Góc nhìn Luật sư
Bốn lý do không nên mua sở hữu kỳ nghỉ
(Dân trí) - Timeshare là hình thức đầu tư “sở hữu kỳ nghỉ” mới được du nhập vào Việt Nam, tuy nhiên loại hình du lịch này đã gây ra nhiều khiếu kiện, oán thán tại nước ngoài từ lâu. Qua quá trình tham gia bảo vệ quyền lợi ích cho người tiêu dùng trong những vụ khiếu nại, tố cáo một doanh nghiệp tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cho thấy tiềm ẩn rất nhiều rủi ro đối với người tiêu dùng.
Đối với khách hàng, lý do đầu tiên không nên mua Sở hữu kỳ nghỉ là việc phải bỏ ra một khoản tiền thuê phòng đắt gấp nhiều lần mua. Bởi vì đây là một hình thức kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng chỉ mang lại lợi ích cho chủ đầu tư, khách hàng hoàn toàn không có quyền sở hữu bất động sản nhưng luôn được dán mác có “quyền sở hữu kỳ nghỉ” “quyền nghỉ dưỡng”, “chủ sở hữu”.. khiến cho khách hàng nhầm tưởng mình đang có quyền sở hữu bất động sản vừa có thể đầu tư kinh doanh sinh lợi vừa Theo khảo sát của tôi, tại trung tâm của TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, khách hàng hoàn toàn có quyền sở hữu được 01 căn hộ tiện ích có diện tích khoảng 70m2 với tổng giá trị trên 1 tỉ đồng Việt Nam, đã có Giấy chứng nhận quyền sở hữu (“sổ đỏ”) với chất lượng tương khách sạn 4,5 sao. Khách hàng toàn quyền cầm cố, thế chấp, bán, cho thuê, để lại thừa kế... Còn theo Hợp đồng "Sở hữu kỳ nghỉ" của ALMA, tại ngoại ô giá trị cho thuê 01 căn hộ nghỉ dưỡng có giá từ 15.000 USD đến 20.000 USD, nhưng khách hàng chỉ được quyền thuê để ở 01 tuần/năm. Như vậy, đối với 52 tuần/năm, cho 52 khách hàng khác cho thuê với giá thuê như trên thì tổng số tiền/căn hộ có giá trị lên tới trên dưới 1.000.000 USD, nhưng chỉ là người thuê với kiếp “ở trọ” trong căn hộ mà ALMA mới thực sự là người làm chủ.
Bốn lý do không nên mua “Sở hữu kỳ nghỉ”
1- Thuê phòng đắt gập nhiều lần mua
2- Mất không một khoản tiền vô lý
3- Không kiểm soát được phia dịch vụ
4- Book phòng thời gian càng dài, rủi ro càng lớn
Lý do tiếp theo là Khách hàng sẽ mất không một khoản tiền vô lý ngay sau khi ký Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ. Tại các buổi Hội thảo, đại diện chủ đầu tư và các nhân viên sale, marketing đã đưa ra nhiều lợi ích và cam kết phiến diện theo kiểu “thầy bói xem voi” nên rất hấp dẫn với người nghe. Đơn cử, đối với Dự án Khu nghỉ dưỡng ALMA của Công ty TNHH Khu Du lịch Vịnh Thiên Đường đang lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng Việt để dễ dàng thu lợi nhuận đến hàng triệu đô la/căn hộ cho thuê có diện tích 70m2 bằng việc thu ngay một khoản tiền từ 400 đến 800 triệu đồng, thực tế thì với số tiền này người đi du lịch chỉ việc gửi vào ngân hàng, rồi ung dung hưởng lãi xuất hằng năm từ 8 - 10%, tương đương (từ tối thiểu) 32.000.000 đến 80.000.000 VNĐ, với số tiền này người tiêu dùng đủ để du lịch “xả láng” với dịch vụ có chất lượng tương đương, mà không bị bó buộc về không gian và thời gian đi du lịch và nhất là số tiền gốc còn nguyên đó. Như vậy, số tiền người tiêu dùng bỏ ra là hoàn toàn uổng phí, vô lý.
Một lý do nổi bật nữa khách hàng không thể kiểm soát các loại phí dịch vụ chủ đầu tư đưa ra khi phải gánh chịu các khoản phí duy trì hoạt động, phí quản lý, duy tu liên quan đến Dự án bất động sản nghỉ dưỡng với số tiền ban đầu được xác định từ 200 - 300 USD/năm. Tuy nhiên, các khoản phí này trong các năm tiếp theo có thể được chủ đầu tư điều chỉnh tùy ý, đây sẽ là một khoản “chụp mũ tài chính” cho khách hàng, buộc khách hàng Việt phải gánh gồng một cách vô lý rồi đến một ngày, phí dịch vụ có thể đắt hơn cả một chuyến du lịch, cho đến khi khách hàng mệt mỏi và ắt sẽ từ bỏ Hợp đồng thì Chủ đầu tư đã dễ dàng loại bỏ một lượng đông (nếu không muốn nói là tất cả) khách hàng mà không phải hoàn trả bất cứ một đồng nào đối với khoản tiền lớn khách hàng đã bỏ ra khi mua Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ.
Thời gian book phòng thời gian càng dài, rủi ro càng lớn. Tháng trước, tôi dự định đi du lịch ở Đà Nẵng và đã book phòng trước đó một tuần, tuy nhiên vì phiên đàm phán cho thân chủ ở TP. Hồ Chí Minh diễn ra gấp gáp đúng vào thời điểm đó nên đành hủy và tôi đành chịu mất cả tiền phòng, tiền vé máy bay.., Bạn thử tượng tượng điều gì đang chờ đợi chúng ta trong 5 năm, 10 năm hay thậm chí 40 năm như trường hợp của Công ty ALMA, chúng ta sẽ không có câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi này, vì có quá nhiều lý do tiềm ẩn đang chờ đợi chúng ta ở phía trước như ốm đau, bệnh tật, tuổi già, ra nước ngoài định cư…và hàng trăm hàng ngàn lý do khác không thể biết trước, vì ai mà biết trước được ngày mai. Tóm lại, với thời gian book phòng càng dài, rủi ro càng lớn, nhưng điều tệ hại nhất là chúng ta không thể đoán định và kiểm soát được những rủi ro này.
Như vậy, với những quảng bá mỹ miều về khoản “đầu tư tài chính” mang lại lợi nhuận cho khách hàng Việt đối với Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ nhưng thực chất khách hàng phải đối mặt vô số rủi ro. Các chủ đầu tư của các Dự án bất động sản theo mô hình sở hữu kỳ nghỉ đã mang đến cho khách hàng Việt về một khoản đầu tư siêu lợi nhuận... trên Giấy không hơn không kém, một cái bẫy “Đầu tư” hết sức thông minh của Chủ đầu tư mang tên “sở hữu kỳ nghỉ” mang đến cho khách hàng Việt. Do đó. mong các cơ quan quản lý tại địa phương nơi có Dự án cũng như Bộ kế hoạch đầu tư cần thanh tra kiểm tra làm rõ, cảnh báo cho người tiêu dùng Việt Nam thận trọng khi quyết định tham gia vào mô hình sở hữu kỳ nghỉ đang ào ạt tiếp cận khách hàng trong thời gian gần đây.
Luật sư Trương Anh Tú