Bạn đọc viết

Bệnh “trộm cắp”

tại sao họ dư tiền để đi du lịch trời Tây mà vẫn ăn cắp, ăn trộm những thứ mà giá trị vật chất không lớn so với sự tiêu xài hằng ngày của họ? Có lẽ đây là một đề tài thú vị mà các nhà tâm lí học nên nghiên cứu.

 

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Chuyện trộm cắp của dân mình khi đi ra xứ người không còn là sự lạ nhưng câu chuyện một hướng dẫn viên du lịch kể về hai thanh niên Việt trộm cắp ở Thụy Sỹ gần đây khiến dư luận phẫn nộ. Phẫn nộ vì họ lại trát thêm một vết nhơ lên hình ảnh người Việt trong con mắt bầu bạn.

Người hướng dẫn viên này có con mắt tinh đời khi ngay từ đầu nhận đoàn, anh đã thấy hai vị khách trẻ tuổi bộc lộ cái sự “không tử tế”: “Nhỏ tuổi nhất trong đoàn, ngồi chỗ đẹp nhất trên xe, ăn nói ngang ngược nhất, luôn trễ giờ bắt cả đoàn phải đợi. Tôi biết là họ nhiều tiền và tiêu tiền nhiều nhất cả đoàn. Tôi và hướng dẫn viên địa phương cũng đã cảnh báo không được tắt mắt nhưng không vào tai họ”.

Chừng ấy thông tin, người đọc cũng đủ để hình dung ra họ là ai. Ít tuổi nhưng nhiều tiền, chắc chắn không phải con nhà thường dân, họ đích thị thuộc hàng “cậu ấm cô chiêu”quen sống trong nhung lụa, nuông chiều. Giành chỗ ngồi tốt trên xe, ăn nói ngang ngược, bắt mọi người phải chờ đợi, họ đã bộc lộ thói quen của những kẻ chỉ biết đến bản thân, coi thường thiên hạ. Những kẻ như thế này không hiếm trong xã hội ta bây giờ bởi một bộ phận không nhỏ đang giàu lên một cách bất chính. Trong một môi trường sống mà vật chất, tiền bạc là hàng đầu thì tất sẽ nảy sinh những lớp người coi trời bằng vung bởi cái triết lí có tiền là có tất cả.

Nhưng tại sao họ dư tiền để đi du lịch trời Tây mà vẫn ăn cắp, ăn trộm những thứ mà giá trị vật chất không lớn so với sự tiêu xài hằng ngày của họ? Có lẽ đây là một đề tài thú vị mà các nhà tâm lí học nên nghiên cứu.

Dân mình từ xưa đến nay vẫn coi cái chuyện ăn cắp là chuyện vặt. Vâng đúng thế, chúng ta vẫn nghĩ đó là chuyện vặt. Trộm một quả ổi trong vườn hàng xóm, một trái dưa ngoài bãi sông, một cây mía trên ruộng…   nào có đáng chi về giá trị vật chất. Vậy mà, cái sự không đáng chi ấy, nó cứ tích tụ dần thành thói quen tự bao giờ không biết, nó ngấm vào máu thịt, thành bản năng không cưỡng lại được. Túng thiếu trộm đã đành, cả đến khi đã có cuộc sống vật chất ứ thừa, người ta vẫn cứ thích trộm, dù giá trị vật chất trộm được chẳng đáng là bao, ví như vị giám đốc một công ty tên tuổi ở TP.HCM dạo nọ lấy trộm ô dù trong siêu thị tại Nhật.

Những cậu ấm cô chiêu nói trên sinh ra đã sống trong nhung lụa, trong phòng máy lạnh, có lẽ chưa bao giờ biết vườn hàng xóm, bãi sông hay ruộng mía đâu mà ăn trộm? Nhưng máu tắt mắt đã có trong con người họ, như một thứ gen di truyền, một thứ gen xấu xí trong nhân cách mà hễ có điều kiện là bộc phát.

Vậy là ăn cắp, ăn trộm đã thành bệnh. Nó không thuộc hàng tứ chứng nan y nhưng nguy hiểm lắm. Ở tầm quốc gia, nó hiện hình là những quan tham ra sức vơ vét của công kiểu như Giang Kim Đạt, Phạm công Danh. Hậu quả của sự đục khoét ấy thì ai cũng biết: Ngân sách thâm thủng, nợ công tăng, dân phải còng lưng gánh nợ. Ở tầm quốc tế, nó đội lốt khách du lịch như hai thanh niên kia, sẵn sàng lấy cắp bất cứ thứ gì mình thích, bất chấp liêm sỉ, danh dự quốc gia. Trộm cắp đối với họ đã thành bản năng, chưa hẳn là lòng tham. Phàm cái gì đã thành bản năng thì thật khó sửa.

Bởi thế, để trị căn bệnh này rõ ràng là không thể có một thứ thuốc đặc hiệu nào. Cần một sự lột xác từ giáo dục cho đến quản trị xã hội. Một môi trường sống, học tập và làm việc trong sạch, lành mạnh là điều kiện cần để hình thành nhân cách con người và những giá trị văn hóa tốt đẹp của xã hội.

Nguyễn Duy Xuân