Bạn đọc viết

“Bệnh” kỉ lục, sao không chịu chữa?

Thời gian gần đây, nhiều kỉ lục liên tiếp được xác lập ở xứ ta. Trong số hàng chục, hàng trăm kỉ lục được lập ấy, có những kỉ lục đáng tự hào, nó bổ sung, làm giàu thêm văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, có không ít những kỉ lục thuộc hàng vô bổ, được lập bởi thói háo danh, bệnh sĩ, hình thức và dĩ nhiên là phản cảm.

Sự xuất hiện những kỉ lục loại này không những không tôn vinh được cái đẹp mà còn gây bất bình trong xã hội bởi sự a dua một cách vô văn hóa và lãng phí tiền bạc. Cái được duy nhất của những kỉ lục vô bổ này là làm quáng cáo cho những cá nhân, doanh nghiệp đã bỏ tiền ra ‘tài trợ”. Nói tài trợ cho “đẹp” chứ thực chất là lợi dụng sự kiện để quảng bá, đánh bóng tên tuổi.

Chiếm hầu hết những kỉ lục loại này là sản phẩm ẩm thực. Hết bánh chưng, bánh dày khổng lồ đến bánh phồng tôm, tô hủ tiếu… Những sản phầm này kích thước thì kỉ lục nhưng chất lượng thì phần lớn là hạng… bét, thậm chí không thể ngửi được như tô hủ tiếu ở Sa Đéc hôm 12/2/2015 vừa qua, hay giả tạo như bánh dày cung tiến Vua Hùng độn mút xốp hồi 2008.

Những kỉ lục nói trên dù là vô bổ nhưng sự lãng phí tiền bạc chưa phải là ghê gớm. Có loại kỉ lục mà cái sự tốn kém và lãng phí lên đến hàng chục, hàng trăm tỉ đồng. Bỏ ra một núi tiền nhưng giá trị lan tỏa về mặt văn hóa hay giá trị sử dụng của sản phẩm kỉ lục thì chẳng đáng là bao. Rốt cuộc cũng chỉ để giải quyết khâu oai và cái sở thích phù phiếm: To nhất, dài nhất, cao nhất mà thôi.

Bài học đau đớn nhất cho thói tư duy “khổng lồ” là sự sụp đổ của bức tượng Phật cao nhất miền Bắc tại chùa Sắc Thiên Vương (thôn Tô Xuyên, xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) hồi đầu tháng 7 vừa qua. Giá như người ta đừng thích to, thích cao thì chắc chắn hàng tỉ đồng (dù là tiền công đức) sẽ không tan thành mây khói và trong lòng phật tử sẽ không có những băn khoăn trăn trở bởi tượng Phật chưa xây xong đã sập. Mới hay, niềm thành kính, tôn thờ Đức Phật đâu phải ở hình thức bức tượng to hay nhỏ, điều quan trọng là từ tâm của mỗi người. Phật đau đáu với bể khổ của chúng sinh chắc chẳng vui vẻ gì khi được tôn thờ bằng những pho tượng khổng lồ, tốn kém đến như vậy?

Đã đến lúc chấm dứt tình trạng nhà nhà, người người đua nhau làm kỉ lục mà không cần quan tâm đến hiệu quả của nó. Về mặt quản lí nhà nước, đề nghị Bộ Văn hóa-Thể thao & Du lịch sớm vào cuộc, đưa ra chế tài cụ thể thẩm định giá trị văn hóa và ý nghĩa xã hội của kỉ lục được xác lập; loại bỏ từ trong ý tưởng những kỉ lục vô bổ, phản cảm gây lãng phí tiền bạc của nhà nước và nhân dân.

Nguyễn Duy Xuân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm