Cần trang bị camera giám sát trong trường học
Camera không hề xa lạ ở thời đại 4.0. Trong các công sở, lắp camera ngoài việc giám sát còn có mục đích kiểm soát an ninh, khi cần thiết sẽ trích xuất dữ liệu lưu trữ để phục vụ công tác điều tra, đối chứng. Tại nhiều gia đình, chiếc camera giúp chủ nhân của nó có thể giám sát từ xa những hoạt động trong tầm quản lý của mình (quản lý con cái, người giúp việc, an ninh an toàn tài sản…). Với trường học, việc lắp camera lại càng cần thiết hơn bao giờ hết.
Sự cần thiết của Camera trường học
Thời gian gần đây, rất nhiều vụ việc lùm xùm trong trường học được dư luận hết sức quan tâm. Nào là bạo lực học đường, xâm hại tình dục đối với học sinh. Nào là phụ huynh có hành vi xúc phạm, gây thương tích cho giáo viên. Rồi học sinh đánh nhau, người lạ vào trường, và gần đây là một số vụ ngộ độc thực phẩm, thực phẩm không an toàn… gây bức xúc trong dư luận. Sau mỗi vụ việc, cơ quan chức năng tiến hành điều tra qua việc lấy lời khai của nhân chứng hoặc giải trình của các bên có liên quan, sẽ phải điều tra rất vất vả bằng các biện pháp nghiệp vụ. Nếu có hỗ trợ của hệ thống camera thì sự việc sẽ đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện hơn nhiều.
Trong trường học, việc lắp đặt camera giám sát giúp giáo viên và học sinh tự điều chỉnh hành vi của mình, xử lý kịp thời, chính xác các vi phạm trong giáo dục và là nguồn chứng cứ quan trọng để cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, kết luận khi có sự vụ xảy ra. Camera giúp người quản lý giáo dục quan sát được diễn biến trong lớp học, phần thực hiện ý thức của học trò, việc chấp hành quy chế chuyên môn của người thầy mà không phải mất thời gian đi trực tiếp từng lớp. (Thậm chí đi họp cũng vẫn quản lý được giáo viên và học sinh). Không những thế, nếu phụ huynh có nhu cầu tích hợp vào điện thoại cá nhân, lúc này camera sẽ giúp họ yên tâm hơn vì có thể biết được việc học tập, sinh hoạt của con mình ở trường. (Đặc biệt trong trường mầm non).
Khi hệ thống camera được đưa vào lớp học, giáo viên sẽ phải tự kiềm chế bản thân hơn, hạn chế tối đa chuyện xâm hại học trò, bạo lực học đường. Nhiều khi giáo viên có những “nỗi oan biết tỏ cùng ai” do phụ huynh nghe “một phía” từ con trẻ, đã đến trường có lời lẽ khó nghe, thì dữ liệu lưu trữ trong camera sẽ “minh oan” cho các thầy cô. Có thể nói việc lắp camera trong trường học đã góp phần đảm bảo an toàn cho học sinh, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi thiếu chuẩn mực của giáo viên, đồng thời đảm bảo niềm tin của phụ huynh đối với nhà trường...
Những khó khăn khi triển khai camera trong trường học
Lợi ích là vậy, nhưng việc triển khai lắp camera trong trường học vì sao vẫn chưa được thưc hiện rộng rãi?
Thực tế, có nhiều trường do kinh phí có hạn nên chỉ lắp một số vị trí bảo vệ cần thiết, dẫn đến có hiện tượng bảo mẫu bạo hành trẻ em, mang ra góc khuất camera để thực hiện, và camera lúc này không phát huy được tác dụng. Như vậy, muốn hệ thống camera phát huy hiệu quả trong trường học, phải lắp đồng bộ ở nhiều góc. Mà kinh phí để lắp cả hệ thống trong một trường học lên đến một vài trăm triệu, nếu chỉ dùng nguồn ngân sách cấp cho “chi khác” của nhà trường, sẽ không còn kinh phí để tổ chức các hoạt động. Lúc này, nếu muốn lắp camera, phải dùng hình thức xã hội hoá. Nhưng theo Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT ngày 03 tháng 8 năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạọ quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục, thì rất chặt chẽ. Nếu thủ tục cho tặng rườm rà như thế, sẽ rất ít doanh nghiệp, cá nhân nào bỏ ra cả trăm triệu để ủng hộ nhà trường. Mà vận động phụ huynh đóng góp theo hình thức xã hội hoá để lắp camera thì “mỗi người mỗi ý” sẽ rất khó khăn, đặc biệt các vùng nông thôn, miền núi. Chắc chỉ có thể triển khai ở các đô thị, mà cũng chỉ có phụ huynh mầm non là mặn mà.
Giải pháp nào
Với những khó khăn nêu trên, việc lắp camera có vẻ không mấy suôn sẻ. Nếu như kinh phí lắp đặt được ngân sách nhà nước đảm bảo thì rất thuận lợi. Nhưng trong điều kiện cắt giảm đầu tư công, chi phí ngân sách hàng năm đều được kêu gọi tiết kiệm chi tiêu, thì việc lấy tiền ngân sách lắp đặt là rất khó.
Nhưng cái khó sẽ ló cái khôn.
Nếu các trường tại những địa phương có khó khăn về kinh phí thì có thể dùng hình thức xã hội hóa bằng cách vận động sự đóng góp của phụ huynh học sinh (theo từng lớp). Nhưng vẫn phải theo đúng quy định của Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT ngày 03 tháng 8 năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạọ quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục: Không ép buộc, không bổ đầu hoặc bình quân cào bằng mà hoàn toàn tự nguyện, tuỳ theo khả năng của mình mà từng phụ huynh có mức hỗ trợ hợp lý.
Có một cách nữa là có thể vận động sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân khác tài trợ cho việc lắp đặt camera trong nhà trường. Việc này đòi hỏi các mạnh thường quân phải có tiềm lực kinh tế vững vàng và thật sự có tâm với giáo dục.
Cũng có đơn vị đầu tư chấp nhận lắp đặt theo phương thức trả góp hàng tháng trong vòng 2 hoặc 3 năm. Sau khi thanh toán hết vốn đầu tư, thì CSVC của hệ thống camera thuộc về nhà trường. Như vậy nhà trường có thể tìm nguồn để trả dần cho doanh nghiệp.
Còn một cách làm khác, đó là có thể miễn phí lắp đặt và cho phép khai thác từ tiền của phụ huynh sử dụng hàng tháng như kiểu thuê bao trả trước điện thoại. Doanh nghiệp sẽ đầu tư toàn bộ hệ thống miễn phí, sau đó khai thác thu hồi vốn bằng cách nhờ nhà trường cho phụ huynh đăng ký quyền được xem hình ảnh cảu con mình qua điện thoại thông minh. (Cách làm này có thể áp dụng ở các trường mầm non hoặc các trường tư thục là chủ yếu).
Camera trong trường học có nhiều lợi ích là thế. Lãnh đạo thì quản lý được từ xa; phụ huynh sẽ yên tâm biết được con em mình ra sao khi ở lớp ở trường; giáo viên và học sinh sẽ tự điều chỉnh hành vi của mình cho chuẩn hơn (đó cũng là góp phần vào xây dựng trường học thân thiện). Doanh nghiệp tạo thêm công ăn việc làm cho công nhân. Và quan trọng là dữ liệu trích xuất từ camera là những chứng cứ biết nói, giúp ích nhiều cho các nhà quản lý. Với những lợi ích từ camera trường học mang lại, chắc chắn các đơn vị sẽ tự biết cách tháo gỡ khó khăn để chiếc camera sớm xuất hiện trong lớp học. Có như thế chúng ta mới áp dụng công nghệ của thời đại 4.0 vào công tác quản lý giáo dục, góp phần không nhỏ vào công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đang được triển khai.
Diễm Nguyệt