“Cách thu phí giống như… đánh bẫy”

(Dân trí) - Trong những ngày này có lẽ không từ nào được đề cập tới ở khắp mọi nơi nhiều như từ PHÍ. Trọng tâm của vấn đề giờ xoay quanh sự tréo ngoe của tên phí với viễn cảnh hạn chế phương tiện giao thông, mà đại đa số ý kiến đều nêu: Không tin tưởng!

“Cách thu phí giống như… đánh bẫy”
Ai dám đảm bảo thu phí phương tiện giao thông cá nhân cao sẽ nâng cao chất lượng giao thông? (ảnh minh họa: vef.vn) 
 

Phương án hay, nếu…
 

Cố lọc ra  từ hàng ngàn phản hồi của bạn đọc gửi tới diễn đàn Dân trí  mỗi ngày liên quan tới chủ đề PHÍ, chúng tôi cũng tìm được vài ý kiến ủng hộ với những lý giải xem ra khá hợp lý theo kiểu tư duy hiện đại.

 

“Tôi ủng hộ việc thu phí. Đó là nguồn để xây dựng, sửa chữa, mở rộng cơ sở hạ tầng, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân được tốt hơn. Đó cũng là phương án để hạn chế phương tiện rất hay” - Duy Bình:  maond@gmail.com đánh giá.

 

“Tôi tán đồng việc thu phí để giảm bớt ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm. Song đề nghị hãy quy định theo khung: trọng tải, thời gian lưu thông... đừng đánh đồng. Điều quan trọng là chúng tôi có quyền được đi trên những con đường sạch, chất lượng tốt không? Vậy Bộ GTVT phải làm điều này trước khi thực hiện việc thu phí!...” - Nguyen:  hong.vietcraft@gmail.com đồng tình nhưng vẫn kèm theo điều kiện Nếu...
 

“Hãy vì lợi ích chung của xã hội. Theo tôi, chủ trương tăng các loại phí thường niên và có lộ trình giảm giá xe (bằng cách giảm thuế nhập khẩu theo WTO và giảm các loại thuế hoặc phí đánh một lần khác), là chủ trương hoàn toàn đúng đắn và hợp lý của Chính phủ. Đó cũng là lẽ công bằng xã hội. Vì sao?

 

- Thực trạng hiện nay giá để mua một chiếc xe tại Việt Nam quá cao, dẫn đến chiếc xe không còn mang ý nghĩa là phương tiện giao thông nữa, mà trong con mắt người dân nó là một tài sản không bị mất giá trị. Nên càng như khuyến khích người dân mua xe mặc dù nhu cầu sử dụng là rất ít. Vì vậy việc giảm các loại thuế phí (đánh một lần) là quy luật tất yếu (trong đó có loại thuế bắt buộc phải giảm theo lộ trìmh WTO).

 

- Việc tăng mạnh các loại phí thường niên là hợp lý và tạo sự công bằng xã hội, bởi lẽ anh dùng phương tiện cá nhân mang  lại lợi ích cá nhân cho bản thân và làm ảnh hưởng đến xã hội thì anh phải có trách nhiệm với xã hội (đóng góp để khôi phục lại đường sá hạ tầng, làm trong sạch lại môi trường ...) Và quan trọng hơn là giáo dục được ý thức sử dụng phương tiện cá nhân trong người dân.

 

Vì vậy, các doanh nghiệp Ô tô (VAMA) hãy có tầm nhìn xa hơn để thấy được lợi ích của mình, mỗi người dân chúng ta cũng đừng nhìn thấy cái lợi trước mắt mà bức xúc. Lợi ích của doanh nghiệp, của mỗi người dân nằm trong lợi ích chung của xã hội. Và đó cũng là chúng ta đang góp phần tiến tới một xã hội công bằng, văn minh và bằng người.

 

Về phần mình, tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương của Bộ trưởng Đinh La Thăng!” - Nguyễn Hà:  nguyenha56@gmail.com phân tích.

 

Ngoài ra còn có vài ý kiến của các Việt kiều cũng bày tỏ ủng hộ giải pháp mang tên PHÍ này, vì cho rằng làm điều đó bây giờ chắc nhiều người dân phải chịu đau một lần, nhưng lợi ích mang lại sẽ lớn hơn trong tương lai bởi sẽ để lại được cho các thế hệ tương lai một cơ sở hạ tầng thông thoáng, sạch đẹp và văn minh hơn…
 
“Cách thu phí giống như… đánh bẫy”
VAMA đề nghị hoãn phí giao thông (ảnh minh họa: Saigon Times)

 

Mua xe là lỗi của dân?

 

Trái lại, nổi lên trong những ý kiến phản bác của bạn đọc là sự mổ xẻ cay đắng về những điều vô lý ngay từ tên gọi của loại hình PHÍ này. Tiếp đó là những liên hệ giữa mức sống, thói quen sinh hoạt, phương tiện kiếm sống... của đa số cư dân với mức PHÍ "khủng" sắp phải đóng.

 

Dưới đây chúng tôi xin trích dẫn một số ý kiến tiêu biểu:

 

Thứ nhất, tên gọi "Phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân" đã là không hợp, vì đó là phí để được sử dụng phương tiện giao thông cá nhân. Ai đóng phí đó mới được sử dụng chứ không phải đóng phí đó để hạn chế mình hoặc hạn chế người khác.

 

Thứ hai, mục đích chính  của phí đó là để chống ùn tắc giao thông là chưa đúng hoàn toàn vì nhiều nơi như nông thôn, miền núi đâu có tắc đường. Nếu thu đại trà thì e rằng không thật thuyết phục. Nếu muốn giảm lượng xe lưu thông ở thành phố vào giờ cao điểm thì hãy thu trực tiếp phí hạn chế giao thông giờ cao điểm.

 

Thứ ba, số tiền thu dự kiến thu được là một con số lớn nhưng chi phí để thu tiền đó cũng không nhỏ. Số tiền dự kiến thu được chắc chắn nhỏ hơn rất nhiều lần số tiền thất thoát, thiệt hại do quy hoạch giao thông kém và những công trình giao thông kém chất lượng. Bộ GTVT cần tập trung giải quyết vấn đề này trước khi tính đến phương án trút gánh nặng lên đầu nhân dân.

 

Cuối cùng, các phương tiện giao thông cá nhân dù sao cũng đã, đang và sẽ tồn tại. Đối với các phương tiện sắp được mua thì chủ nhân còn được cân nhắc nên mua hay không, còn đối với các phương tiện đã tồn tại thì sao? Nếu chủ nhân không chịu nổi chi phí thì chỉ còn cách bán rẻ đi (đó là nếu có người mua) với cảm giác cay đắng vì đã nghèo lại mất thêm tiền. Như vậy, chắc chắn mục tiêu vì hạnh phúc ấm no của nhân dân lại bị đẩy ra xa hơn.

 

Trong trường hợp thật sự muốn hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, hãy cấm luôn để dân đỡ khổ, chứ đã mua xe rồi lại méo mặt lo đóng các loại phí thì thật quá bất công” – Nguyen Quan:  anhlqu@gmail.com tự sự thật buồn.

 

“Cách thu phí này giống như… đánh bẫy vậy. Mua rồi mới thu, nên người dân mắc kẹt vì đã trót mua. Tôi lo nếu chuyện thu phí này thực hiện được thì sẽ còn nhiều thứ tài sản hoặc các loại x,y,z....gì gì đó cứ có là rồi sẽ lại bị thu...phí…. Mà một trong những nguyên nhân chính gây tắc đường cũng là do người dân thường có quá nhiều việc đáng lẽ không cần phải ra đường nhưng vẫn phải đi (thậm chí nhiều lần) mới được việc (nhất là khi phải lo các thủ tục hành chính).

 

Hơn nữa, người dân đóng phí này cũng phải biết họ sẽ được gì, giống như người mua hàng vậy. Họ phải biết: Đường sá chất lượng sẽ tốt hơn thế nào? Bao giờ có? giá thành mỗi m2 ra sao… Giống như hợp đồng với người dân về chất lượng dịch vụ mà người dân bỏ tiền ra để được phục vụ ấy... Nói chung là nhiều lắm, nói không hết được đâu....” - Phạm Thanh Tùng:  haitung_mc2000@yahoo.com nói về tình cảnh của đa số người dân khi xe thì đã lỡ tích cóp để mua mong cải thiện cuộc sống, giờ lúng túng không biết tính sao vì thu nhập còn chưa đủ nuôi sống gia đình, nói gì có tiền dư ra để đóng thêm PHÍ.

 

“Sao lúc nào cũng là lỗi của dân? Do thấy dân nhiều tiền mua xe quá hay sao mà Bộ GTVT đưa ra giải pháp này? "Đáng ra phải thu phí cách đây 10 năm" ư? Nếu thật thế thì dân mình toàn đi xe đạp chứ đừng nói xe máy. Mua cái xe để làm ăn, phát triển kinh tế mà chịu nhiều thứ thuế và phí thế thì khác gì nuôi thêm 4-5 đứa con nữa…

 

… Còn các bác, các chú làm trên bộ, đi xe công thì có mất đồng phí nào đâu. Và cũng có bao giờ các bác phải nghĩ đến tiền đổ xăng… nên dù có phải gánh thêm vài ba cái "phí vô lý với dân" nữa với các  bác cũng… đáng là bao. Vậy nên các bác cứ quyết là đưa ra, bất chấp hậu quả chứ có lắng nghe ý kiến của người dân bao giờ… Thật vô lý, quá bất bình....” - Phạm Thanh Lam:  xuxu09@gmail.com dường như cố mổ xẻ xem có phải lỗi của người dân là cứ muốn mua xe để nâng cấp  phương tiện đi lại của mình. Điều đó liệu có trái gì với quy luật phát triển đi lên không?

 

“Thật khổ cho người dân thôi. Thu phí ô tô, xe máy để chống ùn tắc giao thông? thật phi lý! Theo tôi, đây chỉ là những sáng kiến, ý tưởng mơ hồ mà đâu có giảm bớt được ùn tắc giao thông. Giả sử những người tham gia giao thông như hiện nay mà họ chuyển sang đi xe đạp, thì chắc mức độ ùn tắc còn khủng khiếp hơn nhiều, và thời gian để giải tỏa cũng phải lâu hơn nhiều lần.

 

Do vậy, tôi và đại đa số người dân đều cho rằng đó không phải là giải pháp tốt cho việc chống ùn tắc giao thông, mà chỉ là sự bắt ép người dân phải gánh chịu, để đưa đến sự kìm hãm đà phát triển của xã hội.

 

Bộ trưởng Đinh La Thăng thử đặt mình vào vị trí cũng như hoàn cảnh, trường hợp của người dân lao động thì mới thấm thía được nỗi khổ của người dân. Ngoài ra còn có thể sinh thêm ra bao nhiêu chuyện tiêu cực khác nữa như: Thu phí có được đầy đủ không? Những khoản thu đó sẽ vào được ngân sách Nhà nước bao nhiêu? Rồi những chuyện sẽ nảy sinh khi thu phí như sẽ có những phương tiện ô tô, xe máy có giấy chứng nhận miễn, giảm phí cho nhữmg cán bộ nọ, cán bộ kia ...

 

Thôi thì tất cả đổ lên đầu, người dân đều phải gánh chịu (không thì biết làm sao? Chỉ xin Bộ trưởng hãy nghĩ lại,  đừng đề ra thêm những “sáng kiến hay” mà thực tế chỉ để hành dân như thế này nữa” – Phuc Van:  phucvan@yahoo.com bộc lộ rõ tâm trạng bất lực.

 

Câu hỏi còn nhiều lắm, bức xúc càng nhiều hơn… Hơn thế nữa, giờ đây có lẽ điều mà người dân sợ nghe nói đến nhất sau tin tăng giá, là mấy từ: “Bộ GTVT (hoặc Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng) có đề xuất (sáng kiến) mới…”

 

Thực tế đúng là như vậy đấy!

 

Khánh Tùng