Cán bộ “chết chùm”, cần truy cứu trách nhiệm người đứng đầu

(Dân trí) - Nếu chỉ so với hai người chưa đến tuổi thành niên vì đói mà ăn cướp bánh mì ở TP HCM cũng bị xử lý hình sự thì sai phạm của một số vị đứng đầu tỉnh nếu chỉ xử lý hành chính liệu có công bằng?

Cán bộ “chết chùm”, cần truy cứu trách nhiệm người đứng đầu - 1

Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh (trái) và nguyên Chủ tịch tỉnh Nguyễn Chiến Thắng cùng bị Ban Bí thư thi hành kỷ luật, cách tất cả các chức vụ trong Đảng.

Với những gì Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã, đang thực hiện cho thấy cuộc chiến chống tham nhũng vẫn đang rất quyết liệt, không có vùng cấm và ngày càng cương quyết hơn, đồng thời cũng cho thấy ở một số địa phương, lãnh đạo đã “hỏng cả chùm” trong hai khóa liên tục.

Điển hình nhất, gần đây nhất là việc Chủ tịch, nguyên Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa cùng bị Ban Bí thư quyết định kỷ luật cách hết tất cả chức vụ trong Đảng. Hai ông cùng tập thể lãnh đạo tỉnh vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra rất nhiều vi phạm, khuyết điểm kéo dài trong công tác quản lý, sử dụng đất đai và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, thất thoát, lãng phí rất lớn tài nguyên đất đai, tài sản và ngân sách nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh, tác động xấu đến kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong xã hội và ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng.

Kết luận của Ban Bí thư cho thấy, các vị lãnh đạo của tỉnh Khánh Hòa vi phạm những nguyên tắc tối thiểu về những quy định của pháp luật, diễn ra trong hai khóa liền. Câu hỏi đặt ra là, phải chăng hệ thống lãnh đạo, các đoàn thể của tỉnh Khánh Hòa đã bị tê liệt? Một câu hỏi khác cần đặt ra tiếp: Trách nhiệm của các cơ quan chức năng, các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Trung ương đến đâu khi để những sai phạm sờ sờ trước bàn dân thiên hạ có thể kéo dài đến như vậy?

Trước đó, ở Đồng Nai liên tiếp hai Trưởng đoàn ĐB Quốc hội của Đồng Nai  là ông Hồ Văn Năm và bà Phan Thị Mỹ Thanh cùng bị kỷ luật và cho thôi làm đại biểu. Đáng chú ý là bà Mỹ Thanh vi phạm nghiêm trọng khi giữ cương vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trong đó có những sai phạm rất trắng trợn: Ký quyết định không thuộc mảng mình phụ trách cho Cty của chồng thực hiện dự án kinh tế. Còn ông Năm, ở cương vị Viện trưởng VKSND tỉnh, rồi tiếp là Trưởng Ban Nội chính vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thực hiện không đúng nhiệm vụ, can thiệp trái quy định vào việc xử lý một số vụ án, vụ việc.

   Trong cả hai trường hợp này, điều khiến dư luận băn khoăn, từng bị Ban Bí thư  kỷ luật cảnh cáo, nhưng bà Mỹ Thanh vẫn giữ trọng trách Trưởng đoàn QH khá lâu trước khi bị mất chức. Những ngày đó công luận từng lên tiếng với những sai phạm như vậy bà Thanh làm sao đủ uy tín để làm ĐB Quốc hội chứ chưa nói gì là Trưởng đoàn ĐB. Còn với ông Năm là người dựa vào nắm trọng trách của cơ quan bảo vệ pháp luật ở địa phương  đã can thiệp thô bạo vào các vụ án trong nhiều năm, nhưng vẫn được giới thiệu và trúng cử  ĐB Quốc hội 3 khóa liên tục!? Không thể hình dung nổi. Điều đó khiến dư luận thêm hoài nghi về công tác kiểm tra, quản lý cán bộ.

Gần như đồng thời việc phát hiện xử lý kỷ luật Trưởng ban Nội chính tỉnh ủy, việc một loạt cán bộ chủ chốt của Ban Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, trong đó có cả Giám đốc, nguyên Giám đốc khóa trước bị cách chức, khai trừ Đảng khiến dư luận bàng hoàng và sững sờ. Những vị đứng đầu các cơ quan bảo vệ pháp luật sai phạm như vậy thì pháp luật chắc chắn sẽ chỉ là ... trò đùa của họ. Nhưng sẽ đắng cay hơn nếu dư luận tự hỏi:  Có bao nhiêu vụ án bị đổi trắng thay đen, bao nhiêu vụ án oan sai, bao nhiêu kẻ gây tội đã thoát tội và bao con người bị bức hại, bao gia đình đã tan nát chỉ vì những vị nhân danh pháp luật như thế này gây ra?

Do đó, dù có cách chức tuốt tuồn tuột của các vị này đi nữa liệu đã đủ sức răn đe không, hay hình thức kỷ luật hành chính tưởng như nghiêm khắc này lại càng khuyến khích đối tượng khác tiếp tục phạm tội?

Cần nhắc lại, trước đó hai cựu Chủ tịch TP Đà Nẵng của hai khóa liên tiếp là Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến vì tiếp tay cho Vũ “nhôm” thâu tóm đất công đã bị xử lý hình sự. Vậy đến khi nào những vị lãnh đạo ở Khánh Hòa, ở Đồng Nai sẽ bị truy cứu trách nhiệm? Tất nhiên, quy trình để xử lý hình sự không đơn giản, nhưng làm quá chậm hoặc để lọt người lọt tội, dư luận sẽ mất niềm tin vào công lý.

Mặt khác, dư luận chưa thể quên chuyện hai đứa trẻ chưa đến tuổi thành niên vì đói mà ăn cướp bánh mì ở TP HCM cũng bị ra tòa, bị kết án tù. Chỉ khi dư luận dậy sóng, đến phiên tòa phúc thẩm, hai đứa trẻ này mới được tuyên miễn chịu trách nhiệm hình sự. Nếu so với vụ án này thì tội trạng của các vị đứng đầu UBND tỉnh, đứng đầu cơ quan bảo vệ pháp luật trong các vụ việc nêu trên nếu chỉ xử lý hành chính liệu có công bằng?  Mặt khác, dư luận không thể không đặt câu hỏi: Với trách nhiệm của người đứng đầu, Bí thư tỉnh ủy những tỉnh để những cán bộ thuộc quyền quản lý của mình sai phạm nghiêm trọng như vậy liệu có thể vô can?

Vương Hà