Cà phê "nhuộm" pin, thuốc ung thư trộn than tre: Người Việt đang tự giết mình
Hành vi sử dụng pin Con Ó để nhuộm màu cho cà phê đang được cơ quan có thẩm quyền xác minh nhưng rõ ràng, bản thân những viên pin đã chất cực độc, nguy hiểm con người nếu bị nhiễm.
Ngay khi công an tỉnh Đắk Nông cùng đoàn liên ngành kiểm tra cơ sở chế biến càphê bột của gia đình bà Nguyễn Thị Loan (tại xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp) và phát hiện trong xưởng của bà Loan có hàng chục tấn càphê bẩn. Theo đó, chủ cơ sở mua pin thải về đập dẹp, dùng bột màu đen trong lõi pin hòa với nước rồi đem nhuộm với càphê.
Cà phê nghi nhuộm bằng pin nếu con người chẳng may sử dụng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe lâu dà
Nói về mức độ nguy hiểm khi con người chẳng may sử dụng thực phẩm có chứa một số chất trong pin, Ths. Bs Nguyễn Văn Tiến- Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng-Viện Dinh dưỡng Quốc gia- phân tích: Trong pin thường có các kim loại nặng như chì, thủy ngân, kẽm và Asen hay còn gọi là thạch tín… Những chất này đều là những chất cực độc, nguy hiểm cho não, thận, tim mạch và khả năng sinh sản của con người nếu con người chẳng may nhiễm phải.
“Tình trạng ngộ độc mạn tính thường gặp và nguy hiểm hơn do nhiều lần ăn uống phải thức ăn, đồ uống có hàm lượng các nguyên tố kim loại nặng, chúng nhiễm và tích lũy dần rồi gây hại cho cơ thể” – ông Tiến nói.
Vụ thực phẩm chức năng chữa ung thư Vinaca ở Hải Phòng được làm bằng than tre chưa kịp lắng xuống thì dư luận lại hoang mang trước thông tin càphê nghi được nhuộm pin. Qua các sự việc trên cho thấy, hành vi vi phạm về vệ sinh, an toàn thực phẩm đã và đang diễn ra trên cả nước với tính chất nghiêm trọng, chưa có chiều hướng thuyên giảm.
Thuốc ung thư Vinaca CO3.2 là giả, được làm từ bột than tre
Hiện chế tài xử lý một số vụ liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn chưa mang tính chất răn đe. Điều này thể hiện rõ qua việc sản phẩm thuốc Vinaca chữa ung thư làm bằng than tre bị cơ quan chức năng bắt quả tang nhưng chủ cơ sở chỉ bị xử phạt hành chính 44 triệu đồng.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công văn về việc thực hiện Kết luận của Ban Bí thư về ATTP. Từ chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Y tế lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 178/2013/NĐ-CP năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
Một trong những sửa đổi, bổ sung đáng chú ý của nghị định này cơ quan thẩm quyền sẽ tăng mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm an toàn thực phẩm để bảo đảm có tính răn đe, tiến tới đẩy lùi thực trạng thực phẩm bẩn.
Việc điều chỉnh mức phạt đối với hành vi chế biến thực phẩm bẩn được đa phần người dân ủng hộ nhưng chưa đủ. Để tiến tới chấm dứt những câu chuyện tương tự như nhuộm càphê bằng pin, thuốc ung thư làm từ than tre..., cần có thềm sự vào cuộc cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của nhiều bộ ngành.
Theo Hữu Long
Báo Lao động