Biết ơn các y bác sĩ: Đừng chỉ nói thôi mà hãy hành động có trách nhiệm!
(Dân trí) - Có những y bác sĩ cả mấy tháng không về nhà, có ông bố chào đón con yêu ra đời qua màn hình điện thoại vì không về được, có người kiệt sức vì chống dịch…tất cả đều là sự hy sinh lớn lao...
Đã có biết bao hình ảnh, câu chuyện về "lương y như từ mẫu" kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam. Có những bác sĩ đã 3-6 tháng không về dù nhà rất gần bệnh viện. Trong giây phút giao thừa thiêng liêng, họ không có mặt sum vầy cùng gia đình mà dành ưu tiên đó cho những người bệnh. Cảm động hơn nữa, có bác sĩ ngắm con yêu vừa chào đời qua màn hình điện thoại. Có những người mẹ vừa phải chuyên tâm cho công tác điều trị, vừa phải quán xuyến việc gia đình qua những cuộc gọi lúc nửa đêm muộn. Có cô y tá trẻ vừa lên xe hoa đã phải xa chồng…
Trong những ngày cao điểm chống dịch, nhiều nhân viên y tế tại Đà Nẵng đã rơi vào tình trạng kiệt sức do làm việc quần quật nhiều ngày liên tục. Gần đây, một nữ y sĩ tại Bình Dương cũng ngất xỉu phải đi cấp cứu do khối lượng công việc ở khu cách ly quá lớn.
Họ đã nỗ lực hết sức với trách nhiệm công dân và tinh thần của Lời thề Hippocrates để đảm bảo an toàn là số 1 và không ai bị bỏ lại phía sau. Tấm lòng "từ mẫu" của các y bác sĩ Việt Nam đã có sức lay động xuyên biên giới. Chắc hẳn, mọi người vẫn nhớ câu chuyện phi công người Anh mắc Covid-19 được chữa khỏi tại Việt Nam. Dù được tiên lượng rất xấu, phải dùng phương pháp ECMO (tim phổi nhân tao) nhiều ngày do những tổn thương nặng ở phổi cùng nhiều bệnh nền mãn tính, nhưng cuối cùng bệnh nhân đã phục hồi và về nước sau 3 tháng điều trị.
Nhiều tờ báo quốc tế đã ca ngợi việc cứu sống phi công người Anh như một biểu tượng thành công của Việt Nam trong chống Covid, một thành tích y khoa đáng kinh ngạc khi cơ hội sống sót của bệnh nhân chỉ có 10%.
Nhiều bệnh nhân khác dù cận kề cửa tử hay một em bé mới chỉ mới 21 ngày tuổi, một cụ bà xấp xỉ 100 tuổi cũng đã chiến thắng Covid-19 nhờ sự điều trị tận tâm của các y bác sĩ.
Những ngày này vào dịp Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, trên các trang báo, mạng xã hội ngập tràn những lời chúc tốt đẹp với đội ngũ y bác sĩ. Nhưng có lẽ việc bày tỏ lòng biết ơn với họ không chỉ ở những lời chúc ấy mà quan trọng hơn cả là hành động cụ thể của mỗi chúng ta. Nếu mỗi y bác sĩ là một chiến sĩ nơi tiền tuyến, thì mỗi người dân hãy là một hậu phương vững chắc để cùng chung tay làm nên chiến thắng vẻ vang vì chống dịch cũng như chống giặc.
Khi có những con người sẵn sàng bỏ lại phía sau cả gia đình họ, căng mình vì sức khỏe của cả cộng đồng thì thật đáng buồn vẫn có những người miệng hô hào thực hiện khẩu hiệu 5K nhưng lại lơ là, coi dịch như vẫn ở nơi xa lắm. Không ít người vi phạm quy định phòng chống dịch như trốn khai báo y tế, tung tin sai lệch về tình hình dịch bệnh, trốn cách ly, xuất nhập cảnh trái phép…
Tuy ở thời điểm hiện tại, tình hình dịch tại Việt Nam đã cơ bản được khống chế nhưng vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Vì thế, công cuộc chống Covid -19 cần sự chung sức đồng lòng của toàn dân ngay từ những việc đơn giản nhất. Có những y bác sĩ ở lại viện hàng tháng để điều trị cho bệnh nhân Covid thì cớ sao ta lại ngại đeo một chiếc khẩu trang khi ở nơi công cộng hay không thể hoãn thú vui nào đó để giữ an toàn cho bản thân và người khác. Bên cạnh đó, mỗi người có ý thức giữ gìn sức khỏe, lắng nghe cơ thể mình với tâm niệm "bác sĩ tốt nhất của mình là chính mình" sẽ giúp giảm tải rất nhiều cho hệ thống y tế.
Hãy nhớ, bao con người đang ngày đêm xả thân để đối phó với dịch bệnh nhưng tất cả cố gắng ấy có thể sẽ bị phá nát chỉ bởi một hành động thiếu trách nhiệm nào đó. Vì thế, nếu thực sự biết ơn các y bác sĩ, thì hãy suy nghĩ và hành động có trách nhiệm!
Có khó khăn, hoạn nạn mới thêm hiểu lòng nhau. Những ngày tháng chống Covid-19 đã giúp chúng ta hiểu thêm về nghề y, một nghề cao quý!