Cần xử nghiêm hành vi phá hoại nông sản, vật nuôi của nông dân

Thời gian qua, đã có không ít vụ phá hoại nông sản xảy ra, từ việc đầu độc đàn vật nuôi cho đến chặt hạ cây trồng. Đây là một hành động rất đáng lên án.

Ngày 4/4, vườn nhãn gần 100 gốc của gia đình ông Nguyễn Văn Mùi, ở thôn Cao Xá, phường Lam Sơn, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên chỉ trong một đêm đã bị kẻ gian chặt phá gần hết. Vụ phá hoạt gây thiệt hại kinh tế hơn 100 triệu đồng. Ít năm trở lại đây, những sự việc phá hoại tương tự là không hiếm, như việc đàn vịt 1.200 con của một lão nông bị kẻ gian đầu độc chết ở Tây Sơn, Bình Định tháng 5/2018; cuối năm 2018, nóng lên tình trạng phá hoại cây cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên; hay trang trại chanh leo 2.000 gốc ở Gia Lai bị kẻ xấu cắt gốc hồi tháng 3/2019 gây thiệt hại nửa tỷ đồng cho gia chủ... Và rất nhiều vụ việc tương tự đáng tiếc khác đã xảy ra.

Cần xử nghiêm hành vi phá hoại nông sản, vật nuôi của nông dân - 1

Trang trại chanh leo 2.000 gốc ở Gia Lai bị kẻ xấu cắt gốc hồi tháng 3/2019 gây thiệt hại nửa tỷ đồng. Ảnh:Tiền Lê

 

Có một thực tế, sau mỗi sự việc xảy ra, khổ chủ đều có đơn cầu cứu đến cơ quan chức năng, tuy nhiên số vụ phá hoại được làm rõ có vẻ còn khiêm tốn. Dù các cơ quan chức năng khẳng định vẫn đang dốc sức điều tra, xác minh làm rõ, truy tìm kẻ gian, nhưng các vụ việc hầu như đều đang “giậm chân tại chỗ”.... Cực chẳng đã, có trường hợp người nông dân đã phải tự mình treo thưởng để tìm ra thủ phạm...

Và hiện vấn nạn phá hoại trên vẫn đang hàng ngày, hàng giờ diễn ra, khiến người nông dân luôn trong tâm thế bất an với những trang trại cây trồng, vật nuôi của mình. Họ làm việc chăm chỉ cả năm trời, nuôi bao hy vọng vào ngày thu hoạch để thay đổi cuộc sống, nhưng song song với đó là sự lo lắng phải trắng tay, bại sản kiểu “đánh bạc với trời” nếu không may bị kẻ xấu phá hoại.

Cần xử nghiêm hành vi phá hoại nông sản, vật nuôi của nông dân - 2

Cảnh vườn nhãn ở Hưng Yên bị chặt hạ đầu tháng 4/2019. Ảnh: Minh Sơn

 

Đã đến lúc luật pháp cần có chế tài xử lý mạnh tay với hành vi hủy hoại nông sản của nông dân, bởi ngoài việc gây thiệt hại kinh tế cho người khác, hành vi trên đang gây hoang mang dư luận, gây mất ổn định tình hình an ninh trật tự, đặc biệt ở các vùng nông thôn. Tưởng chuyện nhỏ nhưng thực tế lại là vấn đề không nhỏ...

Về việc một số vụ việc hủy hoại tài sản cây trồng, vật nuôi của nông dân xảy nhưng chưa được làm rõ, theo Trung tá Hà Thị Hồng Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm và điều tra tội phạm học (Học viện Cảnh sát Nhân dân, Bộ Công an) cho rằng, đây là các dạng vụ việc với nhiều diễn biến, tình tiết rất phức tạp, xảy ra chủ yếu ở các địa bàn thưa dân cư, thiếu cơ sở củng cố nhân chứng, gây khó khăn cho cơ quan điều tra trong việc truy tìm kẻ gây án. Bên cạnh đó, đối với những trường hợp thiệt hại định giá tài sản dưới khung xử lý hình sự cũng gây không ít khó khăn cho cơ quan Công an khi thành lập các chuyên án. Mặt khác, ở các vùng nông thôn, liên quan đến việc chặt phá cây, đầu độc đàn gia súc, gia cầm thì cũng có thể liên quan đến việc trả thù lẫn nhau của người dân, cạnh tranh không lành mạnh chứ không hoàn toàn phải là mục đích chiếm đoạt tài sản. Chính vì vậy, “muốn tìm ra thủ phạm phải xác định được rõ nguyên nhân của vụ việc là cái gì, hiểu được các mối quan hệ đời sống cũng như quan hệ làm ăn của gia đình bị phá hoại với các đối tượng có liên quan. Đây là nguyên nhân cơ bản” – Trung tá Lan nhận định.

Thiết nghĩ, cơ quan chức năng nên có một sự bố trí, tổ chức lực lượng, xây dựng chuyên án để điều tra khám phá, xử lý triệt để vấn đề. Vụ việc được làm rõ cần xử lí nghiêm đối tượng vi phạm để làm gương, vừa mang tính giáo dục chung, không để tiền lệ xấu là tâm lý coi thường pháp luật có dấu hiệu manh nha trong một bộ phận người trình độ nhận thức kém; đồng thời, góp phần củng cố sự tôn nghiêm, thượng tôn luật pháp, trấn an tâm lý hoang mang trong nhân dân, củng cố lòng tin của nhân dân vào các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Cần xử nghiêm hành vi phá hoại nông sản, vật nuôi của nông dân - 3

Luật sư Khương Tân Phương, Trưởng văn phòng luật sư Thuận Nam (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội). Ảnh: QC

 

Theo Luật sư Khương Tân Phương, Trưởng Văn phòng luật sư Thuận Nam (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội), hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản được quy định trong Bộ luật Hình sự hiện hành gồm hai hành vi phạm tội độc lập. Theo đó, người phạm tội có hành vi tác động vào tài sản thuộc sở hữu của người khác, làm cho tài sản đó bị mất giá trị sử dụng (hủy hoại tài sản) hoặc làm giảm đáng kể giá trị sử dụng của tài sản (làm hư hỏng tài sản) với giá trị thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc các trường hợp được Luật Hình sự quy định về “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” tại Điều 178 của Bộ luật Hình sự 2015. Như vậy, hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác sẽ tuỳ thuộc vào tính chất và mức độ phạm tội của người thực hiện và sẽ có hình phạt tương ứng với hành vi phạm tội đó.

Điều 178: Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

4. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Theo Trần Quang Chiến

Báo Lao động