Bạn đọc viết

Cần hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo vệ cho nhà báo tác nghiệp

Gần đây dư luận đang xôn xao và bất bình khi nhắc đến việc nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị hành hung khi trên đường đi tác nghiệp, bởi đây không phải là sự việc xảy ra lần đầu, mà trước đó có không ít vụ những kẻ côn đồ tấn công nhà báo.

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Liên tiếp những vụ côn đồ hành hung nhà báo

Trong khi dư luận chưa hết bất bình khi một sự việc xảy ra chưa lâu, ngày 18/3 nhà báo Nguyễn Quang Hải - phóng viên của VTCnews đang tác nghiệp tại đoạn trước số 20 phố Láng Hạ (Hà Nội) bị một số nhân viên của nhà hàng Queen Bee chửi bới, kéo vào ngõ 22 Láng Hạ đánh vào người, giật điện thoại và xoá hết tư liệu. Sau đó những người này còn đưa phóng viên vào quán cà phê đe dọa, đánh vào đầu cho đến khi có Công an tới hiện trường, anh Hải mới được giải cứu, thì ngày 23/3, (chưa đầy một tuần) Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng- Phóng viên Báo Lao Động trên đường đi làm nhiệm vụ do cơ quan giao, bị nhóm côn đồ hành hung đánh đập dã man.

Hay trước đó vào ngày 4/9/2015 nhà báo Nguyễn Ngọc Quang - Phó Trưởng phòng Thời sự Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Thái Nguyên cũng là nạn nhân bởi một nhóm đối tượng lạ mặt truy sát.

Cũng trong năm 2015, một vụ tấn công nhà báo cũng khá nghiêm trọng với phóng viên Vĩnh Phú và Linh Hoàng của Báo Giao Thông đang trong quá trình tác nghiệp tại cầu Tăng Long, phường Long Trường (quận 9, TPHCM) bị một nhóm đối tượng xông đến đánh đập, cướp máy quay phim. Các đối tượng này vẫn không buông tha và truy đuổi hơn 500m khiến hai phóng viên phải chạy xuống phía bờ sông gần đó để lẩn trốn.

Một vụ rúng động xảy ra cách đây 5 cũng làm cho những người cầm bút và bạn đọc vô cùng phẫn nộ khi nhà báo Võ Thanh Mai công tác tại Báo Nông Nghiệp Việt Nam, thường trú tại Nghệ An đã bất ngờ bị hai đối tượng đi trên một xe máy dùng kiếm tấn công rồi lên xe máy tẩu thoát. Và trước đó 1 năm, ngày 6/1/2010, nhà báo Trần Thế Dũng, phóng viên Báo Người Lao Động cũng bị một nhóm cửu vạn buôn lậu hành hung dã man ở Lạng Sơn.

Có thể nói, liên tiếp những vụ tấn công nhà báo không chỉ khiến chính bản thân những người cầm bút cảm thấy bất an, mà còn làm dư luận xã hội rất băn khoăn lo lắng, bởi kẻ tấn công nhà báo cũng chính là tấn công vào thiết chế dân chủ hóa minh bạch của xã hội, tấn công vào quyền được tiếp cận thông tin của người dân và sự tôn nghiêm của pháp luật.

Cần hàng lang pháp lý đủ mạnh để bảo vệ cho nhà báo tác nghiệp

Trở lại sự việc Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng- Phóng viên Báo Lao Động trên đường đi làm nhiệm vụ do cơ quan giao, bị hành hung vào sáng ngày 23/3/2016 mới đây như một giọt nước tràn ly trong hàng chục vụ hành hung, tấn công, cản trở nhà báo diễn khiến dư luận vô cùng bức xúc phẫn nộ.

Nhất là nó lại xảy ra ngay trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, trong khi Quốc hội đang họp bàn về dự thảo Luật báo chí sửa đổi, càng thực sự gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự manh động, coi thường pháp luật của những đối tượng gây án và cũng cho thấy sự nguy hiểm trong quá trình tác nghiệp của các nhà báo.

Không ít câu hỏi được dư luận đang đặt ra là: Làm thế nào để bảo vệ an toàn cho nhà báo khi tác nghiệp - một nghề vốn được xem là nghề nguy hiểm, mạng sống của phóng viên, nhà báo đôi khi bị đe dọa hoặc bị tước đoạt vì những bài báo nóng hổi do phản ánh những tiêu cực, tham nhũng do phóng viên đưa tin trên mặt báo.

Thực tế cho thấy mặc dù nước ta đã có nhiều quy định pháp luật có thể bảo vệ cho các nhà báo, nhưng đúng là việc bảo hộ hoạt động nghề nghiệp của các nhà báo nhìn chung mới ở mức hình thức, mà chưa có những cơ chế hữu hiệu để bảo vệ tác nghiệp của nhà báo, quyền của các nhà báo.

Nhiều vụ việc nhà báo bị hành hung gây thương tích nhưng mức độ xử lý chưa đúng theo quy định của pháp luật. Việc xử lý các đối tượng đôi khi còn chưa tương xứng với hành vi, qua đó thiếu sự răn đe đối với các đối tượng cản trở hoạt động của nhà báo qua việc hành hung gây thương tích xâm phạm đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của nhà báo… Phải chăng đây chính là một trong những “kẽ hở” để những kẻ hành hung nhà báo lộng hành? Thậm chí đã có trường hợp nhà báo bị hành hung ngay trước mặt lực lượng chức năng nhưng không được bảo vệ...

Vì thế dư luận cho rằng vấn đề bức thiết đặt ra hiện nay là các ngành, cơ quan chức năng cần bổ sung những chế tài, điều luật nghiêm khắc, đủ mạnh, đủ tính răn đe đối với các đối tượng có hành vi hành hung, cản trở nhà báo tác nghiệp, để góp phần tích cực trong việc bảo vệ tài sản, tính mạng của các nhà báo trong quá trình tác nghiệp, hành nghề đúng quy định của pháp luật và để nhà báo yên tâm hành nghề, góp phần cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Minh Tư

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm