Bộ trưởng Thăng: Lãnh đạo DNNN chậm cổ phần hóa vì sợ “mất ghế”
(Dân trí) - Tình trạng chậm trễ cổ phần hóa hiện nay có nguyên nhân từ sự “lừng thừng” của các doanh nghiệp Nhà nước mà mấu chốt là người đứng đầu doanh nghiệp, họ lo sợ rằng khi cổ phần hóa xong sẽ không được bầu làm Chủ tịch, Tổng Giám đốc nữa.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: * Tại sao doanh nghiệp vẫn chấp nhận Bitcoin bất chấp rắc rối? * Sáp nhập SouthernBank vào Sacombank: Kịch bản tồi tệ về nợ xấu * Bộ trưởng Thăng: Chủ tịch, Tổng giám đốc DNNN sợ cổ phần hóa vì lo mất chức |
Hiện nay, Bộ GTVT được đánh giá là Bộ thực hiện cổ phần hóa nhanh nhất. Trong việc cổ phần hóa nói chung, “nút thắt” khó khăn nhất được cho là do sự trì hoãn của chính lãnh đạo các doanh nghiệp cần cổ phần hóa. Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, đây là nhiệm vụ chính trị thì phải thực hiện, phải quyết tâm làm bằng được.
“Muốn làm được thì phải xác định trách nhiệm của người đứng đầu, muốn cổ phần hóa thì phải xác định được trách nhiệm của chủ thể, của Tổng Giám đốc doanh nghiệp Nhà nước, mà cao hơn là Bộ trưởng, Thứ trưởng” - Bộ trưởng Đinh La Thăng cho hay.
Bộ trưởng Đinh La Thăng
Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, mấu chốt của “nút thắt” gây chậm tiến độ cổ phần hóa hiện nay là tình trạng một số doanh nghiệp Nhà nước lừng thừng trong việc triển khai.
“Thứ nhất, họ sợ cổ phần hóa xong thì không biết mình có được làm Chủ tịch nữa không, có được làm Tổng Giám đốc nữa không, bởi những chức vụ đó là do cổ đông bầu. Thứ hai, khi cổ phần hóa thì có cả một “rừng” thủ tục” - vị Tư lệnh của ngành giao thông lý giải.
Với các doanh nghiệp ngành GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh: “Chúng tôi xác định Chủ tịch, Tổng Giám đốc phải là người chịu trách nhiệm chính trong việc không thực hiện cổ phần hóa, nếu không hoàn thành nhiệm vụ cổ phần hóa thì chúng tôi sẽ điều chuyển đi làm công việc khác.
Thực tế đã có trường hợp bị chúng tôi đã điều chuyển công tác là lãnh đạo của Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 8. Trong thời gian tới, không chỉ là việc không hoàn thành cổ phần hóa bị điều chuyển mà cả những công việc khác nữa, vì giao nhiệm vụ nhưng không làm hoặc làm chậm thì chúng tôi sẽ điều đi làm việc khác cho phù hợp hơn và đưa người xứng đáng hơn về vị trí đó”.
Ngay từ đầu, Bộ GTVT xác định vụ lật cầu này là rất nghiêm trọng và tại hiện trường Bộ trưởng Đinh La Thăng đã thành lập một Tổ công tác độc lập tìm kiếm thực tế, làm rõ những nguyên nhân của vụ lật cầu.
Vụ sập cầu Chu Va 6 gây hậu quả thảm khốc
Qua báo cáo của Tổ công tác thì nguyên nhân được xác định cầu bị sập không phải là do người dân đi đông trên cầu mà thực tế là do việc thi công không đảm bảo theo đúng thiết kế, thiết diện chịu lực chỉ đảm bảo được 50%, quy trình chế tạo ắc eo không đúng thiết kế, chính vì vậy dẫn tới đứt ắc neo đã dẫn tới sập cầu. Trên cơ sở khoa học và thực tế như vậy, Bộ GTVT đã đề xuất với Bộ Công an và UBND tỉnh Lai Châu khởi tố vụ án, từ đó xác định và truy cứu trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị có liên quan.
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, cây cầu có giá trị không lớn, chỉ hơn 1 tỷ đồng, nhưng mức độ sai phạm thì rất nghiêm trọng bởi cầu sập đã làm chết nhiều người, bị thương rất nhiều người, quan trọng hơn là gây mất niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan quản lý Nhà nước.
“Chúng tôi xác định phải khẩn trương khắc phục hậu quả cũng như xác định rõ nguyên nhân, đề nghị khởi tố và truy cứu trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị có liên quan. Đó chính là lời xin lỗi thiết thực nhất đối với người dân” - Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.
Cam kết đảm bảo tiến độ các công trình giao thông
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, nguyên nhân đầu tiên dẫn đến chậm tiến độ là do vấn đề giải phóng mặt bằng, tiếp đó là do năng lực của các chủ thể tham gia vào quá trình tổ chức triển khai dự án như Ban quản lý dự án, nhà thầu thi công, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát… Để giải quyết được tình trạng chậm tiến độ thì Bộ GTVT đã tập trung vào những vấn đề đó.
Cao tốc Nội Bài - Lào Cai sẽ thông xe toàn tuyến trong năm 2014
Theo Bộ trưởng Thăng, trước hết là phải phối hợp với các địa phương trong việc tuyên tuyền, tổ chức giải quyết đền bù giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho người dân đến nơi ở mới. Thứ 2 là siết chặt các Ban quản lý dự án, nâng cao chất lượng công tác tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát. Với nhà thầu thì công thì chúng tôi sẽ tổ chức phân loại, theo đó loại nhà thầu nào được thi công các công trình trọng điểm, loại nhà thầu nào thì chỉ thi công tỉnh lộ hay quốc lộ. Đặc biệt là sự tăng cường kiểm tra, giám sát công trình của lãnh đạo Bộ GTVT.
“Có thể nói các dự án trọng điểm đã khắc phục được tình trạng chậm tiến độ trước đây, như: Nội Bài - Lào Cai sẽ tổ chức thông xe toàn tuyến trong năm 2014 này. Tất cả các dự án giao thông trọng điểm đã và đang triển khai sẽ đảm bảo tiến độ, vượt tiến độ và đảm bảo chất lượng” - Bộ trưởng Đinh La Thăng cam kêt.
Ưu số 1 là đảm bảo an ninh an toàn hàng không
Bộ GTVT đã có chỉ đạo các cơ quan của Bộ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ngoại giao để kịp thời có thông tin về các nhóm khủng bố, thông tin về các thủ đoạn, phương thức hoạt động khủng bố cũng như việc sử dụng hộ chiếu giả, sử dụng giấy tờ giả, tất cả các biện pháp được tăng cường nhằm mục tiêu đảm bảo an ninh, an toàn hàng không.An ninh hàng không được thắt chặt để đảm bảo an toàn cho chính người dân
Với đề xuất sửa đổi hơn 30 điều Luật Hàng không dân dụng sửa đổi, Bộ GTVT yêu cầu cao hơn về việc đảm bảo an ninh an toàn hàng không, tăng cường trang thiết bị và hiện đại hóa các phương tiện đảm bảo an ninh an toàn hàng không, nâng cao điều kiện và tiêu chuẩn cho người trực tiếp làm công tác đảm bảo an ninh an toàn hàng không.
“Chúng tôi xác định đảm bảo an ninh an toàn là ưu tiên số 1 trong hoạt động hàng không. Việc tăng cường áp dụng các biện pháp đảm bản an ninh hàng không Cấp độ 1 chắc chắn sẽ gây những phiền hà cho người dân, nhưng chúng tôi mong rằng người dân sẽ chia sẻ, vì trước hết các biện pháp này cũng là để đảm bảo an toàn cho chính hành khách đi máy bay, đảm bảo cho chính người dân” - Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định.