Ý kiến chuyên gia
Cả họ làm quan và khái niệm “xung đột lợi ích”
Chuyện cả họ được sắp xếp làm cán bộ ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội) xem ra có cái gì không hoàn toàn bình thường...
Nhân đọc bài này:
http://motthegioi.vn/chuyen-hang-ngay/ca-ho-lam-quan-khong-co-tai-sao-duoc-the-231778.html
Chuyện cả họ được sắp xếp làm cán bộ ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội) xem ra có cái gì không hoàn toàn bình thường...
xin có vài dòng về “xung đột lợi ích”.
Trong khoa học vấn đề xung đột lợi ích rất rõ ràng: tác giả một nghiên cứu phải chứng tỏ sự minh bạch và thanh liêm của mình trong các kết quả tìm tòi ra bằng cách nêu hết tên những cơ quan tài trợ của công trình. Nếu một vị mạnh thường quân nào đó đã giúp đở hòng hưởng lợi trực tiếp hay gián tiếp từ khảo cứu thì chắc chắn báo cáo ấy sẽ không một tạp chí nào chấp nhận đăng.
Một khảo cứu y khoa được tài trợ bởi một xí nghiệp dược thì có khả năng là một ...quảng cáo chứ không còn là một công trình thuần khoa học. Các xí nghiệp dược không là những xí nghiệp bất vị lợi.
Trong cuộc sống đời thường, ở Đại học chẳng hạn, luật cấm một cách rõ ràng là cha mẹ vợ chồng không được quyền hỏi thi người cùng gia đình mình. Thật ra, đại đa số những giáo sư Đại học, tự trọng, thường gửi con cái họ theo học ở các trường khác để không gây ra những hoàn cảnh “tế nhị”.
Ở tòa án cũng thế, khi có liên hệ bà con hay tình cảm với bị cáo, các thẩm phán phải kín đáo giao vụ kiện đó cho người khác.
Trên thương trường, ở Bỉ, luật cấm nhờ “tay trong” giúp để mua lại xí nghiệp hay đấu thầu các công trình, ... Mức phạt có thể lên đến 5 năm tù và những bồi thường dân sự khác. Và các thương vụ như thế sẽ bị hủy – dĩ nhiên rồi.
Một cách tổng quát hơn, thông thường ta không thể vừa ...đá bóng vừa làm trọng tài. Một người quản lý, dù là quản lý xí nghiệp hay quản lý quốc gia, không được quyền dùng thế lực quyền hạn của mình để thiên vị vợ chồng hay con cái mình. Thứ nhất tại vì như thế thì không công bằng. Hơn nữa, quyền lợi của xí nghiệp hay của quốc gia là tối thượng, ta cần người tài vào những chức vị chứ không cần người thân.
Đó là một vấn đề vừa đạo đức, lương tâm nghề nghiệp vừa là luật pháp và cuối cùng, đó cũng là sự hữu hiệu hay không của quản lý. Để những liên hệ tình cảm gia tộc chi phối thì quản lý có nguy cơ không thỏa đáng. Tương lai của xí nghiệp, hay của quốc gia có thể bị nguy hại.
Khái niệm “xung đột lợi ích”
Trước nhất xung đột lợi ích được định nghĩa như những tình thế khó xử vì cái chung cái riêng lẫn lộn nhau, đối ngược nhau. Định nghĩa tổng quát này không có ý nói rằng cá nhân nào đó thiên vị và phục vụ cho lợi ích riêng.
Sau đó, nhóm chữ này được dùng để chỉ các tình huống trong đó một cá nhân, hay một tổ chức có thể dùng những vị trí chức vụ khác nhau của mình để lấy những quyết định không hoàn toàn vì lợi ích chung hay vì lợi ích của đám đông mà trái lại, chỉ lo cho lợi ích riêng.
Sự trung lập, công bằng đối xử không được tôn trọng trong các tình huống đó.
Đại đa số các nghề nghiệp, ở trời Âu, đều có “luật nghĩa vụ” (code de déontologie) qui định rõ bổn phận của các thành viên trong đó có bổn phận “quên mình để phục vụ lợi ích người đối diện” - thí dụ điển hình nhất là luật nghĩa vụ của các bác sĩ, luật sư, kiểm toán viên, ...
Ngày xưa, bên ta, một ông quan liêm chính là một người biết từ bỏ lợi ích cá nhân để phục vụ lợi ích
chung. Đó là cách ông giải quyết xung đột lợi ích.
Để tránh những xung đột lợi ích không khó
- Dựa trên đạo đức lương tâm nghề nghiệp của tất cả mọi người. Đây là một luật rộng nhất, không có chế tài nhưng có khả năng hữu hiệu nhất. Đi từ ý thức của mỗi người. Một xã hội đạo đức trong đó mọi người đều có lương tâm nghề nghiệp thì xã hội ấy sẽ sinh hoạt nhịp nhàng tốt đẹp, bảo đảm an bình, trật tự và trường tồn.
- Lập biên giới giữa công quyền và các nhóm công kỹ nghệ. Cấm các quan chức (còn làm việc hay đã nghỉ hưu) tham gia vào các chức quản trị xí nghiệp để tránh những trường hợp khó xử.
- Bổn phận khai báo về liên hệ gia đình. Phân cách rõ “công” và “tư”.
- Cấm một người tham gia đảm trách nhiều chức vụ. Tập trung quyền lực là tăng khả năng xung đột lợi ích.
Nguyễn Huỳnh Mai