Bạn đọc viết:

Các chỉ tiêu "ảo" không tạo nên thành tích thật cho ngành giáo dục!

(Dân trí) - Thay vì tổ chức quá nhiều kỳ thi, chỉ cần tổ chức 1 kỳ thi nghiêm túc để xác định người nào đủ tiêu chuẩn. Tốt nghiệp phổ cập. Việc dùng kỳ thi đại học, cao đẳng để xác định kết quả cũng là cách để minh chứng ai dủ điều kiện tốt nghiệp…

Kết quả ảo không thể tạo nên thành tích thật trong học tập (minh họa từ internet)
Kết quả "ảo" không thể tạo nên "thành tích" thật trong học tập (minh họa từ internet)

 

Tôi thấy ý kiến của nhiều bạn nêu như vậy cũng có phần đúng. Bên cạnh đó cần có ưu tiên cho các học sinh khuyết tật, thiểu năng trí tuệ, học kém… bằng cách: không hạn chế độ tuổi tốt nghiệp, cho phép lưu ban nhiều hơn 1 năm (trừ các trường hợp vi phạm kỷ luật như đánh nhau, trộm cắp, vi phạm pháp luật).

 

Việc dùng kỳ thi đại hoc, cao đẳng để các định kết quả cũng là cách để minh chứng ai dủ điều kiện tốt nghiệp, kể cả cộng điểm ưu tiên theo quy định của Nhà nước. Khi đó áp lực học thêm, dạy thêm sẽ dần chấm dứt ở các cấp học dưới và sẽ hình thành thói quen: càng học cao càng phải học nhiều, chứ không phải như hiện nay càng học thấp lại càng phải học nhiều.

 

Đã thi chung, chấm chung và tuyển chọn vào ĐH, CĐ thì dĩ nhiên các Hội đồng thi không thể vi phạm và cũng chẳng ai dại gì vi phạm. Sau đó sẽ thống kê và công bố tỷ lệ đỗ ĐH, CĐ, tốt nghiệp của từng trường THPT.

 

Theo tôi, đây mới là cơ sở để đánh giá THÀNH TÍCH của các Sở GD-ĐT, của các trường. Dù có thể chưa phải là thật sự khách quan và công bằng, nhưng chắc sẽ giảm tối đa tiêu cực. Và khi đó giáo viên sẽ chú tâm dạy dỗ hơn so với việc: chấm điểm thi đua và đánh giá năng lực căn cứ tỷ lệ lên lớp, tốt nghiệp, HS giỏi, Khá…v.v...

 

Mà nếu cứ kéo dài tình trạng này,  e là con em chúng ta hoặc một số phải “đầu to, mắt cận”, một số khác không chịu học hành vì áp lực quá lớn. Các em không còn tuổi thơ, không còn thời gian vui chơi giải trí và có cơ hội để thể tiếp cận được với các trò chơi, các môn thể thao và trò giải trí lành mạnh.

 

Cứ vậy khi lớn lên hậu quả có lẽ sẽ khôn lường, bởi hầu hết đều thụ động, lười vận động, mắc các bệnh học đường và suy yếu sức khỏe, chất lượng và hiệu quả công việc sẽ kém dần…

 

Vậy nên tôi cũng ủng hộ giảm và bỏ bớt các kỳ thi, tổ chức chỉ 1 kỳ thi chung. Kiểm soát thật chặt, có quy chế và chế độ thi cử rõ ràng. Chấm dứt tình trạng đưa ra chỉ tiêu phải phổ cập bao nhiêu phần trăm, bao nhiêu đạt khá giỏi. Bởi cũng như 1 đứa trẻ chỉ đủ sức mang 20 kg, các vị cố bắt mang 30kg thì cháu không "gãy xương" cũng bị "đẹt", làm sao lớn nổi?

 

Thanh Bình