Bệnh thành tích thật là nguy hiểm!
Chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục chỉ có thể thực hiện được khi đội ngũ nhà giáo Việt Nam vững vàng về chuyên môn, toàn tâm toàn ý với sự nghiệp "trồng người", miễn nhiễm với bệnh thành tích và bệnh vô trách nhiệm đối với học trò.
Tối thứ bảy 15/2, bản tin thời sự VTV có phóng sự về trường hợp học sinh tiểu học ở Nghệ An sắp học xong chương trình lớp 3 mà hầu như không thể viết từ đơn giản cũng như đọc hiểu. Bố của cháu bé vô tình phát hiện ra sự việc, xin với nhà trường cho con học lại từ lớp 1, nhưng không được chấp thuận.
Một tuần trước khi xuất hiện bản tin trên, báo chí đưa tin "có 5 học sinh Trường Tiểu học Thanh Vân, xã Thanh Vân, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An đều không biết đọc, không biết viết nhưng vẫn tuần tự lên lớp". Trong bài viết có tựa "Không biết chữ vẫn lên lớp 4", tác giả nêu kỹ về trường hợp của cháu Nguyễn Thị Lê, người đã "được học hè để lên lớp 4 nhưng viết không được, đọc cũng chẳng xong". Bố của cháu Lê bức xúc, chất vấn nhà trường - một trường chuẩn quốc gia hẳn hoi, một lãnh đạo nhà trường "đối lại", đại để là gia đình không chăm bẵm con mình nên mới ra nông nỗi (!?). Chuyện không dừng ở đó, theo lời người viết thì ngoài Nguyễn Thị Lê còn có vài học sinh của trường này ở vào tình trạng tương tự.
Với trường hợp của cháu Lê, người trong cuộc có nhiều cách biện giải, như một vị sống sượng rằng trường chuẩn quốc gia có… "tiêu chuẩn" 5% học sinh yếu kém. Nhưng nói giỏi đến mấy đi nữa thì cũng không giấu được sự thật. Sự thật, như lời người bố thì "năm ngoái mỗi lần thấy con bỏ học về giữa chừng, tôi hỏi vì sao về, con tôi nói hôm nay có đoàn thanh tra dự giờ nên cô cho mấy đứa học kém về" (!). Sự thật, có phải là bệnh thành tích ở Thanh Vân?
Chuyện ở Thanh Vân không phải cá biệt, ngay cả khi, vì nhiều lý do mà đa số việc học sinh yếu kém vẫn lên lớp đều đều, không được thầy cô đầu tư thời gian chăm sóc đặc biệt để nâng cao nhận thức nhưng không được dư luận biết tới. Cách nay nhiều năm, VOV từng đưa chuyện ở một huyện thuộc tỉnh Kiên Giang, khá giống với trường hợp mới đây ở Thanh Vân. Năm ấy, cũng là chuyện học sinh đều đều lên lớp 7-8 dù "đọc không thông, viết không thạo" và chuyện chỉ được phát hiện bởi người ngoài ngành giáo dục (một cán bộ đoàn). Cũng đã nhiều năm nay, liên quan đến những việc tương tự, giới truyền thông đã hình thành cụm từ "ngồi nhầm lớp" - ý chỉ những trường hợp học hành kém cỏi, lẽ ra phải lưu ban nhưng vì lý do nào đó mà vẫn được cho lên lớp đều đặn.
Chuyện ở Nghệ An, chuyện ở Kiên Giang, chuyện Đồi Ngô - Bắc Giang (và còn ở đâu nữa?) không chỉ mang màu sắc bệnh thành tích, mà đồng thời có hơi hướng của một loạt bệnh khác, như bệnh hình thức, bệnh vô trách nhiệm, bệnh gian dối… Tập hợp lại, những chứng bệnh ấy thể hiện rõ sự nguy hiểm đặc biệt, để lại hậu quả nặng nề đối với thế hệ trẻ và cộng đồng nói chung, có thể hủy hoại tương lai của những cá nhân trong cộng đồng rộng lớn, gieo rắc một lề lối làm việc không thể chấp nhận được.
Những năm qua, ngành giáo dục tuyên chiến với bệnh thành tích, thói gian lận thông qua cuộc vận động "Hai không". Thành tích có nhiều, được biết qua số liệu thống kê hằng năm, qua biểu hiện vào cuộc quyết liệt của ngành trên bình diện rộng. Tuy thế, thay vì dàn trải, cần phải tính đến những giải pháp mang tính trọng tâm nhằm tạo bước đột phá, hướng đến mục tiêu cơ bản là nâng cao chất lượng đội ngũ người thầy. Chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục chỉ có thể thực hiện được khi đội ngũ nhà giáo Việt Nam vững vàng về chuyên môn, toàn tâm toàn ý với sự nghiệp "trồng người", miễn nhiễm với bệnh thành tích và bệnh vô trách nhiệm đối với học trò.
Theo Dục Tú
Hà Nội Mới