Bạn đọc viết:

Cái giá của tham nhũng danh hiệu!

(Dân trí) - Tục ngữ có câu: “Trăm năm bia đá thì mòn/Ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ”. Man trá tới độ như ai đó để cố kiếm bằng được danh hiệu Anh hùng thì quả là chỉ tổ làm bia miệng cho người đời mãi mãi mà thôi!

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Cuối cùng thì vụ “anh hùng khai man” lùm xùm dư luận bấy lâu nay cũng đến hồi kết. Ngày 24/10/2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký Quyết định số 2721/QĐ-CTN về việc hủy bỏ Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đối với vị nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế.

 

Nhưng tại sao với bản thành tích có đến 15/17 nội dung man khai, ngụy tạo như vậy mà ông ta vẫn lọt qua các cửa ải xét tặng danh hiệu cao quí vốn rất nghiêm ngặt về qui trình này? Tại sao với những “thành tích” lẫy lừng như bản tự khai mà phải đợi đến 30 năm sau ông ta mới làm hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng?

 

Không khó để nhận ra cái sự khôn khéo của ông ta... Nhưng ông ấy cũng chỉ có thể làm cái chuyện “cả vú lấp miệng em” đối với tập thể lãnh đạo dưới quyền để rồi “ép” họ kí giấy xác nhận bản thành tích và đề nghị xét tặng danh hiệu anh hùng cho ông. Còn với nhân dân, ông không thể lấy tay che mặt trời được.

 

Nhân dân mà ở đây trước hết là những cựu chiến binh đã từng vào sinh ra tử, nay không khác gì thấy bị ông cướp công, lường gạt. Bất chấp tính mạng bị đe dọa, họ đã chiến đấu kiên cường như ngày nào trên chiến trường đối mặt với kẻ thù để giành lại sự thật, bảo vệ sự trong sáng của một danh hiệu cao quí của nhà nước ta.

 

Từ vụ việc này có thể thấy đã xuất hiện một dạng tham nhũng mới: tham nhũng danh hiệu. Loại tham nhũng này thậm chí còn nguy hiểm hơn cả tham nhũng vật chất, tiền bạc. Nó làm băng hoại những giá trị tinh thần và đạo đức xã hội. Do đó vụ này không đơn giản chỉ là việc tước danh hiệu đối với cá nhân. Mà cần nhận diện cả đối tượng tham nhũng và tiếp tay cho tham nhũng danh hiệu, cùng mức độ gây hại đối với xã hội mà loại hình tham nhũng này gây ra.

 

Chuyện “anh hùng khai man” này khiến tôi nhớ đến một câu chuyện khác mà cái sự bi hài cũng không kém.

 

Số là ở cơ quan nọ có vị lãnh đạo đang tính giật cái danh hiệu Nhà giáo ưu tú để đời trước khi mãn nhiệm kì. Nhưng ngặt nỗi thành tích của ông “bết” quá, lấy gì mà đắp cho đủ tiêu chuẩn? Biết là bầu chọn một cách minh bạch thì ông chả được mấy phiếu ngoài đám đệ tử, cho nên một chiến dịch vận động ngầm cùng các chiêu trò được ráo riết thực hiện.

 

Ông cũng đưa ra danh sách hai người để bầu bán cho có vẻ dân chủ, nhưng thiên hạ biết tỏng vị kia góp mặt chỉ để làm "chim mồi" dồn phiếu cho ông. Nhưng oái ăm thay, dù đã tìm mọi phương cách, số phiếu bầu cho ông vẫn không quá bán. Ông bèn chỉ đạo cấp dưới thay biên bản, sửa số liệu, đơn vị nào không tổ chức họp thì lập biên bản khống. Vậy là hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú của ông đầy đủ, sạch sẽ, đẹp như mơ kèm theo bản thành tích tự khai với không ít nội dung… thêu dệt.

 

Việc phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho ông chỉ còn chờ đợi về mặt thời gian. Nhưng may cho cơ quan mà cũng là cho cả ngành, cấp trên đã tỉnh táo nhận ra “chiêu trò” này sau khi có đơn khiếu nại của quần chúng. Thật hú vía vì chỉ sau đó vài tháng, ông bị “trảm” bởi tội tham nhũng và lạm dụng chức quyền.

 

Cách đây vài năm, báo chí cũng đã từng lên tiếng về việc phong tặng danh hiệu Chiến sĩ Thi đua toàn quốc hằng năm. Nhìn vào danh sách những tấm gương tiêu biểu của đất nước đa phần là hình bóng các vị giới chức. Còn người lao động trực tiếp nơi hầm than, xưởng máy hay trên đồng ruộng dường như vẫn hơi… có khoảng cách với những danh hiệu cao quí này?

 

Nguyễn Duy Xuân