bình:

Cần xử nghiêm trách nhiệm các đoàn thanh tra, kiểm toán

(Dân trí) - Với quyền hạn không hạn chế của tổ giám sát thì các bị cáo có thể tìm ra đường đi của các khoản tiền có đúng pháp luật không.Nhưng họ vẫn không phát hiện ra vì cái gì?

Bước vào phần tranh luận sáng 27.6, đại diện VKSND TP. HCM đã đọc phần luận tội tại phiên tòa xét xử bị cáo Đặng Thanh Bình - nguyên phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các đồng phạm. Theo đó, bị cáo Đặng Thanh Bình bị đề nghị mức án từ 4- 5 năm tù. Các bị cáo khác ở tổ giám sát của NHNN tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) với các mức án nhẹ hơn so với ông Bình.

Dù các bị cáo luôn cho rằng mình bị kết tội oan, rằng chỉ chưa làm tròn trách nhiệm hoặc thiếu quyết liệt, nhưng vị đại diện VKS vẫn khẳng định, các bị cáo bị kết tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là có căn cứ.

Theo vị công tố tại phiên tòa, hành vi của bị cáo Đặng Thanh Bình và các bị cáo khác, là nguyên nhân dẫn đến đổ vỡ phương án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín, để Phạm Công Danh có điều kiện thực hiện tội phạm, gây thiệt hại cho VNCB trên 15.000 tỉ đồng; làm ảnh hưởng xấu đến hoạt động tài chính,tín dụng quốc gia.

Vị đại diện VKS nêu rõ, nếu các bị cáo làm hết trách nhiệm, tiền của VNCB không thể bị Phạm Công Danh sử dụng sai. Đặc biệt, vị công tố nhấn mạnh: Với quyền hạn không hạn chế của tổ giám sát thì các bị cáo có thể tìm ra đường đi của các khoản tiền có đúng pháp luật không.

Tới đây, tội danh của các bị cáo có đúng hay không và ở mức độ nào sẽ được HĐXX làm rõ và kết luận.

Nhưng, việc vụ án đưa những người chịu trách nhiệm giám sát vào vòng tố tụng là điều được dư luận ủng hộ. Bởi lẽ, vụ án này có tác dụng cảnh báo cho những đoàn giám sát, thanh kiểm tra, kiểm toán không được phép “nhân nhượng”, “thông cảm” với các đơn vị được thanh kiểm tra.

Chúng tôi đề cập đến vấn đề này bởi, trước đây dư luận thường bức xúc, đặt câu hỏi về trách nhiệm của các đoàn thanh kiểm tra ở các đơn vị xảy ra những vụ án nghiêm trọng.

Tất cả các vụ án “đình đám” đều từng có rất nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trước khi xảy ra vụ án. Vậy nhưng, hầu hết các thành viên của các đoàn này không phải chịu trách nhiệm hình sự. Đó là điều khiến dư luận băn khoăn: Liệu có bỏ lọt tội phạm?

Ai cũng biết rằng, nếu các đoàn thanh kiểm tra, kiểm toán sớm đưa ra những kết luận, kiến nghị xử lý chính xác, kịp thời với những sai phạm của các doanh nghiệp, sẽ có khả năng ngăn ngừa tốt những vụ án nghiêm trọng, rất nghiêm trọng.

Chẳng hạn, cho đến nay, ai cũng biết hậu quả vụ án ở tập đoàn Vinashin lớn tới mức nào. Hàng nghìn tỉ đồng đã thất thoát, hàng loạt cán bộ chủ chốt của tập đoàn vướng vào vòng lao lý. Thậm chí cho đến nay, nhiều hệ lụy của nó vẫn đang tiếp diễn, là gánh nặng cho nền kinh tế. Nhưng, cả thời gian dài diễn ra sai phạm, có tới trên 10 đoàn thanh tra, kiểm toán đã đến đơn vị này nhưng không phát hiện ra những sai phạm trầm trọng, nhiều khi rất dễ thấy. Thí dụ, việc nâng vống số tiền mua tàu Hoa Sen lên nhiều lần, hậu quả, khi vụ án bị khởi tố, qua giám định việc mua con tàu này gây thiệt hại cho Vinashin gần 470 tỷ đồng. Đến nay, nó vẫn là gánh nặng cho Tcty Vinalines – đơn vị tiếp quản con tàu này.

Vậy nhưng, trước khi vụ án xảy ra, các đoàn thanh tra, kiểm toán vào Vinashin vẫn không phát hiện ra. Vậy trách nhiệm của họ như thế nào? Câu hỏi này đã từng được đại biểu chất vấn ở diễn đàn QH khi hầu hết các đoàn thanh kiểm tra, kiểm toán này vẫn chưa bị xử lý thích đáng với trách nhiệm và quyền hạn của mình.

Cũng cần nói rõ, kiểm toán tập đoàn Vinashin không phải là kiểm toán Nhà nước mà là các Cty kiểm toán độc lập do chính Vianshin thuê. Là người từng đọc những kết luận kiểm toán độc lập, tôi thấy không ít kết luận, kiến nghị đưa ra cốt làm vừa lòng … chủ doanh nghiệp. Khi tôi hỏi những khúc mắc, những cán bộ kiểm toán này đổ lỗi: Chúng tôi chỉ kiểm toán và chịu trách nhiệm về những hồ sơ do cơ sở cung cấp. Phải chăng, đó là cách chối tội một cách đơn giản, hiệu quả nhất và các cơ quan chức năng cũng dễ có lý do … “tha bổng”?

Do đó, để hạn chế tối đa các vụ án gây thất thoát lớn ngân sách, dư luận mong muốn và đòi hỏi các cơ quan chức năng cần truy cứu trách nhiệm những thành viên đoàn thanh kiểm tra, kiểm toán thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Vương Hà

Nguồn tham khảo:

http://dantri.com.vn/xa-hoi/bo-lot-vinalines-khong-doan-thanh-tra-kiem-toan-nao-chiu-trach-nhiem-1382908508.htm

http://dantri.com.vn/blog/bo-lot-tham-nhung-thanh-tra-khong-the-vo-can-1359456861.htm

http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/tai-sao-kiem-toan-khong-phat-hien-sai-pham-vinashin-vinalines-239415.html