Bạn đọc viết:

Bù giá chứ chưa phải tăng lương

(Dân trí) - Mỗi lần đọc thông tin trên báo chí nói về tăng lương, chắc cán bộ công chức nào cũng vui và hy vọng cuộc sống sẽ bớt khó khăn. Tuy nhiên, với đà lạm phát như hiện nay thì chắc chắn việc tăng lương chưa đạt được mục tiêu của các nhà làm chính sách…

Bù giá chứ chưa phải tăng lương - 1
(ảnh minh họa: Tamnhin.net)
 
Dưới góc độ là 1 cán bộ công chức ăn lương nhà nước, tôi thấy cơ quan chức năng quản lý Nhà nước, Quốc hội cần xây dựng 1 chiến lược cải cách tiền lương mang tính đồng bộ hơn. Có thể các cơ quan chức năng cũng đã có những đề án chiến lược này, tuy nhiên dưới góc nhìn của 1 cá nhân mong muốn đưa lên diễn đàn để mọi người trao đổi, tôi xin nêu 1 số quan điểm sau đây:

 

1- Việc tăng lương thời gian qua chưa thực sự đúng ý nghĩa của nó, nói đúng hơn là việc bù giá chứ không phải là tăng lương, mà việc bù giá đó còn chưa chắc đã bằng mức độ lạm phát trên thực tế. Do đó chưa giải quyết được mục tiêu cải thiện đời sống cán bộ công chức. Bên cạnh đó cơ chế cào bằng trong hệ thống lương công chức hiện nay, khó có thể có chính sách nào đem lại hiệu quả nếu không giải quyết nguyên tắc này.

 

2- Về các giải pháp cải cách tiền lương trong thời gian tới: Việc cải cách tiền lương theo tôi cần dựa trên một số nguyên tắc sau:

 

- Cần mạnh dạn áp dụng thí điểm cơ chế khoán chuyên môn trong cơ quan hành chính, tương tự như ngày xưa nông nghiệp có khoán 10 vậy. Công việc quản lý hành chính Nhà nước theo tôi cũng tương tự vậy thôi. Tất nhiên phải xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá kết quả công việc và trách nhiệm đối với từng đơn vị, bộ phận, cán bộ công chức. Dù có thể đâu đó trong bộ máy Nhà nước vẫn có người nghĩ khoán ở đây theo nghĩa tiêu cực, khoán là tư bản, khó khăn trong công tác quản lý...

 

- Xây dựng và phân loại các dịch vụ công có thể giao cho doanh nghiệp, tư nhân thực hiện. Nhà nước chỉ thực hiện chức năng quản lý.

 

- Có cơ chế khuyến khích rõ ràng đối với doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển các dịch vụ công như y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, giao thông vận tải... (cơ chế phải rõ ràng ví dụ như: được cấp đất, cấp vốn ưu đãi xây dựng hạ tầng triển khai dịch vụ...). Các doanh nghiệp sẽ là người quản lý và trả lương cho lao động, giảm gánh nặng ngân sách nhà nước và khuyến khích thúc đẩy các dịch vụ công phát triển.

 

- Xây dựng bộ máy quản lý nhà nước tinh gọn trên nền ứng dụng công nghệ hiện đại. Có cơ chế thỏa đáng, rõ ràng cho cán bộ công chức, minh bạch về cơ chế đãi ngộ cán bộ, lãnh đạo.

 

- Việc tăng lương không nên giữ quan điểm cào bằng, cần có các bậc ngạch để đánh giá năng lực cán bộ và phát huy khả năng làm việc cống hiến cho đất nước. Ngoài ra cần có quỹ lương của từng đơn vị và giao cho thủ trưởng đơn vị quản lý. Thủ trưởng đơn vị có quyền sử dụng quỹ này để khuyến khích các cá nhân, tập thể hoàn thành xuất sắc công việc.
 

- Về công tác tổ chức bộ máy quản lý: cần tăng cường giao quyền và trách nhiệm cho người đứng đầu. Cần cải tiến qui định, qui trình về quy hoạch cán bộ lãnh đạo, bầu cán bộ lãnh đạo để chọn được người có năng lực, có tài phục vụ đất nước. Tôi nghĩ, các doanh nghiệp cũng rất cần người tài. Là nơi trực tiếp làm ra của cải vật chất cho xã hội, tuy nhiên nếu không có cán bộ quản lý nhà nước tốt, không có cơ chế chính sách tốt, không có người điều hành quản lý giám sát tốt thì liệu có môi trường để phát triển được KTXH không, có chống được tham nhũng, lãng phí không?....

 

Xin có vài ý kiến để các bạn cùng bình luận, trao đổi. Xin cảm ơn.

 

Thư ngỏ của Võ Đại Trung 

email:  trungvd1204@yahoo.com