Cần thận trọng khi "khai tử" một ngôi trường

Ngôi trường là tài sản, công sức, trí tuệ của nhà nước và nhân dân, tạo điều kiện cho con em đi học an toàn, thuận lợi. Do đó, cần hết sức thận trọng khi quyết định giải thể, xóa sổ trường học.

Thời gian gần đây, dư luận Hà Tĩnh xôn xao về việc phụ huynh trường THPT Cù Huy Cận kéo nhau vào tỉnh kiến nghị không giải thể nhà trường. Mặc dù Hà Tĩnh cho phép trường tuyển sinh năm học 2020-2021, nhưng khả năng "khai tử" trường chưa bị loại trừ. 

Cần thận trọng khi khai tử một ngôi trường - 1
Trường THPT Cù Huy Cận (huyện Vũ Quang - Hà Tĩnh). Ảnh: Trần Tuấn.

Được biết, ngôi trường THPT công lập vinh dự mang tên nhà thơ, nhà văn hóa lớn của dân tộc và quê hương Hà Tĩnh được thành lập năm 2010, trên diện tích 30.500m2, kinh phí đầu tư 60 tỉ đồng. Ngôi trường này đã có lịch sử 10 năm, với quy mô từ 17-19 lớp, chất lượng vào top đầu của tỉnh.

Với sự ra đời của ngôi trường, huyện biên giới Vũ Quang có trường THPT thứ hai, hàng nghìn con em các xã miền núi thuận lợi hơn rất nhiều trong việc đi học, rút ngắn quãng đường từ 10-20km.

Thực hiện Đề án của tỉnh, trường sẽ bị sáp nhập, giải thể vào năm học 2021-2022. Lý do mà tỉnh Hà Tĩnh đưa ra là do trường có quy mô nhỏ, việc sáp nhập để “nâng cao chất lượng giáo dục”.

Việc sáp nhập, giải thể trường gây bức xúc cho nhiều phụ huynh, lãnh đạo các xã thuộc địa bàn trường tuyển sinh và lãnh đạo huyện Vũ Quang. Ai cũng thấy nuối tiếc cho một ngôi trường khang trang, bề thế, có chất lượng giáo dục tốt, tạo thuận lợi cho con em các xã vùng miền núi đi học.

Việc sáp nhập trường đồng nghĩa với việc hàng trăm, hàng nghìn học sinh phải đi học xa với quãng đường lên tới 10-20km, trong điều kiện thời tiết, thiên tai khắc nghiệt, nguy hiểm.

Sáp nhập trường là một chủ trương đúng, tuy nhiên chỉ phù hợp với các vùng đồng bằng, đô thị, khi các xã, phường có diện tích hẹp, học sinh đi học không quá xa.

Đối với địa bàn miền núi, biên giới, diện tích các xã rất lớn, việc sáp nhập trường liên xã sẽ gây khó khăn cho học sinh đi học quá xa, vất vả và nguy hiểm.

Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25.10. 2017 của BCH trung ương Đảng khóa XII nêu rõ: “Đối với giáo dục mầm non, phổ thông: Sắp xếp, tổ chức lại gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành trường phổ thông nhiều cấp học phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của mỗi địa phương, địa bàn cụ thể”.

Nghị quyết số 96/2018 ngày 18.7.2018 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh cũng nêu “Sắp xếp các trường học theo hướng thành lập các trường liên cấp, trường liên xã đảm bảo thuận lợi cho người học”.

Giáo dục là một dịch vụ công đặc biệt, được tạo ra nhằm phục vụ, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh, coi học sinh là trung tâm.

Quyền lợi, sự thuận tiện, an toàn, bảo đảm điều kiện tốt nhất cho người học là ưu tiên hàng đầu trong việc thành lập, sáp nhập, giải thể, chia tách trường học.

Thiết nghĩ lãnh đạo Hà Tĩnh cần cân nhắc thận trọng trước khi quyết định giải thể một ngôi trường, đồng nghĩa với việc làm cho hàng trăm học sinh thêm khó khăn, nguy hiểm.

Theo LÂM CHÍ CÔNG

Lao Động