Ý kiến luật sư

Bồi thường thiệt hại sau tai biến y khoa

(Dân trí) - Tại Mỹ, mỗi năm có tới khoảng 50.000 đến 98.000 người tử vong do sự cố y khoa tại bệnh viện, tại Úc là 18.000 và ở Canada khoảng 15.000 người/năm... Có thể thấy tử vong do sự cố y khoa là vấn đề toàn cầu. Tại Việt Nam, hiện nay chưa có số liệu thống kê tuy nhiên với hàng loạt các sự cố xảy ra tại bệnh viện trong thời gian vừa qua, chúng ta đều hiểu rằng, các ca tai biến tại bệnh viện ở Việt Nam chiếm tỷ lệ không hề nhỏ. Những sự cố y khoa này đã đặt ra một vấn đề chưa thật phổ biến hiên nay ở Việt Nam đó là: Bồi thường thiệt hại sau tai biến y khoa.

Chúng ta phải thống nhất với nhau rằng: Khi người bệnh đến khám chữa bệnh tại cơ sở y tế, người bệnh trả chi phí cho quá trình khám chữa bệnh và cơ sở y tế thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình nhằm bảo vệ sức khoẻ cho người bệnh do đó có thể nói rằng giữa bệnh viện và người bệnh tồn tại một loại hình hợp đồng dịch vụ khám chữa bệnh. Và chủ thể của mối quan hệ này đó chính là người bệnh và bệnh viện. Do đó bệnh viện là đơn vị chịu trách nhiệm trong hoạt động khám chữa bệnh của bệnh nhân.

Theo quy định tại Điều 597 Bồi thường thiệt hại do người của Pháp nhân gây ra thì “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”

Như vậy, pháp luật cũng đã quy định rất rõ trách nhiệm của pháp nhân. Như đã nói ở trên, các sự cố xảy ra tại bệnh viện thì bệnh viện là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong hoạt động khám chữa bệnh do đó bên có trách nhiệm bồi thường đầu tiên sẽ phải là bệnh viện.

Hiện nay, Điều 590, Điều 591 Bộ luật dân sự năm 2015 và Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP cũng đã quy định rất cụ thể việc xác định thiệt hại là căn cứ để bồi thường cho người bị thiệt hại về sức khoẻ, tính mạng. Những quy định này cũng sẽ áp dụng chung đối với các trường hợp người bệnh gặp sự cố y khoa trong bệnh viện.

Bên cạnh đó, Nghị định 104/2016/NĐ-CP cũng đã quy định rất rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước cho người bị thiệt hại khi sử dụng vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chống dịch.

Khi bệnh nhân gặp sự cố y khoa xuất phát từ lỗi của nhân viên y tế thì ngoài việc được bồi thường do tính mạng, sức khoẻ bị xâm hại thì người bệnh hoặc thân nhân còn được bồi thường một khoản tiền bù đắp về tinh thần. Khác với quy định tại Bộ luật dân sự năm 2005 thì Bộ luật dân sự năm 2015 đã tăng mức trần bồi thường tổn thất về tinh thần. BLDS 2015 dùng cụm từ “mức lương cơ sở” thay cho “tháng lương tối thiểu” để tính mức bù đắp tổn thất về tinh thần. Và mức tối đa là 50 lần mức lương cơ sở đối với trường hợp sức khoẻ bị xâm hại và tối đa 100 lần mức lương cơ sở đối với trường hợp tính mạng bị xâm hại.

Mặc dù pháp luật đã có quy định cụ thể về việc bồi thường thiệt hại khi xảy ra sự cố y khoa tuy nhiên, dù sao đi nữa, bác sỹ, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cũng hãy chú ý để hạn chế thấp nhất việc xảy ra những sự cố này. Trong trường hợp xảy ra sự cố, thì người nhà người bị tai biến phải liên hệ khẩn cấp nhân viên y tế để tìm cách cứu chữa, khắc phục. Sau khi giải quyết tình hình khẩn cấp thì cần phải làm việc với người có thẩm quyền giải quyết của bệnh viện như: Giám đốc Bệnh viện hoặc có thể liên lạc đến Đường dây nóng của Bộ Y tế (Điện thoại: 1900.9095; Email: duongdaynong@moh.gov.vn ) hoặc Thanh tra Bộ Y tế (Điện thoại: 024. 62732160; Email: thanhtra@moh.gov.vn ).

Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo

(Phó giám đốc TAT Lawfirm)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm