Bạn đọc viết:

Cách cha ông ta "thoát lệ thuộc"

(Dân trí) - "Thoát lệ thuộc" ở đây là sự xác định một cách ứng xử nhằm giữ được vị thế của mình trong mối quan hệ với TQ để dẫu ngàn năm ta vẫn là ta. Chứ không có nghĩa là ngoảnh mặt, cắt đứt hoàn toàn…

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Nhân có cuộc tọa đàm về thoát sự lệ thuộc về văn hóa tại Hà Nội (do Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh và Nhà xuất bản Tri thức tổ chức chiều 15/8), tôi muốn tham gia luận bàn về việc thoát lệ thuộc của Việt Nam (VN) trong lịch sử…

 

… Cũng nhằm mục đích như cuộc tọa đàm đặt ra là “không phải có ý định bài xích mà chỉ muốn tập trung vào việc làm thế nào để chúng ta có thể thoát ra khỏi những ảnh hưởng tiêu cực về văn hoá, khoa học, chính trị, để trở thành một người bạn láng giềng tốt với Trung Quốc (TQ) mà thôi. Trọng tâm là chúng ta phải đánh vào tâm lý lệ thuộc, tôn sùng văn hóa ngoại lai đã ăn vào tâm lý của không ít người ”.

 

Sống bên cạnh một đế chế lớn cả về diện tích, dân số, lại có nền văn hóa lâu đời và có sức lan tỏa rất mạnh, các triều đại phong kiến luôn tìm cách cưỡng bức, đồng hóa, o ép ta trong vòng cương tỏa của “Thiên triều” bằng vũ lực với nhiều lần mang quân đi xâm lược, bằng hủy hoại những giá trị văn hóa của dân tộc Việt (như tịch thu, phá hủy trống đồng, hay đốt sách và phá bỏ các thiết chế văn hóa của Đại Việt), cưỡng bức văn hóa đối với người Việt, luôn xem mình là “Thiên triều”, Đại Việt chỉ là chư hầu; nhưng trong lịch sử các thế hệ cha ông ta đều cố gắng thoát lệ thuộc để thể hiện mình.

 

Thoát lệ thuộc ở đây là sự  xác định một cách ứng xử nhằm giữ được vị thế của mình trong mối quan hệ với TQ để dẫu ngàn năm ta vẫn là ta. Chứ không có nghĩa là ngoảnh mặt, cắt đứt hoàn toàn với TQ vì đấy là nước lớn, lại “núi liền núi, sông liền sông” với VN. Sự thoát lệ thuộc đó có thể thấy ở một số biểu hiện sau đây.

 

+ Một là:  phủ nhận tư tưởng “bình thiên hạ”, “đại nhất thống” của các đế chế phương Bắc. Cha ông ta luôn khẳng định cương vực, chủ quyền, tinh thần độc lập tự chủ, ngang hàng trong quan hệ quốc gia – quốc gia với các triều đại phong kiến TQ. Thời Lý, bài thơ thần trên sông Như Nguyệt là một bản tuyên ngôn bất hủ của Đại Việt (bản dịch):

 

Sông núi nước Nam vua Nam ở

Rành rành đã định tại sách trời

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm?

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời!

 

Thời Hậu Lê cũng khẳng định rõ ràng về cương vực “Núi sông bờ cõi đã chia”, và:

 

Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập

Cùng Hán, Đường, Tống Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương.

 

Đến thời Nguyễn, trong một bài thơ ngự chế tại điện Thái Hòa, Vua Minh Mệnh một lần nữa khẳng định quốc thổ của Đại Việt vốn được khai mở từ thời Hồng Bàng và đã được nhất thống từ Bắc chí Nam.

 

+ Hai là: trong việc xác lập nền chính trị của đất nước, các vị minh quân luôn nhắc nhở quần thần không được lệ thuộc, sao chép của Trung Hoa. Vua Trần Nghệ Tông nhắc nhở triều thần: “Triều trước dựng nước, có luật pháp, chế độ riêng, không theo quy chế nhà Tống, là vì Nam Bắc, nước nào làm chủ nước đó, không phải bắt chước nhau” (1).

 

+ Ba là: luôn thể hiện vị thế quốc gia – quốc gia với các triều đại phong kiến TQ. Các triều đại phong kiến VN chỉ đôi lần xưng vương, còn lại hầu hết là xưng đế, khẳng định quốc quyền đã được “thiên định”: “Nam quốc sơn hà nam đế cư”! Các triều đại phong kiến TQ xưng Đại Tống, Đại Minh, Đại Thanh thì ở phương Nam các triều đại phong kiến nước ta không chịu chấp nhận mình là nước nhỏ, cũng xưng Đại Cồ Việt, Đại Việt, Đại Ngu, Đại Nam.

 

Trong quan hệ ngoại giao, nhà sử học Phan Huy Chú cho rằng nhà Tiền Lê khi tiếp đãi sứ nhà Tống không chỉ thể hiện được quốc thể, mà còn khiến cho sứ phương Bắc phải khuất phục.

 

Triều Lý thì “cách tiếp ứng thung dung, đắc thể, đủ thấy sự khôn khéo trong việc ngoại giao”.

 

Còn triều Trần “trong khoảng hơn trăm năm, ngăn được sự dòm ngó của TQ mà tăng thêm thanh danh cho văn hiến nước nhà” (2). Sứ thần TQ khi sang nước ta buộc phải theo nguyên tắc: “Lễ tòng nghi, sứ tòng tục” (lễ thì theo thích nghi, đi sứ phải theo phong tục). Sứ nước ta sang TQ thì giữ lấy phong thái, đề cao quốc thể, đối đáp sắc bén, tranh biện rốt ráo.

 

Thời Trần, ngay trên đất Bắc, khi người Tàu ngạo mạn hỏi: “Đông di chi nhân dã, Tây nhi chi nhân dã” (Rợ Đông hay rợ Tây?), Mạc Đĩnh Chi liền đập lại: “Nam phương chi cường dư, Bắc phương chi cường dư?” (để xem người phương Bắc mạnh hay người phương Nam mạnh?)

 

Thời Lê, khi vua Minh nhắc lại chuyện cột đồng Mã Viện (khi chiếm nước ta, Mã Viện cho trồng cột đồng với lời hù dọa: Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt. Nghĩa là cột đồng gãy thì Giao Chỉ sẽ diệt vong) bằng câu hỏi: “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục?” (Cột đồng đến nay rêu đã xanh). Không chút sợ hãi, sứ thần Giang Văn Minh đáp trả: “Đằng giang tự cổ huyết do hồng!” (sông Bạch Đằng từ xưa máu còn đỏ!)

 

+ Bốn là: luôn khẳng Đại Việt là một nước có nền văn hiến lâu đời ngang hàng với TQ. Thời Hậu Lê, mở đầu Bình Ngô đại cáo Nguyễn Trãi đã viết: “Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu”. Thời Nguyễn, vua Minh Mệnh cũng mở đầu bài thơ ngự chế của mình bằng câu “ Nước ngàn năm văn hiến”.

 

Ứng xử với TQ, cha ông ta luôn ý thức bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc gắn liền với bảo vệ độc lập dân tộc. Trong trường hợp mất nước, người Việt vẫn giữ lấy những giá trị văn hóa của mình. Đó là tiếng nói, là đặc điểm thần thánh hóa những người có công với gia đình – làng - nước trong đời sống tín ngưỡng, là truyền thuyết về gốc gác dân tộc...

 

Chấp nhận những giá trị văn hóa Hán nhưng là sự tiếp biến tinh hoa để làm giàu cho văn hóa Việt chứ không tiếp thu thụ động. Ví như Việt hóa một số tín ngưỡng của dân tộc Hán, Việt hóa cách đọc chữ Hán và vay mượn hình tự Hán để tạo ra chữ Nôm. Các tôn giáo Nho, Lão từ TQ truyền sang đều được người Việt tiếp nhận trên cơ sở kết hợp với tín ngưỡng dân gian truyền thống và tất cả đều bị chi phối bởi nhu cầu đấu tranh bảo vệ đất nước của của dân tộc Việt.

 

+ Năm là: để thoát khỏi sự cương tỏa của các triều đại phong kiến TQ, các triều đại phong kiến VN luôn ý thức về việc phát huy sức mạnh quốc gia trên tinh thần Vua - Tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức; và tư tưởng nhân nghĩa “yên dân, trừ bạo” để xây dựng một đất nước thái bình thịnh trị “khắp thôn cùng ngõ vắng không đâu còn tiếng hờn giận oán sầu”, xem đấy là cơ sở để Đại Việt “hùng cứ một phương”.

 

Nếu không có thế ứng xử thoát lệ thuộc như vậy thì chúng ta đã không thoát khỏi số phận bị biến thành quận, huyện của TQ từ cả ngàn năm trước. Và nếu không có thế ứng xử thoát lệ thuộc – nhờ vào sự giúp đỡ của TQ nhưng độc lập tự chủ trong vạch đường lối giải phóng dân tộc, thì cũng khó mà chúng ta có được những thắng lợi to lớn trong các cuộc kháng chiến, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ắt cũng sẽ khó khăn hơn, lâu dài hơn.

 

PGS, TS Ngô Văn Minh
(Học viện Chính trị khu vực III, Đà Nẵng)
 

(1) Đại Việt sử ký toàn thư. T2. Nxb KHXH. H, 1993, tr151. 

(2) Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí. T3. Nxb KHXH. H, 1992, tr 252 – 255.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm