Cần làm gì để đẩy lùi tình trạng học thêm nhồi nhét?

(Dân trí) - Tình trạng dạy thêm học thêm đã quá nhức nhối suốt bao năm qua. Muốn đẩy lùi tình trạng này, cần có sự đồng tâm hiệp sức của toàn thể phụ huynh và cần xóa bỏ những chính sách sai.

Tình trạng dạy thêm học thêm phổ biến ở các đô thị và đó cũng là nơi gia đình tôi sống, cho nên những biện pháp khắc phục tình trạng này được đề xuất dưới đây phù hợp với hoàn cảnh đó.

  

Các trường tiểu học ở thành phố đa phần là bán trú cho nên thu nhập của các cô giáo cũng ở mức trung bình khá, chưa kể hằng năm các cô còn có nguồn quà tặng của phụ huynh học sinh vào các ngày 8/3 ngày 20/11 và ngày tết âm lịch.

 

1)  Do học ngày 2 buổi nên mức học phí tăng theo nhưng  đòi hỏi giáo viên phải trang bị đủ kiến thức cho học sinh ngay trên lớp để con không phải đi học thêm.

 

Trước hết các vị phụ huynh phải thấy rõ tác hại của việc học thêm nhồi nhét, từ đó kiên quyết và đồng lòng không cho con đi học thêm. Giáo viên không thể trù dập cả lớp được, vì vậy nếu Ban đại diện phụ huynh và  bố mẹ học sinh đều đồng lòng không cho con đi học thêm thì chắc chắn giáo viên cũng phải nghe theo.

2) Xóa bỏ chính sách chỉ lấy điểm thi của học kỳ 2 để xét thành tích. Cho điểm và chấm điểm đều tất cả các môn rồi tính điểm trung bình hàng tháng, học kỳ, năm. Nhưng cách thi cử, kiểm tra cần cải tiến chỉ hỏi vấn đáp hoặc bài thi trắc nghiệm, thi viết chỉ áp dụng cho môn chính tả và tập làm văn. ( Việc này tạo thói quen tự học và nâng cao kỹ năng ghi nhớ rất cần thiết cho trẻ)

 

3) Mỗi năm học nên tổ chức 2 buổi học dành cho các vị phụ huynh để hướng dẫn phụ huynh kèm con học ở nhà. Con trẻ là tương lai của mỗi gia đình và của xã hội nên gia đình cũng như nhà trường đều phải có trách nhiệm như nhau trong việc giám sát việc học của con, giúp cho trẻ em có ý thức với bài vở hơn.

 

4)  Không lấy tiêu chí toán hay văn từ 8 trở lên là đạt giỏi mà bất kỳ môn nào cũng có thể làm căn cứ đánh giá. Bởi trong xã hội không phải chỉ có các nhà toán học hay nhà văn mà còn có cả các cầu thủ bóng đá, đầu bếp, thợ thủ công giỏi hay họa sĩ… cho nên trẻ cần được khuyến khích bất cứ khả năng nào nổi trội nào. ( Điều này là công bằng đối với mọi học sinh và cũng rất công bằng đối với giáo viên các môn sử, địa ...)

 

5) Thiết kế lại lại tất cả các loại sách bài tập ở tiểu học. Các cô vất vả để rèn chữ cho trẻ trên giấy ô li, Bộ GD-ĐT nên bỏ cách in sách bài tập trên giấy vừa không có ôly vừa nhòe mực. (Những người biên soạn và thiết kế sách bài tập chắc chắn không có con đi học ở bậc tiểu học nên đã mắc sai sót này)

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

6) Chế độ tuyển giáo viên phải công bằng và trung thực: không để tình trạng giáo viên phải bỏ tiền đút lót kiếm chỗ dạy, từ đó phải tính toán cách kiếm tiền để hoàn vốn.

 

7)  Xử lý nghiêm bất cứ trường hợp giáo viên, hiệu trưởng nào nhận tiền chạy trường. Ngành giáo dục thực hiện nhiệm vụ trồng người mà tiêu cực từ cấp mầm non (chạy trường, đút lót) thì thử hỏi làm sao các cháu lớn lên thành người tốt được? làm sao đất nước phát triển được? Buộc trẻ đi học đúng tuyến và hộ khẩu KT3 (hộ khẩu  từ 1 năm trở lên) - Điều này có lợi nhiều mặt - trẻ có thể tự đến trường - giảm thời gian đưa đón của bố mẹ, giảm ùn tắc giao thông.

 

Để xóa bỏ tình trạng dạy thêm học thêm ở cấp 2 cần

 

1)  Xóa bỏ chính sách cộng điểm để thi vào cấp 3 - Như hiện nay mỗi năm học sinh giỏi được cộng 5 điểm thì không gia đình nào lại không chạy điểm – ai thu nhập quá kém cũng sẽ cố đi cày để con học thêm. Nhiều gia đình bố thì chạy xe ôm, mẹ làm giúp việc cũng còng lưng cho con đi học thêm: học thêm do trường tổ chức ( gia đình phải viết đơn tự nguyện), học thêm do giáo viên văn, toán  tổ chức (không đi học thì mất lòng thày làm sao xin điểm cho được), học thêm lớp gia đình tự tìm kiếm (để lấp những chỗ trống do lớp ở trường và lớp của thày bỏ sót).Việc học thêm ở trường và lớp của cô thực sự là để chạy điểm. Nhưng trách nhiệm của trường và của giáo viên là phải trang bị đủ kiến thức cho học sinh ngay tại giờ giảng chứ không phải đi học thêm.
 
Cần làm gì để đẩy lùi tình trạng học thêm nhồi nhét? - 1

Một buổi học thêm tại nhà giáo viên của học sinh một lớp tiểu học ở quận Tân Bình, TP.HCM (nguồn ảnh: laodong.com.vn)

 

2) Tăng cường công tác  giáo dục để thức tỉnh lương tâm người thầy :Thực tế hiện nay học sinh cấp 2 là phải học thêm nhiều nhất trong các cấp học. Trường nào cùng tổ chức dạy thêm ( ép buộc phụ huynh viết đơn tự nguyện) ít nhất là tuần 3 buổi mỗi buổi 2 môn, ngoài ra giáo viên dạy các môn đi thi như văn, toán; bắt đầu từ 2011 hình như còn có thêm ngoại ngữ cũng tổ chức dạy thêm. Không học thì cô tỏ thái độ trù dập rõ ràng.

 

Việc học thêm ở trường và lớp của cô thực sự là để chạy điểm. Nhưng trách nhiệm của trường và của giáo viên là phải trang bị đủ kiến thức cho học sinh ngay tại giờ giảng chứ không phải đi học thêm.

3) Xóa bỏ việc tính điểm nhân đôi như hiện nay. Tại sao phải nhân đôi 7 điểm là 7 sao lại là 14? Kỳ lạ là thi vào 10 chỉ có 2 môn vậy mà điểm xét tuyển trường ít tiếng tăm nhất cũng 46-47.

 

4)  Xóa bỏ việc đăng ký chọn trường mà phân học theo hộ khẩu hoặc nơi đăng ký tạm trú trên 2 năm: Xóa bỏ tình trạng buộc học sinh lựa chọn nguyện vọng 1, nguyện vọng 2. Tình trạng này gây bất công cho chính các trường học. Trường thì toàn học sinh khá giỏi, trường thì toàn học sinh trung bình. Gây tâm lý chán nản cho giáo viên tâm huyết với nghề nếu không may phải dạy việc ở những trường kém. Trường có thể phân loại học sinh theo điểm chuẩn ( điểm cao thì lớp nâng cao - điểm thấp thì học lớp thường)

 

5)  Xóa bỏ việc học nghề và thi nghề vì không đem lại kết quả gì gây nên sự lãng phí nhiều mặt.

 

6) Ở cấp 3 muốn xóa bỏ học thêm chỉ có cách cắt giảm chương trình. Chương trình học quá nặng, con tôi đứng trong top 10 của  lớp chọn, thuộc trường đẳng cấp nhất nhì Hà Nội mà còn cảm thấy mệt mỏi vì học, mà vẫn không thể bỏ học thêm.

 

Giải thích về tình hình dạy thêm học thêm còn phổ biến, không ít thầy cô giáo thường bảo rằng : một mặt do lương giáo viên không đủ sống, mặt khác chương trình học hiện nay rất nặng nề,  không đi học thêm sẽ không tiếp thu được kiến thức, không qua được các kỳ thi quan trọng, không vào được trường chuyên, lớp chọn...Nhưng các thầy cô quên mất một điều khi đã dạy thêm, thu nhập tăng nhanh và tăng đáng kể, việc dạy thêm đã trở thành nhu cầu kiếm tiền. Số học sinh đi học thêm càng nhiều thầy cô càng có lợi - khi số học sinh đi học thêm trở thành đa số thì đương nhiên số học sinh không đi học thêm sẽ gặp bất lợi, cảm giác bị trù úm tất yếu sẽ nảy sinh. Tuy nhiên việc dạy thêm chỉ là lợi thế của một số môn học có trong nội dung thi ( Văn, toán, ngoại ngữ, lý, hóa, sinh ).

 

 

Không biết các quan chức cao cấp của Bộ GD-ĐT đã đọc bài dưới đây:

(theo Anh Minh – Báo Tuổi trẻ) Có phải là tầm nhìn của  những người hoạch định chính sách của ngành giáo dục có vấn đề hay không?

 

Một giáo viên đã tâm sự: Nghe đâu đó người ta lên án, phê phán ngành giáo dục, giáo viên chúng tôi cũng chột dạ, cảm thấy có lỗi. Nhưng chính bản thân chúng tôi như những người mắc trong đám kẹt xe, cứ phải lầm lũi mệt nhọc mà tiến, không cách nào thoát ra được.

Cứ cuối mỗi năm học, tổng kết điểm, báo cáo các loại số liệu, xét danh hiệu thi đua, chúng tôi đều cảm thấy mệt mỏi, thậm chí gần như đuối sức vì phải chạy theo những thành tích ảo - được thổi phồng thành những số liệu và tỉ lệ rất đẹp nhưng không biết để làm gì.

Học sinh đi học không sợ điểm kém, không sợ lưu ban nên rất khó bảo và ngang ngược. Có nhiều người không giữ được bình tĩnh nên đã có những hành vi thiếu kiềm chế bị quay clip tung lên mạng. Dư luận xã hội lại được dịp phê phán chê bai giáo viên đủ cả. Nhưng ít ai biết được rằng phần lớn chúng tôi đều phải kiềm chế hết mức, mỗi ngày đi dạy về đều rất mệt mỏi và bức bối. Trớ trêu thay, giáo viên đi dạy phải sợ học trò!

Đã đến lúc cần gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với nên giáo dục nước nhà. Cần thiết thì phát phiếu lấy ý kiến phụ huynh học sinh trong cả nước làm cơ sở đòi hỏi thay đổi toàn bộ chính sách thành tích tiêu cực hiện nay. Đã đi học đương nhiên có dốt, có giỏi, dốt thì phải ở lại lớp học lại là chuyện bình thường. Ngày xưa nhiều lắm 1 lớp cũng chỉ có vài học sinh lưu ban. Bây giờ nhiều học trò đã dốt còn cứ tưởng mình giỏi mới là thảm họa.

 

Rất mong những người hoạch định chính sách của Bộ GD-ĐT căn cứ vào tình hình thực tế để có những quyết sách đúng đắn.

 

Cá nhân tôi đối với con đang học tiểu học tôi không cho đi học thêm, nếu Bộ xóa bỏ chính sách tính điểm cộng khi thi vào 10, chắc chắn sẽ có ít nhất 50% học sinh nghỉ học thêm.

 

                                                                        Anh Thi

 

LTS Dân trí - Trước tình trạng dạy thêm học thêm ngày càng phát triển dưới nhiều hình thức nhằm lách những quy chế cấm đoán của Bộ GD-ĐT khiến cho nhiều phụ huynh học sinh phải bất bình nhưng không dám công khai phản đối vì sợ thầy cô giáo trù úm con em của mình.

 

Tác giả viết bài trên đây kiến nghị nhiều biện pháp nhằm khắc phục triệt để tình trạng dạy thêm tràn lan hiện nay. Đề nghị các bậc phụ huynh đóng góp thêm ý kiến về chủ đề này vì quyền lợi thiết thân của con em chúng ta. Trên cơ sở tổng hợp những ý kiến đóng góp đó, chắc chắn chúng ta sẽ tìm ra những biện pháp đúng dắn và có tính khả thi để kiến nghị với Bộ GD-ĐT nhằm góp phần tích cực vào việc đẩy lùi tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan hiện nay.