Bát nháo cơ sở y tế tư nhân?

(Dân trí) - Cả nước hiện có hơn 30.000 cơ sở y, dược tư nhân được cấp phép. Không ít cơ sở trong số này hành nghề vượt phép, “chặt chém” bệnh nhân, bán thuốc với giá cắt cổ... khiến nhiều người dân tiền mất, tật mang.

Nhiều phương tiện truyền thông, trong đó có báo Dân trí cũng đã có nhiều bài viết báo động về vấn đề này.
 
Bát nháo cơ sở y tế tư nhân?

"Ta chỉ du nhập một khía cạnh của kinh tế thị trường “có cầu thì có cung”, hoàn toàn bỏ quên các khía cạnh khác, trong đó có đạo đức của kinh tế thị trường". (Ảnh minh họa)

 

Chuyện bát nháo, bất cứ ai mở mắt đi ra đường đều thấy. Bất cứ ai, hỏi chuyện một số bác sĩ và nhân viên y tá cũng biết được. Một số người đã thành nạn nhân của các cấu trúc y tế tư nhân này.

 

Quan điểm của chủ nhân các cơ sở y tế tư nhân rất giản dị: có cầu thì có cung.

 

Câu này được nhiều người mang ra để lý giải cho công việc của mình. Để chứng tỏ rằng chuyện mình làm là hợp đạo lý và nhất là hợp với trào lưu tiến triển của nhân loại, của kinh tế thị trường.

 

Trên nguyên tắc lý luận này đúng: trong kinh tế thị trường, giá bán và sự cạnh tranh là thành quả cân bằng giữa cầu và cung. Nhưng cộng vào đó là cả một môi trường tự do với văn hóa đạo đức phúc lợi xã hội đã được thành lập trước rồi ; với sự cẩn mật mà dân tình đã tiếp cận được sau quá trình kinh nghiệm đối diện với kinh tế thị trường;  với những tổ chức nghề nghiệp để bảo vệ đạo đức của người hành nghề như luật sư đoàn hay bác sĩ đoàn. Hơn nữa, còn có  hệ thống luật pháp chặt chẽ qui định rõ ràng trong một bối cảnh xã hội ổn định mà phần đông thành viên xã hội ý thức được quyền lợi và bổn phận của mình.

 

Ta chỉ du nhập một khía cạnh của kinh tế thị trường “có cầu thì có cung”, hoàn toàn bỏ quên các khía cạnh khác, trong đó có đạo đức của kinh tế thị trường.

 

Có "cầu" thật đó. Gì chứ về y khoa phần “cầu” rất to lớn: bệnh viện quá tải, số bác sĩ chưa đủ, còn nhiều chuyên khoa, bệnh về giấc ngủ, bệnh Alzheimer, bệnh điếc bẩm sinh ... chẳng hạn, bên ta chưa có bác sĩ chuyên ngành.

 

Kết quả? Phòng khám tư ra đời trong khi kiến thức y khoa của đại đa số dân tình chưa đủ để kiểm soát khả năng thật sự của các bác sĩ tư đó. Trong khi luật lệ còn lỏng lẻo...  Một số cơ sở y tế tư là cơ sở kinh doanh. Kinh doanh trên sức khoẻ bệnh tình và cái sống cái chết của người khác.

 

Dân ta khổ quá...

 

Ta cần phải chú trọng hơn nữa đến nền y tế công.

 

Một con số để so sánh: hàng năm, cho sức khỏe, Bỉ chi 10,6% tổng sản lượng quốc gia hay 5.040 đô la cho mỗi người - trong khi con số này ở Việt Nam là 6,8% tổng sản lượng quốc gia hay 231 đô la/người.

 

90 triệu dân cần được chăm sóc để bảo đảm cho tương lai. Ta phải nhớ rằng vốn nhân lực là tối quan trọng cho quốc gia. Phải chăm sóc sức khoẻ và phải nâng cao khả năng của dân tình.

 

Nguyễn Huỳnh Mai