Bất thình lình… sung sướng

Chưa đầy một tuần sau khi sốc vì cú “đánh úp” tăng giá xăng, người dân lại được phen bất thình lình sung sướng vì thông tin sắp được đóng thêm phí.

1.Bị đóng thêm phí, và phí cao nhưng chỉ có lợi. Hiệu ứng “sung sướng” bất thình lình đó theo sau khẳng định mới đây của một thứ trưởng ngành GTVT liên quan đến việc mở rộng QL1 lên 4 làn.

Theo ông, do nguồn vốn ngân sách eo hẹp, dự án nâng cấp mở rộng trục quốc lộ xương sống Bắc – Nam dài 1.700 km này sẽ chủ yếu được thực hiện bằng hình thức đầu tư BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Kèm theo đó, sẽ có hơn 20 trạm thu phí BOT mọc lên, với mức phí tối đa có thể tăng lên 3,5 lần quy định hiện hành.

Đáp lại những lo ngại mà báo chí đặt ra, thứ trưởng cho rằng việc thu phí này chỉ có lợi cho doanh nghiệp (DN). Cái lý đưa ra là DN tuy phải đóng thêm phí nhưng chi phí vận hành giảm do đường xá thuận lợi hơn. Để chứng minh, ông dẫn ra trường hợp đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương, hiện có mức đóng phí BOT rất cao, nhưng nhiều DN vẫn chọn sử dụng.

Ngược lại với thứ trưởng, hầu hết giới doanh nghiệp vận tải và người dân khó có được niềm lạc quan đó. Lo ngại lớn nhất xoay quanh vấn đề phí chồng phí sẽ tạo thêm gánh nặng cho DN, khi mà bắt đầu từ năm 2013 việc thu phí bảo trì đường bộ đã đi vào thực hiện.

Chúng ta nhớ lại lời hứa hôm nào của Bộ GTVT khi trấn an về việc thu phí bảo trì đường bộ, rằng Bộ sẽ dỡ bỏ dần các trạm thu phí. Nhưng lục lại trí nhớ thêm chút nữa, chúng ta sẽ thấy quả đúng như thứ trưởng nói, không có chuyện phí chồng phí, vì Bộ đã nói rõ là bỏ trạm thu phí nhà nước nhưng vẫn giữ… trạm BOT.

Và vấn đề là ở chỗ đó. Theo thống kê tính đến đầu năm nay, cả nước có 56 trạm thu phí, thì có đến 30 trạm BOT (chiếm quá bán). Hồi tháng 2, một chuyên gia lĩnh vực cầu đường đã chỉ ra: “Ở Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, do thiếu vốn và thiếu tính minh bạch trong quá trình sử dụng vốn Nhà nước, nên hình thức BOT đã được xem như một giải pháp để duy trì và phát triển hệ thống giao thông, từ đó dẫn tới việc đặt trạm thu phí bủa vây khắp thành phố”.

Trong khi đó, tình trạng ngân sách eo hẹp chắc chắn sẽ không kết thúc trong một sớm, một chiều. Dễ hình dung là sẽ tiếp tục còn nhiều dự án BOT, kèm theo viễn cảnh các trạm thu phí dày đặc mọc lên, cho dù người dân đã đóng phí bảo trì đườngbộ.

Cách đây vài ngày, một bài báo ước tính, khi dự án mở rộng QL1 hoàn thành, phí phải nộp của xe trọng tải 25 tấn chạy chuyến Bắc - Nam có thể lên tới trên 3 triệu đồng/chuyến, chưa kể mức thu còn tăng 3 năm một lần. Và tất nhiên, những chi phí này cuối cùng sẽ đổ vào đầu người dân, khi các DN buộc phải nâng cước vận tải.

Không chỉ viện lý (rất chắc chắn), vị thứ trưởng Bộ GTVT còn nhấn mạnh đến cái “tình” khi 2 lần kêu gọi người dân phải “đồng tình” thì mới có đường tốt, và phải “chia sẻ” với khó khăn của nhà nước.

Về chuyện đồng tình, thì nếu không muốn, các DN và người dân cũng khó có lựa chọn nào khác. Bởi thực tế hiện nay, trên tuyến Bắc Nam mới chỉ có QL1 là con đường độc đạo, do đường Hồ Chí Minh chưa thể đáp ứng.

Còn về chuyện chia sẻ, một bài báo mới đây sau khi thống kê cơ số lần lãnh đạo các ngành kêu gọi người dân thể hiện phẩm chất này, đã đi đến câu hỏi: “Ai sẽ thông cảm cho dân?”

Mà đâu chỉ có chia sẻ, người dân còn cần rất nhiều phẩm chất khác mới khả dĩ đáp ứng mong đợi của các nhà lãnh đạo. Chẳng hạn, tới đây, nếu không may quốc lộ vừa nâng cấp xong đã “kịp thời” xuống cấp, chúng ta lại cần đến phẩm chất bao dung để chịu đựng, chờ đợi.

Khả năng này không hề khó xảy ra. Còn nhớ cao tốc 10.000 tỷ Sài Gòn - Trung Lương (đã được thứ trưởng viện dẫn khi chứng minh hiệu quả của đóng phí) đưa vào khai thác chưa lâu đã xuất hiện hàng loạt bong tróc, ổ gà. Không chỉ vậy, những hư hỏng cả năm trời vẫn không được khắc phục.

Và “nếu điều đó xảy ra” với QL1 sau nâng cấp, liệu người dân có phải tiếp tục “chia sẻ” để nhẫn nại nghe bài ca muôn thuở: trách nhiệm tập thể? 

Bất thình lình… sung sướng

2.Cũng liên quan đến chuyện phương tiện giao thông, trước chưa đầy một tuần thông tin “được” đóng thêm phí, người dân vừa được phen sốc vì giá xăng tăng đánh úp.

Nói“đánh úp” là vì sau 20 ngày giá xăng đầu thế giới giảm liên tiếp, theo lẽ thông thường, ai cũng chờ đợi giá xăng trong nước sẽ giảm. Nhưng một hôm tối trời nọ, giá xăng bất thình lình tăng lên mức kỷ lục 24.580 đồng trong sự ngơ ngác của cả nước.

Một lý do cho đợt tăng giá này là nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu xăng ra các nước láng giềng, do giá xăng của ta đang rẻ hơn. Nhiều người không khỏi liên tưởng đến chuyện mới đây, suýt nữa quy định phạt đội mũ bảo hiểm rởm đã được chuyển lên đầu người dân.

Một lý do khác được nêu ra là do Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) đã cạn. Bảo cạn thì biết là cạn, chứ thực tế cho đến giờ chuyện vận hành cái quỹ đó ra sao đối với hầu hết người dân mà nói, cũng “tuyệt mật” như cái văn bản quyết định tăng giá xăngvậy.

Cũng đã có một lời hứa từ người đại diện liên bộ Tài chính - Công thương là trong thời gian tới sẽ công khai minh bạch quỹ BOG. Nhưng “tới” là bao giờ? Và cũng theo kinh nghiệm, nhiều ý kiến tỏ ra hoài nghi rồi có công khai nhưng vẫn chẳng thấy… minh bạch đâu.

Bộ Tài chính đã nhanh chóng yêu cầu các DN không được “lợi dụng” tăng giá nếu sản phẩm, dịch vụ không chịu tác động trực tiếp giá xăng. Vậy ra, cái quyền tát nước theo mưa, (và tát nước cả khi không mưa) cũng chỉ thuộc về một số “ông độc quyền” ít ỏi mà thôi.

Nghe qua thì thấy bộ rất chu đáo, lo cho đời sống người dân. Nhưng ngẫm ra, trong thời buổi hiện nay, họa chăng hàng hóa nào được vận chuyển bằng xe căng hải(tức hai cẳng) may ra mới dám ung dung kê cao gối khi xăng tăng giá.

Dù sao các cơ quan chức năng đã lo lắng có phần hơi quá. Vì sau lần tăng giá xăng này, có vẻ giá cả các mặt hàng khác, ngay cả giá cước taxi, cũng điều chỉnh rất rụt rè.

Động thái kỳ lạ này chắc chẳng mấy liên quan đến cái yêu cầu kia của Bộ tài chính. Nguyên do nhiều người thấy rõ hơn là đời sống của người dân đã quá khó khăn, sức mua kiệt quệ, tăng thêm giá nữa chỉ có nước ôm hàng ế.

“Xăng và điện là đôi bạn thân”, nên khi xăng tăng, người dân lo lắng điện cũng sẽ tiếp bước (đánh úp cũng có quy luật của đánh úp). Đã có những tiền lệ cho nỗi lo này. Chẳng hạn, đầu năm 2011, khi xăng vừa tăng giá chưa đầy 1 tuần, điện cũng nhanh chóng “noi gương” bạn, với mức tăng hơn 15%.

Ngành điện đã trấn an với cam kết không tăng giá điện trong tháng 4. Nhưng còn tháng 5, tháng 6… thì sao. Cứ “hãy đợi đấy” đã.

Trong một diễn biến ít nhiều liên quan, mới đây báo chí xôn xao chuyện Giám đốc Điện lực Cà Mau biến người nhà và cả vài ca sỹ, nhạc công hát quán thành nhân viên để “đi học tập kinh nghiệm” (cách gọi mỹ miều của đi du lịch) bằng tiền công.Những đồng tiền đóng cho xăng, cho điện của người dân, rất có thể đã được trích ra không ít cho những chuyến đi bổ ích này. Vì thế, hãy biết “chia sẻ”, và đừng thắc mắc mỗi lần giá lên.

Theo Hải Tâm
Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm