Bệnh thành tích!
Bệnh thành tích, trong một góc nhìn không thuận chiều, suy cho cùng phải gọi đó là bệnh giả dối, gian dối nhằm mục đích vụ lợi. Tác hại của nó rất nghiêm trọng, thậm chí đặc biệt nghiêm trọng.
Nói về bệnh thành tích, có quan điểm cho rằng, đó là do “ văn hóa và thói quen”, nên dù đã có nhiều biện pháp nhưng bệnh thành tích vẫn tồn tại.
Bệnh là danh từ chỉ trạng thái cơ thể, hoặc bộ phận cơ thể hoạt động không bình thường. Nghĩa phái sinh của nó chỉ thói xấu, khuyết điểm về tư tưởng gây ra những hành động đáng chê trách hoặc gây tác hại. Đã là bệnh thì có bệnh nhẹ, có bệnh nặng, có bệnh hiểm nghèo, mỗi loại bệnh phải có phác đồ điều trị khác nhau.
Với bệnh thành tích, chúng ta thử xem tác hại của nó đến đâu để “nhìn quả luận nhân”, tìm ra nguyên nhân của bệnh và có phác đồ điều trị phù hợp.
Trước hết, bệnh thành tích cho ra sản phẩm giả mạo, gian dối, che giấu chất lượng thấp bằng những nhãn mác in dấu chất lượng cao. Nếu đó là thực phẩm thì người tiêu dùng có nguy cơ nhiễm bệnh, thậm chí ung thư; nếu đó là giáo dục thì sinh viên ra trường không tìm được việc làm do không đáp ứng được nhu cầu thực tế tương ứng với bằng cấp; nếu đó là dược phẩm kiểu thuốc trị ung thư giả, thuốc bằng than tre thì người bệnh vừa mất tiền, vừa mất cơ hội chữa bệnh, đẩy nhanh đến hậu quả tử vong; nếu đó là dự án, công trình xây dựng thì nguy cơ đổ sập, cháy nổ chết người rình rập cư dân… Có thể nói, với từng lĩnh vực, ai cũng thấy hậu quả của bệnh thành tích rất phức tạp và khôn lường.
Nhưng đó có đơn giản là văn hóa, là thói quen, là thích khen, là thích tâng bốc hay không? Xem ra nguyên nhân phức tạp hơn thế rất nhiều.
Thử nhìn bệnh thành tích trong công tác cán bộ thì thấy rất rõ điều này. Những phần thưởng được trao dựa trên không ít báo cáo thành tích gian dối tạo cơ hội cho người được khen thưởng sớm tăng lương trước thời hạn, dễ được thăng chức, bổ nhiệm vào những chức vụ cao hơn. Không ít cán bộ cao cấp bị truy tố trước pháp luật đã chứng minh rất rõ điều này. Họ đã đi lên bằng việc che giấu những sai phạm nghiêm trọng, bằng những thành tích hào nhoáng, không có thật, nhưng lại được hợp thức hóa bằng những phần thưởng cao quý. Bệnh thành tích kiểu này làm thui chột nhiệt huyết của những người chân chính, làm việc và cống hiến thật sự nhưng không thuộc phe nhóm của thủ trưởng đơn vị, gây chán nản, mất lòng tin cho những cán bộ cấp dưới.
Nhìn ở góc độ kinh tế, dù chưa có thống kê đầy đủ, nhưng những vụ án thất thoát rất nhiều tỷ đồng được dư luận quan tâm thời gian qua có bóng dáng của bệnh "thành tích". Đơn cử một kiểu bệnh thường thấy là đẩy nhanh tiến độ dự án, công trình để chào mừng một sự kiện nào đó. Chỉ cần có chỉ đạo như vậy là người ta sẵn sàng bỏ bớt công đoạn trong quy trình từ chi tiền, thi công đến nghiệm thu… miễn sao đúng ngày để có thành tích cho thủ trưởng cắt băng. Và hậu quả của việc chạy theo thành tích bằng mọi giá là dự án, công trình dự án không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo an toàn...
Bệnh thành tích, suy cho cùng phải gọi đó là bệnh giả dối, gian dối nhằm mục đích vụ lợi. Tác hại của nó rất nghiêm trọng, thậm chí đặc biệt nghiêm trọng. Căn bệnh này làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào một bộ phận “công bộc của dân”, làm sai lệch những chuẩn mực xã hội, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước,...
Theo Đăng Dương
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam