Cần giám sát chặt chẽ quyền lực, ngăn chặn việc “đói ăn vụng, túng làm liều”
Dẫn câu nói “Đói ăn vụng, túng làm liều”, ông Bùi Đức Thụ - Phó Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - cho rằng, tiền lương là một trong những yếu tố có liên quan đến chuyện tham nhũng.
Song, đó không phải nhân tố quyết định hay nhân tố quan trọng dẫn tới tham nhũng. Để chống tham nhũng, quan trọng nhất vẫn là cần có những giải pháp căn cơ, lâu dài, kiểm soát quyền lực chặt chẽ.
Cần phải giám sát, kiểm soát quyền lực chặt chẽ
Thưa ông, thời gian vừa qua, dư luận rất đồng tình trước việc Đảng, Nhà nước xử lý nghiêm, không có vùng cấm đối với cán bộ vi phạm. Quan điểm của ông về vấn đề này?
- Tham nhũng và phòng chống tham nhũng là vấn đề rất được cử tri và nhân dân quan tâm. Công tác thanh, kiểm tra, kiểm toán, cũng như qua công tác điều tra cho thấy và phát hiện ra nhiều vụ án tham nhũng lớn, gây thất thoát tiền, của Nhà nước, để lại hậu quả rất lớn. Cùng với đó, cử tri cũng đã có những phản ánh về việc vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, hạch sách tại một số đơn vị cấp dưới, cấp nhỏ hơn.
Thời gian gần đây, nhiều vụ việc liên quan đến vi phạm, sai phạm của những cán bộ trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, tướng lĩnh công an… thậm chí cả những người về hưu cũng đều bị xử lý. Điều đó thể hiện không có vùng cấm trong phòng chống tham nhũng (PCTN). Vấn đề này được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao.
Tôi cho rằng, đây là kết quả bước đầu hết sức đáng mừng, điều này đáng khích lệ và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Quyết tâm phòng chống tham nhũng mang lại niềm tin cho nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, cần phải tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, quy chế, quy định liên quan để ngăn chặn việc tham nhũng phát sinh thì mới giải quyết được căn cơ vấn đề.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, cần sớm xây dựng một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng", theo ông, đâu là giải pháp căn cơ, mang tính chất lâu dài trong công tác này?
- Thứ nhất, nếu cơ chế chính sách pháp luật làm tốt công tác kiểm soát quyền lực, thực hiện tốt, công khai, minh bạch thì chắc chắn không còn dư địa, mảnh đất màu mỡ để cho tham nhũng xuất hiện, nảy nở phát sinh. Hơn bao giờ hết, cần phải rà soát lại cơ chế chính sách pháp luật để chúng ta thể chế hóa các hoạt động của các cơ quan nhà nước, kiểm soát quyền lực, thực hiện công khai, minh bạch, làm lành mạnh hóa môi trường kinh tế, sản xuất kinh doanh, môi trường quản lý nhà nước ở nước ta.
Thứ hai, theo chức năng nhiệm vụ của mình, những cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cùng các cơ quan kiểm tra của các tổ chức cần chương trình, kế hoạch, phối kết hợp với nhau để hoạt động đồng bộ, tránh chồng chéo. Nhưng quan trọng nhất là phải nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan này, nhằm phát hiện kịp thời và để báo cáo cơ quan có thẩm quyền, đưa ra công luận, sớm xử lý công khai minh bạch.
Thứ ba, công tác giáo dục, tuyên truyền, quản lý cán bộ cần chặt chẽ hơn nữa. Vấn đề đổi mới để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức để đảm bảo quản lý tốt công tác cán bộ, đánh giá tốt về công tác cán bộ và kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm của công tác cán bộ cần được quan tâm, chú ý hơn.
Thứ tư, về chính sách tiền lương nói riêng, chính sách thu nhập nói chung nhất là các khu vực quản lý nhà nước còn chưa thực sự hợp lý, chậm cải cách, đổi mới. Và do thu nhập thấp cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tham nhũng.
Ông Bùi Đức Thụ - Phó Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: A.C
Cần đảm bảo mức lương cho cán bộ
Như ông vừa nói, vấn đề tiền lương là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng của cán bộ, công chức, ông có thể nói rõ hơn về điều này?
- Tôi cho rằng, yếu tố thu nhập, yếu tố tiền lương cũng là một căn cứ chứ không phải là một nhân tố quan trọng, nhân tố quyết định liên quan tới việc tham nhũng.
Thực tế, đất nước chúng ta đã trải qua những giai đoạn hết sức khó khăn, nhất là trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, lúc bấy giờ đời sống của CBCNV thấp hơn rất nhiều, nhưng tại sao tham nhũng, tiêu cực lại ít, quan hệ kinh tế, quan hệ quản lý nhà nước tốt, chất lượng, đạo đức công vụ phát huy tốt. Nhưng đến khi chuyển sang đổi mới, chuyển sang kinh tế thị trường định hướng XHCN, có sự quản lý của Nhà nước thì môi trường, điều kiện, vấn đề tham nhũng, biển thủ công quỹ, lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tiền của, tài sản nhà nước nhiều hơn. Đây là vấn đề chúng ta cần phải suy nghĩ.
Các cụ thường nói “đói ăn vụng, túng làm liều”. Đời sống của CBCNV không được đảm bảo cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc tham nhũng, tham ô, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước. Do đó mới có việc dùng quyền lực buộc người khác nộp cho mình. Nhưng đó vẫn chưa phải là nguyên nhân và yếu tố quyết định mà phải là cơ chế chính sách chưa chặt chẽ, để một số cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tiền, tài sản công, của người khác, đấy mới là nguyên nhân số một.
Để đảm bảo tiền lương là đòn bẩy kinh tế, là động lực, phù hợp tình hình thực tiễn, ổn định cuộc sống của người hưởng lương, tránh tiêu cực xuất hiện, tránh chảy máu chất xám từ chỗ này sang chỗ kia…. cần xác định mức tiền lương tối thiểu thế nào cho hợp lý. Mức tiền lương tối thiểu rất quan trọng, đảm bảo cho người dân đạt được mức sống tối thiểu của mình. Điều quan tâm thứ hai là tiền lương tối thiểu phải phù hợp với năng suất lao động, phù hợp với các chỉ số kinh tế vĩ mô như GDP bình quân trên đầu người.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Vương Trần
Báo Lao động